Bà Ngô Vũ Dao Ánh – bóng hồng một thuở của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – vừa thông báo cho ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh biết trong chuyến về thăm Việt Nam tới đây bà sẽ trao lại cho gia đình toàn bộ hơn 300 bức thư tình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết…
Trong thông tin cung cấp riêng cho báo Tuổi Trẻ Online, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – cho biết vẫn thường xuyên liên lạc và trao đổi thông tin với bà Dao Ánh – người đẹp được xem là tình yêu sâu đậm nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh thời còn trẻ
Trịnh Công Sơn và Dao Ánh gặp lại sau 20 năm xa cách
Qua cuộc điện đàm đầu tuần này với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, bà Dao Ánh thổ lộ dự định lần tới về Việt Nam thăm nhà, bà sẽ trao lại toàn bộ bản gốc hơn 300 bức thư Trịnh Công Sơn cho gia đình để lưu giữ trong Bảo tàng Trịnh Công Sơn.
“Hơn 300 bức thư này đã từng là tài sản tinh thần của tôi, giúp tôi có sức mạnh để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Nhưng đây còn là bút tích lưu giữ tình cảm, tư tưởng, tinh thần và tình yêu của một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam, một trong những biểu tượng văn hóa của Việt Nam, nên tôi không có ý định giữ riêng cho mình.
Tôi mong muốn công chúng được tận mắt nhìn thấy những bức thư đó và chúng sẽ truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ về sống đẹp và yêu đẹp”, bà Dao Ánh tâm sự.
Hoa và lá khô được Trịnh Công Sơn ép trong những cánh thư – Ảnh: Bà Ngô Vũ Dao Ánh cung cấp
Bà Ngô Vũ Dao Ánh sinh năm 1948, là em gái của Ngô Vũ Bích Diễm – nàng thơ trong ca khúc nổi tiếng Diễm xưa.
Bản thân bà Dao Ánh từng là người được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết tặng hơn 300 bức thư tình và viết tặng nhiều bài hát, trong đó có Nắng thủy tinh, Còn tuổi nào cho em, Mưa hồng…
Ca khúc “Còn tuổi nào cho em” được Trịnh Công Sơn sáng tác tặng Dao Ánh – Ảnh: Bà Ngô Vũ Dao Ánh cung cấp
Năm 2011, đúng 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhà xuất bản Trẻ phát hành cuốn sách Thư Tình Gửi Một Người, tập hợp những bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh. 300 bức thư tình mà Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh cho thấy tình yêu thanh xuân của cố nhạc sĩ, những suy tư của một chàng trai mang tâm hồn nghệ sĩ.
Dao Ánh qua nét vẽ của Trịnh Công Sơn
Tôi xin giới thiệu một trong những bức thư đẹp như thơ chứa bao tình cảm, suy tư của nghệ sĩ:
Bức thư ngày 18/2/1965 mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết gửi Dao Ánh.
“Ngày 18/2/1965
Buổi sáng đầu tiên anh dậy trên miền cao này.
Vẫn còn thấy mình bị đày ải vì không khí đầm ấm vừa qua.
Buổi sáng có sương rất mỏng. Anh ngồi hong mình trước thềm nhà rồi đi qua những con đường đất đỏ như vẫn hằng đi.
Nắng cũng lên rồi đó.
Anh phải nói là đời sống mình bị xé rách mới phải. Trở lại nơi đây những ngày đầu thường bị mất thăng bằng. Mong cho nó chóng qua. Mỗi lần đi xa là mỗi lần đánh mất. Cho nên không thể nào khỏi lo lắng. Trừ những tâm hồn kiêu hãnh tuyệt đối mà thôi. Ánh có thể là một kiêu – hãnh – tuyệt – đối. Bạn bè thì ngàn năm vẫn thế. Nhất là nhóm chúng anh.
Những gì xem như tuyệt đối thì không thể biện bạch. Tình yêu cũng là một tuyệt đối.
Anh đang mong tin Ánh. Dĩ nhiên là mong tin vui.
Ánh ở đó dù buồn vẫn còn bạn bè. Anh ở đây thì tuyệt nhiên không có ai.
Càng sống nhiều thì càng độ lượng, càng độ lượng thì càng thấy mình già nua, càng già nua lại càng đánh mất. Bởi vì mỗi ngày mình đã di mình ra xa những nề nếp sống tầm thường. Đó cũng là một loại chu – kỳ – định – mệnh.
Anh nhớ buổi chiều Ánh viết những chữ Destin Destin trong tập Paroles và thấy se thắt.
Mỗi người đã đi từ một đời sống hư vô và sẽ trở về một cái chết hư vô. Ai sẽ đi từ một tình – yêu – hư – vô và trở về cô – đơn – hư – vô.
Ôi Ánh – hư – vô, Ánh – không – hư – vô những ngón tay anh giữ rồi có là mây khói. Thật tội nghiệp cho mỗi người. Rồi một ngày nào đó làm những kẻ lạ với nhau. Buổi sáng trước khi lên đây anh đi bỏ thư cho Ánh và ra ngồi một mình ở Pagode.
Thành phố như chìm chết. Hay anh chìm chết. Nhạc lên từ một góc nhỏ mais la vie sépare ceux qui s’ aiment tout doucement sans faire de bruit (lời một ca khúc). Có những lá me rất nhỏ lăn tăn như từng tích buồn bên kia công viên. Tất cả như muốn âm mưu, toa rập trên vẻ hư vô mênh mang anh đang chịu đựng. Anh bỏ đi và về nhà nằm úp mặt không còn lời nói. Chiều nay rồi Ánh ngồi một mình đốt nến với ai. Tóc đã cài hoa hồng chưa sao anh không nhìn thấy. Một ngày một tháng một năm buồn đi cho hết tuổi nhỏ.
Ánh ơi,
Buổi chiều. Anh vừa thức dậy nghe tiếng gió hú ngoài kia như một bầy sói rừng đến đánh thức. Buổi chiều vắng ngắt không còn nghe gì ngoài tiếng gió cũng không còn thấy gì ngoài bãi cỏ lao xao. Gió thổi những đám bụi đỏ đuổi nhau ngoài con đường dốc.
Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn (lời thơ của Thế Lữ – pv). Vẻ vắng lặng làm anh thấy bàng hoàng khó tin được mình vừa ở một vùng xanh non trôi nổi về một nơi cằn cỗi như thế này. Ám ảnh của những ngày tương đối êm đềm ở đó vẫn còn chan chứa trong anh. Anh như còn thấy Ánh bước đi, ngồi hát, như còn thấy những ngón tay với hình dáng quen thuộc mà anh hằng nhìn để nhớ trên mỗi buổi chiều. Bóng Ánh như xao động trước mắt anh. Tất – cả – Ánh còn đó còn đó. Anh đã bị đày ải thật rồi đây.
Ánh đã mất đã xa đi ngoài vạn dặm. Phải gọi là niềm chua xót chứ không phải là nhớ đơn thuần.
Nắng vàng đổ xuống và gió cuốn từng bóng nắng đi. Cho anh gọi thêm bao nhiêu lần tên Ánh nữa cho gió mang về.
Gió cũng buồn như mắt người yêu. Buổi chiều thứ năm. Ánh hình như không đến trường. Ánh ở nhà có thắp nến mà nghe gió xa về không.
Những ngày vui qua mau quá. Làm sao giữ nổi một ngày vui cho mình.
Dao Ánh Dao Ánh Dao Ánh.
Ở đây anh còn có đâu hy vọng mỗi chiều Ánh sang. Mỗi lần đến là mỗi lần xa lạ hẳn lên. Bỗng nhiên anh lại có cảm tưởng lạ lùng thế.
Đã có bao nhiêu lần anh kể cho Ánh nghe về vẻ hoang vu của những buổi chiều ở đây. Mỗi lần trở dậy là mỗi lần thấy mình bị tước đoạt tất cả. Từ một tình cảm nhỏ đến một tình cảm lớn. Thấy không còn gì không còn gì, như đã bị hắt hủi và mình không còn là mình nữa.
Này Ánh của anh,
Hãy hát lại lời ca của những bài hát quen thuộc đó cho anh nghe.
Buổi chiều nay anh đã chẳng còn ai nữa. Một épave (xác tàu chìm) trôi giạt về đây nghe tiếng nói của mình, bước chân của mình, hơi thở của mình là anh đó.
Anh đã có tất cả để rồi không còn gì. Hư vô đã choán chật khoảng sống nhỏ. Từng espace vitale. Ôi buồn, đó là từng sợi thạch nhũ rơi xuống âm thầm quanh đời sống anh có Ánh đứng nhìn như một vì sao buổi chiều, anh làm người chăn cừu trở về trong những tiếng chuông lục lạc. Anh chờ mong thư Ánh và những lời – nói – cho – ngày – tháng ở đây.
Nhớ Ánh – thần – thoại như bao giờ bao giờ.
Cho anh được ru những ngón tay mùa xuân vào thiên thu.
Ánh ơi Ánh ơi
Những ngày tháng còn nghĩa lý gì khi một người đã mất tài sản quý báu nhất của đời mình.
Anh nhớ!
Anh nhớ Ánh nhớ nghìn năm yêu dấu vô cùng.
Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này trên đời anh hở Ánh.
Ánh ơi gió đã đầy cả căn phòng anh trọ. Nhớ Ánh rất thê thiết.”
Một bức thư Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh năm 1964
Những dòng thư ngắn ngủi nhưng chứa chan tình cảm của Trịnh Công Sơn năm 1966
Rất nhiều bức thư được nhạc sĩ ghi “Thúy đưa lại hộ, merci”, tức bà Trịnh Vĩnh Thúy – em gái Trịnh Công Sơn, người đưa thư cho Dao Ánh trong một thời gian dài – Ảnh: Bà Ngô Vũ Dao Ánh cung cấp
* Bảo tàng Trịnh Công Sơn hiện chưa đi vào hoạt động, gia đình nhạc sĩ đang tập hợp hiện vật. Gia đình của nhạc sĩ đang vận động xây dựng bảo tàng Trịnh Công Sơn tại TP Huế, bên cạnh Không gian văn hóa Trịnh Công Sơn đang được hợp tác xây dựng ở TP Hội An, bên dòng Thu Bồn.