Đi tìm lời giải cho cách nói “Vào Nam ra Bắc” hay “trong Nam ngoài Bắc” 

Ngôn ngữ Việt Nam không chỉ đơn thuần là việc ghép 29 chữ cái và 6 thanh mà tạo nên. Chính bản sắc văn hóa, ngôn ngữ vùng miền đã tạo ra một hệ thống Tiếng Việt phong phú và đa dạng. Câu nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là hoàn toàn đúng với những ai bước đầu học nói tiếng Việt.

Và ngay cả chúng ta, khi sinh ra và lớn lên trong cái nôi tiếng Việt, tâm hồn chúng ta được tưới mát bằng những câu chuyện cổ tích kể miệng của ông bà, được nuôi dưỡng bằng trong môi trường ngôn ngữ đa dạng và phong phú của tiếng Việt. Tuy phong cách nói mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có nét đặc trưng riêng. Nhưng nết nhìn chung, tiếng Việt vẫn tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Và đặc biệt, thực tiễn lịch sử ghi dấu ấn trong ngôn ngữ, rất đặc biệt, không thể thay đổi. Chính vì thế nên dù dòng sử Việt đã đi qua thời kỳ định cõi riêng biệt giữa chúa Nguyễn với chúa Trịnh nhưng dấu ấn lịch sử vẫn còn lưu lại trong lời ăn tiếng nói của người Việt cho tới hiện nay qua cách gọi “Trong Nam, Ngoài Bắc”.

Ảnh minh họa

Tại sao nói “vào Nam ra Bắc” hay “trong Nam ngoài Bắc” nhưng không thể nói ngược lại.

Cách gọi “trong Nam, ngoài Bắc”, “vô/vào Nam, ra Bắc” bắt nguồn từ danh xưng Đàng Trong/Đàng Ngoài vào thế kỷ 17 – 18. Tuy nhiên vẫn có nhiều cách lý giải cho cách nói này:

Trong ngôn ngữ Tiếng Việt chúng ta dùng từ “trong” tức là trung tâm so với “ngoài”; bao giờ “trong” cũng có vai vế hơn (về mặt thực tiễn) so với “ngoài”. Ta nói “trong kinh thành, ngoài biên ải”, chớ không ai đi phân định “trong biên ải, ngoài kinh thành” hết.

Trong một số trường hợp, “trong” còn mang tính chất mật thiết hơn so với “ngoài”. Ta nói “trong nhà, ngoài lộ”, chớ không ai đi nói “trong lộ, ngoài nhà”.

Cái thuở nước Việt chưa phân chia hai miền (chúa Nguyễn, chúa Trịnh) mà Thăng Long còn làm kinh đô chung, người ở trong kinh kỳ khi ngó ra chốn mù khơi như Bình Định gọi là ngó ra ngoài biên ải.

Đến thời phân tranh Trịnh – Nguyễn, lấy ranh giới nơi sông Gianh (Quảng Bình) mà phân chia đất nước. Nói “Nam hà” để chỉ lãnh thổ từ phía Nam sông Gianh trở vô, “Bắc hà” để chỉ lãnh thổ từ phía Bắc sông Gianh trở ra. Nhưng, danh xưng chính thức thì không gọi Nam hà / Bắc hà, mà gọi là: Đàng Trong / Đàng Ngoài.

Một điểm lạ khi ấy là lẽ ra phải gọi toàn lãnh thổ phía bắc sông Gianh là “Đàng Trong” bởi nó có kinh đô Thăng Long; còn toàn lãnh thổ phía nam sông Gianh lẽ ra phải gọi là “Đàng Ngoài” (bởi nằm quá xa ngoài biên cương luôn, vượt qua Phú Yên, vượt tới Cà Mau mịt mù) mới phải. Nhưng, hoàn toàn ngược lại!

Cõi phía nam được gọi là “Đàng trong”, còn cõi phía bắc dẫu có kinh kỳ Thăng Long đi nữa nhưng lại trở thành “Đàng ngoài”

Vậy nếu chúng ta phân tích cách dùng “Đàng TRong/ Đàng Ngoài” qua phân tích nghĩa của từ.

“Đàng” (Đàng Trong, Đàng Ngoài) nghĩa là gì? “Đàng” = “đường”, nhưng “đường” ở đây không phải là “con đường” . Trong Hán tự (vì khi chưa sử dụng Quốc ngữ, tiền nhân chúng ta vẫn sử dụng Hán tự), “đường” có nhiều nghĩa. Ở đây, “đường” được viết 塘 , nghĩa là “con đê” (đê sông 河 塘 ; đê biển 海 塘)! Cách gọi này có liên quan tới Đào Duy Từ (1572- 1634), ông là người nghĩ ra cách xây lũy phòng thủ cho chúa Nguyễn (“Lũy Trường Dục”, còn gọi là “Lũy Thầy”). Hệ thống lũy này nhìn như con đê.

Lực lượng của chúa Nguyễn đóng phía trong con đê, nên gọi là “Đàng (đường) Trong”, nằm về phía Nam. Còn lực lượng chúa Trịnh ở phía ngoài con đê, nên gọi là “Đàng (đường) Ngoài”, nằm về phía Bắc.

Mặc khác, trong gần hai thế kỷ (thế kỷ 17 và 18), cõi phía Nam sông Gianh liên tục được mở rộng và trải dài tới Cà Mau là cõi có kinh tế phồn thịnh hơn, có văn hóa cởi mở hơn so với cõi phía bắc sông Gianh.

Giáo sư Li Tana ở Đại học Quốc gia Úc khi nghiên cứu về Đàng Trong, bà đánh giá công trạng của Chúa Nguyễn Hoàng tương đương với công trạng của Ngô Quyền. Nếu Ngô Quyền, vào thế kỷ 10, đã mở đầu nền tự chủ lâu dài cho một nước Việt với lãnh thổ khoanh lại ở miền Bắc và phía bắc miền Trung, thì Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng), vào thế kỷ 17, đã mở ra một thời kỳ mới cho nước Việt với lãnh thổ mở rộng cho tới tận Cà Mau. Nói rõ hơn nữa, Đàng Trong của các Chúa Nguyễn trở thành một trung tâm phát triển mới, một sinh lực mới cho nước Việt.

Nên khi ấy có thể nói rằng tương lai nước Việt được nhìn thấy trên vầng trán của xứ Đàng Trong…

Một cách lý giải khác cho cách gọi Đàng Trong / Đàng Ngoài. Chúng ta đều dễ nhận ra đây là “hệ qui chiếu” được nhìn từ tọa độ của phía Nam. Và danh xưng này được ghi chép vào trong sử sách một cách dứt khoác – bởi sức ảnh hưởng tự thân của nền kinh tế, xã hội của cõi phía Nam sông Gianh.

Thực tiễn phát triển của mỗi miền (Nam phát triển hơn Bắc) đã ghi dấu ấn rõ rành vào trong ngôn ngữ, thể hiện qua danh xưng: cõi phía Nam mới là “Đàng trong”, cõi phía Bắc chỉ là “Đàng ngoài” thôi.

Và, tới đây chúng ta dễ dàng hiểu vì sao gọi “vô (vào) Nam”, mà không gọi “ra Nam”. Bởi vì Nam là “trong” (Đàng Trong), nên người Việt mình khi nói “vô (vào)” tức là vô (vào) bên trong, và không ai nói “ra bên trong”.

Cũng vậy, gọi “ra Bắc”, bởi vì miền Bắc là “ngoài” (Đàng Ngoài) nên khi ta nói “ra” tức là ra bên ngoài, ra phía ngoài, chớ không ai đi nói “vô (vào) bên ngoài”.

Lý giải với góc nhìn Triết học tiếng Việt

Tuy nhiên vẫn có một cách lý giải cụm từ “Vào Nam ra Bắc” dưới gốc nhìn triết học như:

Từ thời xa xưa tổ tiên chúng ta nhận ra trong hang thì hẹp và ngoài hang thì rộng. Nói “đi ra ngoài hang, đi vào trong hang” rồi khái quát thành: “đi ra” là đi từ một không gian hẹp tới một không gian rộng hơn, như em bé từ bụng mẹ ra đời; còn “đi vào” là đi từ một không gian rộng tới một không gian hẹp hơn. Từ trong ứng với không gian hẹp, từ ngoài ứng với không gian rộng. Nhưng không gian nào rộng, không gian nào hẹp? Quan hệ trong – ngoài, hẹp – rộng chỉ là tương đối có trong tâm thức người Việt và được sắp xếp theo quy ước. Chẳng hạn: buồng hẹp hơn nhà, nhà hẹp hơn sân, sân hẹp hơn vườn, vườn hẹp hơn ngõ…

Vậy nên chỉ cần nghe “đi ra sân” là chúng ta biết ai đó từ buồng, từ bếp, từ nhà đi ra sân. Còn khi nghe “đi vào sân” là hiểu ngay ai đó từ vườn, từ ngõ… đi vào sân.

“Vào” nơi chưa biết – “ra” chỗ biết rồi

Hàng loạt nghĩa mới của hai từ ra, vào được hình thành liên quan đến nhận thức: a) Trong – ngoài là quan hệ hẹp – rộng, khép – mở, chúng tạo ra những quan hệ về thuộc tính, và b) Hướng chuyển động chuyển thành thuộc tính. Đi vào là đi tới nơi hẹp, nơi bị khép lại, còn đi ra là đi tới nơi rộng mở.

Quan hệ hẹp – rộng chuyển thành quan hệ kín – rõ. Mà kín là bí mật, là không thấy được. Ấy vậy nên, từ vào để chỉ những sự việc hoặc hành động bí mật, không thấy được: Đảng rút vào hoạt động bí mật, tên gian đã lẩn vào đám đông, vấn đề đi vào ngõ cụt. Từ ra để chỉ những sự việc hoặc hành động thấy được, công khai: tiến ra sân khấu, cầu thủ A đã được đưa ra sân thay thế cho cầu thủ B.

Chuyển động “ra” là chuyển động từ không gian khép sang không gian mở, là chuyển động theo hướng ly tâm như: dang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, thuyền ra khơi xa… Khái quát lên là từ thu hẹp sang phát triển. Khái quát nữa là sự vật chuyển thuộc tính từ tiêu cực (âm) sang tích cực (dương). Điều này được thấy trong các lối nói trắng ra, béo ra, trẻ ra, khỏe ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra…

Ngược lại, từ vào dùng cho những hoạt động hướng tâm: co tay vào, nhìn thẳng vào sự thật, nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào…

Quan hệ không thấy được – thấy được chuyển thành quan hệ chưa biết – biết, phát hiện; giữ kín – bộc lộ. Từ ra để chỉ những gì ta biết, ta phát hiện: tìm ra đáp số; tìm ra thủ phạm; chỉ ra những chỗ sai; nhận ra người quen; nổ ra cuộc tranh luận. Từ ra còn trỏ những gì được bộc lộ: hiện ra, bày ra, làm rõ ra… Trong cờ tướng, “ra xe” là quân xe chuyển tới một vị trí mở (bộc lộ) rất rộng đường đi. Ý nghĩa “bộc lộ, phát hiện” của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hóa ra, thì ra là, thế ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai… Từ vào để chỉ những gì chưa biết. Nói tên lửa bay lên vũ trụ vì vũ trụ là không gian cao trên đầu chúng ta; nhưng cũng nói tên lửa bay vào vũ trụ vì trước đây chúng ta hầu như chưa biết gì về vũ trụ. Chúng ta nói những sinh viên tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng chưa biết gì về cuộc sống, là những sinh viên mới vào đời.

Tới đây, chúng ta giải thích được lối nói ra Bắc vào Nam: Trong quá trình phát triển, dân tộc VN đi từ phía Bắc xuống phía Nam. Chúng ta sinh sống ở phía Bắc. Nơi ta sống là nơi ta biết. Đi tới phía Bắc trên đất nước ta là đi tới nơi ta biết nên mới nói ra Bắc. Ông cha ta đi khai khẩn, khám phá phía Nam là nơi chưa từng sinh sống nên chưa biết. Đi tới phía Nam là đi tới nơi ta chưa biết nên mới nói vào Nam. Mặt khác, tiến về phương Nam chủ yếu là tiến về nơi rừng núi rậm rạp cũng là chưa biết. Thế là hình thành lối nói “vào Nam ra Bắc”.

Dù giải nghĩa cách gọi “Vào Nam ra Bắc” bằng “hệ quy chiếu” lịch sử Đàng trong Đàng ngoài hay dưới góc nhìn Triết học của ngôn ngữ, tuy hai cách giải nghĩa khác nhau nhưng cùng một điểm chung và một nhận định là Tiếng Việt rất phong phú. Ngôn ngữ tiếp nói và truyền thừa lại qua lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân.

Viết một bình luận