Phích nước Rạng Đông – Ký ức huyền thoại gắn với ước mơ của nhiều gia đình ở thời bao cấp

Phích nước Rạng Đông gắn liền với nhiều thế hệ gia đình người Việt Nam. Vào thời xưa, chiếc phích là thứ tài sản có giá trị và là vật dụng thiết yếu của gia đình nên thường được người dân mua làm quà cưới hay mừng tân gia. Nên vào thời đó, gia đình nào có một chiếc phích nước Rạng Đông đều nâng niu hết mực bởi chẳng có ấm đun siêu tốc cũng chẳng có bếp điện, bếp ga, muốn giữ cho nước nóng chỉ có một cách duy nhất là đổ vào phích. Những tháng rét căm ở miền Bắc, chiếc phích nước càng quý giá hơn bất cứ thứ gì, nó là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống lúc bấy giờ, cũng là ký ức huyền thoại….

Tài sản giá trị thời bao cấp

Theo tư liệu của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, trong thời kỳ khôi phục kinh tế ở miền Bắc mới được giải phóng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã đích thân lựa chọn xây dựng 13 nhà máy sản xuất công nghiệp đầu tiên để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Những nhà máy này sản xuất tất cả những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống như từ chiếc săm lốp xe đạp, bánh xà phòng giặt, bánh thuốc đánh răng, cái bát đĩa, vải, giấy và tới cả bao diêm Thống Nhất,… Cũng trong dịp đó, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được quyết định xây dựng.

Những chiếc phích nước Rạng Đông đầu tiên xuất hiện từ thập niên 50 của thế kỷ trước, tính đến nay cũng được khoảng 60-70 năm rồi. Chiếc phích được ưa sử dụng ở miền Bắc để đựng nước nóng pha trà, pha bột, tắm giặt cho trẻ em, trong mỗi gia đình đều có ít nhất từ 1 đến 2 chiếc phích. Đặc biệt, miền Bắc mỗi năm đón ít nhất từ 3-4 tháng lạnh nên chiếc phích càng là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngày bao cấp, muốn có nước sôi thì một là đi nhóm bếp, khá tốn củi, tốn than, tốn dầu, hai là sách phích nước ra tổ phục vụ ở ngay khu phố của mình. Ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội thời ấy có các tổ phục vụ, họ đun nước sôi để bán. Khi cần mua nước sôi, người dân sẽ mang phích ra mua, vừa rẻ, tiện lại nhanh hơn rất nhiều so với việc nhóm bếp đun nước. Giá tiền của một phích nước phục vụ rất rẻ, chỉ có 5 xu.

Cái phích nước như một vật dụng thiết yếu trong cuộc sống của các hộ gia đình thời bao cấp. Chỉ có phích nước mới giữ được độ nóng cho nước đủ lâu, có khi đến 2 ngày nước vẫn còn nóng đủ để pha trà. Nhà nào uống trà, kiểu gì cũng đi kèm với chiếc phích. Nhà nào cưới xin hoặc sinh nở thì cũng phải sắm bằng được một chiếc phích dù là giá cả của một chiếc phích nước thời ấy không hề rẻ, lên đến tận 7 – 8 đồng. Dù là đắt nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng mua bởi không có cái phích thì ăn uống, nuôi con cũng vô cùng vất vả.

Có lẽ vì công dụng và độ cần thiết bậc nhất của chiếc phích nước Rạng Đông mà chúng đã vô tình trở thành một món quà mừng cưới, mừng tân gia thường lệ thời bấy giờ. Thời ấy, văn hóa mừng cưới bằng vật dụng cụ thể phổ biến trong xã hội. Mỗi khi có đám cưới trong làng, người ta lại thấy đoàn người kéo nhau đi dự lễ cưới, người thì cầm gối, người mang màn, người mang bộ ấm chén, và đặc biệt không thể thiếu một vài người mang phích nước Rạng Đông.

Cũng giống như bếp dầu hay bếp điện Liên Xô, nhà nào có chiếc phích Rạng Đông cũng được coi là khá giả. Vì quý như thế nên ai sở hữu cũng rất nâng niu. Những thứ quà cưới được lựa chọn ngày ấy nếu không phải là thau chậu, chăn con công, bàn là Liên Xô… thì chắc chắn sẽ là chiếc phích nước Rạng Đông. Một chiếc phích nước Rạng Đông ngày ấy có giá khoảng 7-8 đồng, cũng là một món quà cưới vô cùng giá trị cho các cặp vợ chồng trẻ.

Cái phích Rạng Đông phần vỏ bằng nhôm, có phần nắp được tận dụng làm cốc uống nước. Mỗi lần dùng xong thì gác phích lên cao, phòng khi trẻ con chạy nhảy làm đổ vỡ. Mỗi khi gia đình có người sinh nở hay ốm đau, chiếc phích mới được mang ra khỏi nhà. Xách trên tay, băng qua mấy cánh đồng lên trạm xá cũng phải để ý, lỡ va phải cành cây, hòn đá, xước một chút thôi cũng đã tiếc lắm rồi.

60 năm vẫn giữ nhiệt

Miền Bắc đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thời kỳ phục hồi kinh tế, nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khi đó là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên của Việt nam được lựa chọn xây dựng. Cũng bởi thiết yếu và quý giá nên phích nước rạng Đông ngày ấy được quan tâm đầu tư và được đánh giá là một trong những sản phẩm tiêu dùng đáp ứng trọn vẹn nhất nhu cầu thời bấy giờ. Mặc dù quy trình sản xuất vẫn là 100% thủ công và vô cùng vất vả. Người công nhân dùng que thổi thổi dài hơn 1 mét để đưa vào lò thủy tinh đang nóng gần 1500 độ C để lấy cục thủy tinh ra thổi, tạo thành bình phích. Để tạo ra được 1 chiếc bình phích vô cùng nóng và vất vả, những người thợ làm phích lúc đó được coi như một nghệ nhân.

Từng giữ vị trí độc tôn thế nhưng cũng đã có thời, Rạng Đông đứng trước nguy cơ biến mất trong xã hội hiện đại. Đến cuối những năm 80, hàng Trung Quốc ồ ạt tràn vào, sản xuất khó khăn, có thời điểm phải cho một nửa số nhân công nghỉ việc, lựa chọn tồn tại duy nhất với Rạng Đông khi ấy là tìm tòi và đổi mới công nghệ.

Với bước ngoặt này, Rạng Đông đã được áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, đẩy lùi những sản phẩm của Trung Quốc và trở lại một cách ngoạn mục. Đến nay, thậm chí Rạng Đông đã xuất ngược trở lại Nhật bản, Trung Quốc, xuất sang cả thị trường châu Mỹ, châu Âu. Từ chiếc phích nước truyền thống với vỏ nhôm, giờ đã thay áo mới với nhiều màu sắc, chất liệu, đáp ứng nhu cầu sử dụng khác nhau của đám đông và của mỗi cá nhân. Gần 60 năm, chiếc phích nước năm xưa vẫn tiếp tục giữ nhiệt.

Viết một bình luận