Những gia tộc cải lương lừng danh: Từ huyền thoại Năm Phỉ tới kỳ nữ Kim Cương

Ông Nguyễn Ngọc Cương có 3 người vợ đều là đào hát nổi tiếng. Người vợ đầu tiên là cô Năm Nhỏ xinh đẹp và lừng danh. Khi ly hôn, ông cưới bà Năm Phỉ và họ không có con.

Đến năm 40 tuổi, ông lại cưới bà Bảy Nam (em ruột bà Năm Phỉ), sinh ra Kim Cương. Như vậy, cả bên nội lẫn bên ngoại của NSND Kim Cương đều có truyền thống sân khấu.

Huyền thoại Năm Phỉ – tài hoa bạc mệnh

Bà Năm Phỉ sinh tại Mỹ Tho, trong một gia đình nề nếp có 11 anh em. Cha bà là kỹ sư lại rất ghét “xướng ca vô loài”. Không ngờ, cô con gái của ông lại mê sân khấu, cứ ngân nga câu hát và múa may ra bộ, khi bị cha phát hiện thì ăn đòn rất nặng. Nhưng người mẹ lại hiểu con, và giúp con trốn nhà theo gánh hát khi mới 10 tuổi.

NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương trong vở Lá sầu riêng

Bà Năm Phỉ đầu quân cho gánh Nam Đồng Ban nổi tiếng, rồi vài năm sau có chồng, là kép hát Hai Giỏi lừng danh lúc bấy giờ. Chẳng may chồng chết sớm, bà trôi nổi qua nhiều gánh nữa, học thêm biết bao tinh hoa của các nghệ sĩ giỏi, sau cùng tham gia gánh Phước Cương.

Bà Năm Phỉ

Cô đào Năm Phỉ vừa là người đi hát cho gánh của ông Nguyễn Ngọc Cương nhưng cũng có thể coi là học trò của ông, vì chính ông đem những kiến thức sân khấu từ Pháp về áp dụng vào mỗi buổi tập tuồng, huấn luyện các nghệ sĩ một cách bài bản, cặn kẽ, có nền tảng lý thuyết vững chắc. Bà Năm Phỉ như diều gặp gió, toàn được ông bầu giao cho những vai chính trong các vở Trà hoa nữ, Lan và Điệp, Xử án Bàng Quý Phi, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Mộng Hoa nương… Bà diễn giỏi tất cả các loại tuồng, từ tuồng xưa cho đến tuồng xã hội. Và sự kiện tham dự Đấu xảo sân khấu tại Paris năm 1931 đã đưa tên tuổi của bà lên tận đỉnh cao.

Bà Năm Phỉ đúng là một huyền thoại bởi bà không hề biết chữ. Rời nhà ra đi khi còn quá nhỏ, bà đâu có kịp học hành, cứ thế lao vào nghề hát. Nhưng trời cho bà có một trí nhớ siêu phàm, kịch bản vừa nghe qua là thuộc. NSND Bảy Nam từng kể: “Có khi chị Năm ngồi nói chuyện với khách bên kia, còn tôi bên này đọc kịch bản, mà chị có thể lắng tai nghe rồi lát sau đọc lại ro ro”.

Nhưng bà Năm Phỉ đúng là tài hoa bạc mệnh. Bà sống với ông Nguyễn Ngọc Cương không có con. Họ chia tay, ông cưới bà Bảy Nam, thế là bà bỏ gánh Phước Cương, ra lập gánh riêng mang tên mình. Chẳng bao lâu, ông Nguyễn Ngọc Cương mất, hai chị em Năm Phỉ – Bảy Nam lại về sống chung, cùng lập gánh mới là Tam Phụng, nương tựa lẫn nhau. Nhưng bà Năm Phỉ vốn quen lối sống hào hoa, ăn xài phóng khoáng, khiến bà Bảy Nam phải lo toan mọi bề cho gánh hát. Năm 1954 khi vừa đóng xong vai cô Lan 18 tuổi, khán giả vỗ tay rần rần vì bà vẫn trẻ đẹp lộng lẫy dù đã 48 tuổi, thì bà ngất xỉu và qua đời, kết thúc một đời tài hoa.
NSND Bảy Nam và kỳ nữ Kim Cương

Nói đến NSND Kim Cương, có lẽ không thể nào tách khỏi tên tuổi NSND Bảy Nam, bởi hai mẹ con đã gắn bó nhau qua biết bao biến cố gia đình và thời cuộc.

Từ năm 19 tuổi (1932), bà Bảy Nam đã tự lập gánh riêng, trở thành trụ cột, vừa là quản lý lo cho mấy chục anh em nghệ sĩ trong đoàn, lại viết luôn kịch bản, rồi làm đào hát, có khi mang bụng bầu 8 tháng mà vẫn lên sân khấu biểu diễn, có khi đẻ dọc đường, có khi gồng gánh cả đoàn chạy qua năm tháng chiến tranh, nuôi chồng bệnh hoạn, nuôi chị, nuôi em, rồi có lúc vinh quang bước sang điện ảnh… thăng trầm đầy ắp. Bà sống mạnh mẽ như một trượng phu, nhưng nhân hậu, giản dị đúng chuẩn phụ nữ miền Nam, ai cũng kính nể.

Chỉ đến khi Kim Cương 16 tuổi có khả năng gánh vác gia đình, và bà tái hôn với ông lục sự Phạm Hữu Điệc giàu có, yêu thương bà hết mực, thì mới coi như bà được sung sướng. Nhưng khi Kim Cương thành lập đoàn kịch thì bà lại chung tay gánh vác với con. Bà vừa là cố vấn nghệ thuật, vừa đóng những nhân vật mà có lẽ không ai thay thế nổi. Bà mẹ trong Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo là hai “tượng đài” để đời.

Đến lượt NSND Kim Cương rất giống mẹ ở chỗ mới 20 tuổi đã thành lập đoàn kịch cho riêng mình (1957). Thật ra ban đầu Kim Cương đóng cải lương, vì tuổi thơ mới 10 ngày tuổi đã được bồng lên sân khấu, rồi 6 tuổi đóng vai Na Tra, sau đó là sống trong cái nôi cải lương của cha, mẹ, và dì ruột Năm Phỉ, thì Kim Cương hấp thu biết bao tinh hoa nghệ thuật. Bà từng có những vai xuất sắc trong Điêu Thuyền, Giai nhân và ác quỷ… nên báo chí phong cho biệt danh kỳ nữ.

Nhưng khi bà chuyển sang kịch nói thì hầu như bà phải tự mò mẫm đi vì lúc ấy kịch nói mới manh nha. Thế là, Kim Cương phải xắn tay lên làm mọi thứ y như mẹ mình đã từng làm. Nào là quản lý, viết kịch bản, dàn dựng, ứng xử, ngoại giao… Nhưng trên sàn diễn người ta chỉ nhớ đến cô Diệu (Lá sầu riêng), bà Tư bán chè (Bông hồng cài áo), Bích và Bê (Dưới hai màu áo), Tania (vở Tania)… là những vai để đời trong số mấy chục vai nổi tiếng. Bà còn đóng mấy chục phim nhựa, khán giả đều say đắm. Sau 1975, bà lại nổi danh trong công tác từ thiện, và đến nay đã 84 tuổi vẫn còn là điểm tựa cho rất nhiều người nghèo.

Viết một bình luận