Chuyện về vụ án “Minh Phụng – Epco” (phần 1): Ly kỳ cuộc đời Bảy Phụng

Từ người chở hàng đi bỏ mối, Bảy Phụng trở thành một trong những tỷ phú đầu tiên ở Việt Nam những năm 90, nắm trong tay cả nghìn tỷ, thế nhưng, sau đó vướng lao lý và cái kết là… án tử hình.

Cách đây hơn 20 năm, vụ án “Minh Phụng – Epco” ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo luật pháp hiện hành đã thu hút được sự chú ý cao độ của xã hội. Và sau đó, hậu vụ án này cũng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà nghiên cứu pháp lý và báo chí, trong quá trình xử lý phần phát sinh của vụ án liên quan đến thi hành án phần tài sản.

Trong vụ án này, các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 Ngân hàng Thương mại tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD.

Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án cũng đứng hàng “top ” với trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự v.v… khối tài sản này Tòa án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng.

Dưới đây, chúng tôi sẽ không nêu lại những tình tiết của vụ án, bởi các hành vi phạm tội của Bảy Phụng và các bị cáo đã được Tòa án phán xử, đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất, hơn nữa, toàn bộ diễn biến cũng như nội tình vụ án đã được báo chí phân tích, mổ xẻ rất kỹ lưỡng trong thời gian dài.

Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là qua thời gian hơn hai mươi năm, những chiêm nghiệm và kiểm chứng qua thực tế cho phép chúng ta có thể đánh giá sự sụp đổ của Minh Phụng với cái nhìn khách quan hơn…

Bảy Phụng trở thành một trong những tỉ phú đầu tiên ở Việt Nam những năm 90 (Hình ảnh trong một cuộc họp của Bảy Phụng trước khi xảy ra vụ án)

Tay trắng thành đại gia nghìn tỷ

Từ người chở hàng đi bỏ mối, Bảy Phụng trở thành một trong những tỉ phú đầu tiên ở Việt Nam những năm 90, nắm trong tay cả nghìn tỷ, thế nhưng, sau đó vướng lao lý và cái kết là… án tử hình. Đó là số phận của Bảy Phụng, một đại gia đình đám một thời. Tài sản Bảy Phụng luôn mang theo mình là những bài báo cắt dán nói về tỉ phú Lý Gia Thành – ông vua bất động sản gốc Trung Quốc, dường như đó cũng là hướng rẽ quyết định số phận kỳ lạ của con người này…

Thời điểm đó, ở quận 11 (TP. HCM), hỏi Bảy Khùng, ai cũng biết, một chàng trai dễ mến, siêng năng, ham học hỏi nhưng luôn nói chuyện khởi nghiệp làm giàu, một vấn đề quá xa lạ trong lúc giá một chiếc xe máy là cả một gia tài và xe đạp còn là niềm mơ ước của nhiều người.

Bảy Khùng, Tăng Minh Phụng hay Bảy Phụng đều là một. Anh luôn có mặt trên các con đường Lạc Long Quân, Bình Thới, 3 tháng 2… để đi bỏ mối hàng tự sản xuất và thường xuyên bị một cô cảnh sát giao thông thổi phạt, sau này chính cô cảnh sát ấy lại trở thành vợ của Phụng…

Do chí thú làm ăn và được bạn bè giúp đỡ, Bảy Phụng khởi nghiệp với tổ hợp may nhỏ lẻ, rồi nhanh chóng phát triển thành chuỗi phân xưởng lớn nhất thành phố.

Quãng thời gian 1993-1996, người ta có thể thấy Công ty Minh Phụng nổi lên như là một “tập đoàn” kinh tế năng động, đầy thế lực, khẳng định được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Khó có thể hình dung đây là cơ sở tư nhân khi tham quan các phân xưởng mang tên Minh Phụng – chủ yếu sản xuất, gia công hàng may mặc, giày dép xuất khẩu.

Tính đến trước khi xảy ra vụ án, Minh Phụng có tới 15 phân xưởng sản xuất, gồm 10 phân xưởng may mặc, một phân xưởng nhựa, một phân xưởng dệt gòn, một phân xưởng bao bì PP, một phân xưởng thiết kế mỹ thuật cho hàng hóa ngành may và một phân xưởng thiết kế vi tính. Quy mô sản xuất thời điểm cao nhất có trên 9.000 lao động.

Những trang báo quảng cáo công ty Minh Phụng một thời

Giấc mơ bất động sản

Là ông chủ của công ty may với gần 10 nghìn công nhân, từng nắm cả nghìn tỷ trong tay nhưng Giám đốc công ty Minh Phụng bình thường và đơn giản như bao người.

Thời gian đó, nhiều giám đốc doanh nghiệp bị khởi tố vì tham nhũng mà khởi đầu là các hành vi ăn chơi trác táng, “bao” người tình là diễn viên, đánh bạc ăn thua bằng xe ôtô, dùng tay gấu như thức ăn bổ dưỡng. Nhưng Bảy Phụng vẫn trung thành với lối sống khắc khổ, luôn có mặt ở phân xưởng, buổi trưa thường chỉ có ổ bánh mì, chai nước suối và ba tờ báo.

Vào thời gian đó, công ty của Bảy Phụng đã khẳng định được uy tín trên thị trường trong và cả ngoài nước, điều mà ở thời điểm những năm đầu chuyển sang kinh tế thị trường, khó có thể tưởng tượng có ở một doanh nghiệp tư nhân.

Nếu chỉ có vậy, hẳn người ta sẽ vẫn thấy một Minh Phụng thành đạt trên thương trường. Mọi chuyện bắt đầu kể từ khi Minh Phụng nhảy vào cuộc phiêu lưu kinh doanh bất động sản (BĐS) khoảng từ 1992 trở đi, cho dù khi đó, hoạt động kinh doanh địa ốc của Minh Phụng bị coi là hoàn toàn bất hợp pháp, vì doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh BĐS. Cuộc chơi “vô tiền khoáng hậu” này thực sự biến Minh Phụng trở thành con bạc lớn, càng chơi càng thua, nhưng càng thua lại càng say.

Tính về mức độ tăng trưởng, khó có doanh nghiệp nào có thể so sánh được với Minh Phụng. Đến đầu năm 1997, ngoài các nhà xưởng sản xuất về ngành may mặc, giày dép, các dây chuyển sản xuất hoàn chỉnh có tới hàng ngàn bộ máy may, tổng danh mục BĐS của Minh Phụng có tới 169 biệt thự, nhà ở, văn phòng các loại; hệ thống nhà xưởng tập trung, kho tàng tại các khu công nghiệp có 78 đơn vị với diện tích trên 1,2 triệu m2; đất chuyên dùng có trên 2,6 triệu m2. Các tài sản trên phân bố khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng… Xét ở khía cạnh nào đó, người ta có thể phải thừa nhận Minh Phụng khi đó thực sự là một đại gia về địa ốc.

Thế nhưng chính khát vọng làm giàu mạnh mẽ ấy đã khiến Bảy Phụng phải ngã ngựa trên con đường đầy phiêu lưu mạo hiểm. Kinh doanh thất bại nhưng đau đớn hơn khi Bảy Phụng phải lãnh bản án khắc nghiệt nhất là tử hình.

Nhiều giọt nước mắt của những người công nhân đã rơi xuống khi nghe thông tin ấy không chỉ bởi tương lai mờ mịt của chính họ mà còn bởi cái tình họ dành cho ông chủ Bảy Phụng.

Liên quan đến những câu chuyện xung quanh kỳ án “Minh Phụng – Epco” đã từng khiến báo giới phải tốn giấy mực một thời, Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng kính mời quý đọc giả tiếp tục đón đọc ở phần tiếp theo: Cú “ngã ngựa” tại cuộc chơi “vô tiền khoáng hậu”.

Viết một bình luận