Điểm qua những bộ phim miền Nam nổi đình đám trước năm 1975

Những năm trước 1975, miền Nam bước vào thời kỳ của sự phát triển về kinh tế – xã hội cho đến văn hóa – giải trí khiến cho cuộc sống về tinh thần của người dân cũng dần được nâng cao. Điều này góp phần không nhỏ vào sự ra đời của những dòng phim thị trường, phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả với nhiều thể loại khác nhau như hành động, tâm lý xã hội, tình cảm,…Bên cạnh đó, khi người Mỹ tham chiến, đồng thời mang theo cả văn hóa Âu Mỹ cùng công nghệ kỹ thuật mới vào Việt Nam, nên ảnh hưởng không nhỏ đến điện ảnh.

Các tác phẩm phim như “Loan mắt nhung”, “Người tình không chân dung”,…đã ghi lại một dấu ấn khó phai trong lòng mọi người và đến tận bây giờ vẫn còn lưu lại tiếng vang không dứt.

Bụi đời (1957)

“Bụi đời” được sản xuất vào năm 1957, bởi đạo diễn Lê Mộng Hoàng dựa trên tác phẩm “Những hòn sỏi” của nhà văn Võ Đình Cường. Phim có sự tham gia của các diễn viên: Bạch Xuyến, Bích Sơn, Minh Giao,…kể về kiếp sống lầm than của những đứa trẻ mồ côi, sống lang bạt trên hè phố Sài Gòn. Câu chuyện về quãng đời trôi nổi của cậu bé tên Nhơn (Minh Giao), cha mất, mẹ (Bạch Xuyến) bỏ đi, Nhơn được gửi cho một người bác để ăn học. Có lần vì làm vỡ đồ nhà bác, Nhơn sợ bị hành hạ nên rời nhà bỏ trốn. Lang thang, đói khát, sống kiếp bụi đời,…Nhơn đã cùng người bạn tên Chát lên đường đi Đà Lạt tìm mẹ. Nhưng đến nơi, chứng kiến cảnh tượng mẹ bị cha dượng đày ải đủ đường, đau lòng khi biết được sự thật nên cậu nhóc lại bỏ trốn vào Sài Gòn. 

Tại đây, cậu lại phát hiện ra mẹ mình làm gái điếm hạng sang và hai mẹ con đã ôm nhau khóc nức nở giữa đêm khuya, trong một căn phòng tội lỗi, mùi nước hoa và son phấn ô nhục cứ nồng nặc…Trái ngược hoàn toàn với cảnh bình minh ló dạng thanh bình nơi góc trời thành phố. Lối diễn thông minh của Minh Giao cùng cảm xúc chân thật của Bạch Xuyến đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. 

Mưa rừng (1962)

“Mưa rừng” là một câu chuyện tâm lý – tình cảm hư cấu nổi tiếng được viết bởi tác giả Hà Triều – Hoa Phượng. Ngoài phim điện ảnh, “Mưa rừng” còn nổi tiếng dưới nhiều hình thức khác như cải lương, phim truyền hình, kịch nói,…Ra mắt lần đầu dưới dạng tuồng cải lương năm 1961, sau đó thì được chuyển thể bởi đạo diễn Thái Thúc Nha do Hãng phim Alpha sản xuất năm 1962 có sự tham gia của Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Ngọc Phu, Hoàng Vĩnh Lộc, Xuân Phát, Năm Châu….

Bộ phim lấy bối cảnh ở một đồn điền, xoay quanh câu chuyện tình đầy trớ trêu của các nhân vật. Khanh được ông Tịnh – chủ đồn điền thuê từ thành phố để làm cai phu, anh rất được mọi người thương mến. Còn K’Lai – một cô gái dân tộc, làm giúp việc nhà cho ông Tịnh, cô đem lòng yêu Khanh như Khanh lại chỉ để ý đến con dâu trưởng nhà ông Tịnh là Tuyền. Nhưng cô Tuyền lại có người chồng tên Thuyết – anh vốn là một kẻ điên bị nhốt trong phòng riêng, không người biết đến, ngoại trừ K’Lai. Bằng là em trai của Thuyết lại đem lòng si mê K’Lai nên anh đã tìm mọi cách để đuổi bằng được Khanh. Chán ngán với ngã ba đường tình, Khanh quyết định rời đi trong sự đau khổ của Tuyền và K’Lai. 

Hằng đêm trong rừng đều vang lên tiếng hú rợn người, người ta đồn đại rằng đó là của những người phu chết trong đồn điền. Lợi dụng tình cảm của K’Lai, Khanh đã biết được sự tồn tại của Thuyết và biết tiếng hú đó là của anh. Câu chuyện dần hé mở rằng Thuyết là người giết cha của K’Lai, nàng đã xin vào đây giúp việc với ý đồ trộn lá thuốc rừng vào thức ăn khiến cho Thuyết trở nên điên dại. Vì bảo vệ danh dự của gia đình, ông Tịnh chỉ đành nói dối rằng Thuyết đã chết. 

Chứng kiến vợ mình là Tuyền bày tỏ tình cảm cùng Khanh, Thuyết nổi cơn ghen toan muốn giết Tuyền. Bất ngờ ông Tịnh đi đến, nghĩ con trai còn điên nên ra tay bắn chết để giải cứu con dâu. Đường tình của Khanh và Tuyền xem như là rộng mở nhưng với K’Lai thì đó là nỗi mất mác to lớn. Cô từ chối tình cảm của Bằng và rời bỏ đồn điền, Khanh vì áy náy khi lợi dụng tình cảm của K’Lai nên cũng bỏ đi…tất cả đều chia tay nơi núi rừng hoang sơ, tiếng mưa rừng cất lên tạo nên một kết thúc buồn.

Phim đoạt giải Tượng Vàng – phim có cốt truyện hay nhất và là một bộ phim ảnh màu, đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam. Phim được in, rửa và thâu thanh tại Nhật Bản, trình chiếu năm 1963.

Loan mắt nhung (1970)

Loan mắt nhung là một bộ phim điện ảnh miền Nam năm 1970 của đạo diễn Lê Dân, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long sáng tác năm 1967. 

Bộ phim xoay quanh Loan – với biệt hiệu là “Loan mắt nhung” (Huỳnh Thanh Trà) – một tên thanh niên lương thiện bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành một tay du đãng nổi tiếng. Cuộc sống khốn khổ, vì để sinh tồn mà Loan phải đương đầu với mọi thứ, lăn lộn để rồi trở thành một đàn anh trong giới dao búa. Loan đã từng rất lương thiện và có một mối tình đẹp như bao người cùng với cô gái tên Xuân (Thanh Nga). Bươn chải để rồi rơi vào chốn giang hồ, tại đây, Loan gặp được Dung (Kim Xuân) – cô ta đã đưa cho anh nhiều phi vụ làm ăn lớn từ cướp bóc, buôn lậu,…nhưng anh vẫn luôn mong sẽ có ngày được trở về với cuộc sống lương thiện như trước. Rồi, anh gặp lại Xuân trong tình cảnh vô cùng éo le – người yêu thuở hàn vi bị bọn xấu hãm hại tàn nhẫn đến chết. Quá đau khổ, Loan quyết định tìm một lối thoát cho đời mình bằng việc nổi loạn giết hết đám du đãng kia rồi nộp mình cho chính quyền để tự thú – kết thúc một cuộc đời bi thảm với niềm ân hận vì đánh mất tuổi trẻ. 

Bộ phim từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kiểm duyệt, nhưng cuối cùng lại đoạt giải Văn học Nghệ thuật dành cho “Phim truyện hay nhất” năm 1970. Bộ phim phản ánh, phê phán lối sống của một bộ phận thanh niên miền Nam trước 1975 và tác giả Nguyễn Thụy Long đã phải sống một thời gian dài cùng giới du đãng và vũ nữ để viết nên tác phẩm truyện tuyệt vời này.

Người tình không chân dung (1971)

“Người tình không chân dung” là một bộ phim điện ảnh miền Nam năm 1971 của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, với sự tham gia diễn xuất của diễn viên Kiều Chinh. Bộ phim ca ngợi hình ảnh người lính của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ca khúc chính trong phim cũng tên Người tình không chân dung của nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Phim kể về cô nàng Mỹ Lan (Kiều Chinh) – một phát thanh viên của chương trình “Tâm tình chiến sĩ” trên đài phát thanh, đến gặp một đại tá quân đội Việt Nam Cộng hòa xin được vào chiến trường để tìm người yêu. Ban đầu cô bị từ chối, nhưng đến cuối cùng thì vị đại tá vẫn mềm lòng trước sự kiên trì của Mỹ Lan nên đã để cô vào chiến trường và nhờ một đại úy tên Thịnh đưa cô đi. Vào chiến trường, Mỹ Lan đã tận mắt chứng kiến cảnh đời sống của những người lính khi ấy. Đi nhiều nơi, hỏi thăm nhiều người nhưng với từng ít thông tin, cô không thể nào tìm thấy. Dù vậy, cô vẫn rất kiên trì, đến khi cô nhận được tin tức về người yêu và chạy đến thì người ấy đang bị thương….

Phim được mở đầu với hình ảnh đặc sắc gây thương nhớ: Bên vũng nước mưa phản chiếu thứ ánh sáng lung linh của mặt trời, một chiếc nón sắt đã bị bỏ lại, chơi vơi giữa bãi sậy….Kết hợp hoàn hảo với ca từ của bài hát cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Trọng, đã làm nhiều khán giả rơi lệ.

Chính bộ phim này đã đưa Kiều Chinh lên đỉnh cao của danh vọng khi với tư cách là giám đốc hãng phim vừa là diễn viên chính gây náo loạn dư luận một thời. Sau khi ra đời, “Người tình không chân dung” thu về nhiều luồng ý kiến trái chiều, dù vậy, phim vẫn vô cùng xúc động. Tại đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ 17 tại Đài Bắc ngày 6 tháng 6 năm 1971, “Người tình không chân dung” đã đạt giải Chủ đề phim xuất sắc nhất và Kiều Chinh là nữ tài tử chính khả ái nhất

Tứ quái Sài Gòn (1973)

“Tứ quái Sài Gòn” là một bộ phim điện ảnh hài do hãng phim Lido sản xuất năm 1973, được quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của miền Nam Việt Nam như Tùng Lâm, La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương….Đây là bộ phim nổi tiếng với cách gây hài đầy bình dị, đời thường những tạo nên nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. 

“Tứ quái Sài Gòn” là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất cho lối tư duy và cách làm phim “ăn liền”, thỏa cơn đói tinh thần của một xã hội hào nhoáng đang lên. Bộ phim kể về cuộc hành trình từ quê lên thành phố lập nghiệp với hy vọng đổi đời của bộ tứ “hai lúa”: Lùn (Tùng Lâm), Mập (Khả Năng), Râu (Thanh Việt) và Lúa (La Thoại Tân). Bỡ ngỡ với cuộc sống đô thành, họ đã gây nên những náo loạn nhưng vô cùng hài hước. 

Sau một phen đánh lộn trong quán ăn, họ được một bà chủ gánh hát mời vào đoàn. Đang hí hửng vì tưởng đâu đã có nghề nghiệp ổn định, thì ngay trong buổi diễn đầu tiên, vở “Đổng Trác hý Điêu Thuyền”, do không biết diễn tuồng mà chỉ biết nghịch ngợm, họ cho khán giả một phen cười bể bụng. Qua đêm diễn đó, họ được cô Tuyết (Thẩm Thúy Hằng), một người đẹp vốn phục vụ cho một băng xã hội đen – để ý. Cô Tuyết giới thiệu họ vào 1 đoàn phim để đóng phim kiếm hiệp, mang theo giấc mộng trở thành tài tử nổi tiếng nhưng không ngờ lại dấn thân vào một âm mưu đen tối. Cô Tuyết bị ông trùm (Văn Giai) bắt phải dùng “mỹ nhân kế” để dụ dỗ hai Lúa, suốt thời gian dài nên hai người nảy sinh tình cảm. Trong khi đó, cô Nhài (Kim Cương) là người yêu tư Râu cũng khăn gói lên Sài Gòn tìm người yêu và vô tình phát hiện ra bí mật đen tối của đoàn phim. Bốn anh chàng cùng hai cô người yêu đã dàn trận để đòi lại công lý.  

Nét tinh nghịch cùng những pha xử lý thông minh của bộ tứ đã đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cách gây hài bình dị, giản đơn được thể hiện bằng cử chỉ, điệu bộ khiến khán giả khoái chí không thôi. Ngoài ra, còn rất nhiều lý do khiến không ít người muốn được thưởng thức lại bộ phim nổi tiếng một thời này. Để ngắm lại vẻ sắc nước hương trời của Thẩm Thúy Hằng, để cười nghiêng ngả vì sự tinh nghịch và quậy phá của bộ tứ và cũng có người muốn xem lại để nhớ một Sài Gòn trước năm 1975. 

“Tứ quái Sài Gòn” không chỉ là minh chứng cho bộ phim “mì ăn liền” hoàn chỉnh với giá trị giải trí một thời, mà đây còn được xem bộ phim hài tiêu biểu của miền Nam trước năm 1975 khi có cả phụ đề bằng tiếng Hàn lẫn tiếng Pháp và phát hành đi khắp nhiều nước châu Á.

 

Viết một bình luận