Lăng Khải Định – Kiến trúc hơn 1 thế kỷ trước và vẻ đẹp choáng ngợp vượt thời gian

Trong số 13 đời vua nhà Nguyễn có lẽ Khải Định là vị vua nhiều điều tiếng nhất. Khải Định bị xem là ông vua bù nhìn, nhu nhược trước thực dân Pháp tới mức trong dân gian xứ Huế lúc bấy giờ còn truyền miệng câu vè châm biếm chua cay rằng: “Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây, Nghề này thì lấy ông này tiên sư”. Không những thế Khải Định còn nổi tiếng là ông vua ăn chơi, cờ bạc, tiêu pha xa xỉ, và đặc biệt là có sở thích ăn mặc lai căng, diêm dúa, lòe loẹt chẳng giống ai, một ông vua như lời linh mục Léopold Cadière mô tả là: “Mặc complet bên trong khoác long bào bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc đẩu Bội tinh, thắt lưng gắn bóng đèn điện chớp đỏ”. Tính cách ấy của vua Khải Định phần nào cũng đã thể hiện khá rõ trên những công trình kiến trúc quan trọng của cuộc đời ông.

Quang cảnh toàn bộ lăng Khải Định năm 1926
Lăng Khải Định ngày nay

Mặc dù bị người đời chê bai, lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, song Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng là nơi yên nghỉ cuối cùng của Khải Định (trị vì năm 1916-1925) toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thành phố Huế.

Ứng Lăng trong giai đoạn đang xây dựng

Ứng Lăng đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Thậm chí, lăng còn được đánh giá là một kiệt tác về nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế nói riêng và di sản Huế nói chung.

Quang cảnh toàn bộ lăng Khải Định năm 1926

Khải Định lên ngôi năm 1916 ở tuổi 31. Ngay sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng.

Để xây dựng sinh phần cho mình, Khải Định đã tham khảo nhiều tấu trình của các thầy địa lý cuối cùng đã chọn triền núi Châu Chữ làm vị trí để xây cất lăng mộ. Ở vị trí này, lăng Khải Định lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”. Nhà vua đổi tên núi Châu Chữ – vừa là hậu chẩm, vừa là “mặt bằng” của lăng – thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.

Lăng Khải Định năm 1936

Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt.

Lăng Khải Định, ảnh chụp năm 1969

So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117 m × 48,5 m nhưng ngược lại cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise…, cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu… để kiến thiết công trình trên ngọn đồi này.

Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng… tạo ra từ phong cách kiến trúc.

Lăng Khải Định năm 1972

Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể:

  • Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ;
  • Trụ biểu dạng phù đồ (stoupa) của Phật giáo;
  • Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu;
  • Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể…

Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.

Bàn thờ “thần chủ” trong lăng Khải Định

Cung Thiên Định

Cung này ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí nơi đây. Công trình này gồm 5 phần liền nhau:

  • Hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng;
  • Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định;
  • Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua ở trên và mộ phần phía dưới;
  • Trong cùng là khám thờ bài vị của vua.

Bên dưới bửu tán là pho tượng đồng của Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua.

Tượng vua Khải Định bằng đồng mạ vàng được thực hiện ở Pháp năm 1922 rồi chở qua VN.
Tượng vua Khải Định
Tượng vua Khải Định
Tượng vua Khải Định

Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.

Bên trong lăng Ứng Lăng

Mời các bạn đọc cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Ứng Lăng qua một số ảnh sau:

Ảnh chụp Ứng Lăng từ trên cao
Ảnh chụp Ứng Lăng từ trên cao
Mặt tiền điện Khải Thành
Tượng voi đá, ngựa đá và quan chầu, lính chầu ở Bái Đình, bên phải
Tượng voi đá, ngựa đá và quan chầu, lính chầu ở Bái Đình
Bi đình ở Ứng Lăng
Cổng vào Ứng lăng với 37 bậc cấp thang được đắp tượng rồng rất lơn

Viết một bình luận