“Hận đồ bàn” (Xuân Tiên) – Mượn nỗi lòng của những người dân nước Chiêm bị vong quốc mà vẽ nên viễn cảnh tương lai

Xuân Tiên là một trong những nhạc sĩ có đóng góp to lớn trong nền tân nhạc Việt Nam từ trước năm 1975. Không chỉ sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị được công chúng yêu thích và đón nhận như “Hận Đồ Bàn”, “Khúc Hát Ân Tình”, “Về Dưới Mái Nhà”, “Chờ Một Kiếp Mai”,… thì ông còn có khả năng sử dụng 25 loại nhạc cụ khác nhau.

Bài hát “Hận Đồ Bàn” là một nhạc khúc ai oán khi nhắc đến nỗi hận vong quốc của những người dân nước Chiêm Thành và nuối tiếc mãi cho một thời oanh liệt của vua Chế Bồng Nga. Khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời của nhạc khúc “Hận Đồ Bàn”, nhạc sĩ Xuân Tiên cũng có đôi lời chia sẻ rằng: Ngày trước, khi còn trẻ, ông có nghiên cứu về những âm điều khác nhau của các miền trên đất nước, trong đó có vùng Quy Nhơn, Bình Định. Sau này, khi trở Sài Gòn, ông không muốn lại đi theo lối mòn cũ của những nhạc sĩ cùng thời, không còn muốn viết theo khuôn khổ của những câu chuyện tình yêu đôi lứa như nhiều nhạc sĩ khác. Nên sẵn lượng thông tin về vùng đất Bình Định, ông đã tìm hiểu thêm về lịch sử, về các dân tộc anh em nơi đây, đặc biệt là dân tộc Chàm với lịch sử của Campa. Từ đó, ca khúc “Hận Đồ Bàn” ra đời như nói thay tiếng lòng của những người dân nước Chiêm bị vong quốc. Mặc khác, thời điểm tác giả viết ra ca khúc “Hận Đồ Bàn” chính là dưới thời Pháp thuộc, các thông tin đại chúng của nước ta hầu hết đều bị Pháp kiểm soát. Nên Xuân Tiên đã mượn lịch sử người Chiêm, mượn sự kiện của Champa để nhắn nhủ với người Việt về tình hình nước ta thuở đó, những lời mà thể nói được của một người dân đang bị quân thù chiếm nước.

Nhạc sĩ Xuân Tiên

Trước danh ca Chế Linh đã có rất nhiều ca sĩ khác trình diễn nhạc khúc này, điển hình như đàn anh Việt Ấn. Người Chiêm Thành có mối quan hệ mật thiết về văn hóa, cũng như tâm linh với người Ấn Độ cùng đạo Bà La Môn, nên khi ca sĩ Việt Ấn (người gốc Ấn Độ) trình bày ca khúc này cũng khá phù hợp. Tương tự đó là ca sĩ Chế Linh – ông là một người con của dân tộc Chăm nên khi trình bày ca khúc này, người nghe không thể nào từ chối về mức độ “hợp cạ” này.

“Rừng hoang vu vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù
Vạc kêu sương buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường
Đàn đóm vương như bóng ai trong lúc đêm trường về
Rừng trầm cô tịch, đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm tháng năm buồn ngân
Âm thầm hoà bài hận vong quốc ca
Người xưa đâu, mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu
Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc di Chế Linh trình bày.

Rất nhiều thế kỷ về trước, Đồ Bàn chính là kinh đô của Chiêm quốc, nơi đây gắn liền với tên tuổi của một vị vua nổi tiếng Chế Bồng Nga (Po Binasuor) – Là một vị vua kiệt xuất, có tài võ bị, trong thời gian cầm quyền, ông đã chấn hưng nhà nước Chiêm Thành từ một quốc gia suy đồi trở nên hùng mạnh. Còn Chiêm Thành chính là tên của vương quốc Champa trong lịch sử Việt Nam từ 877 đến 1693, trước năm 859 thì Việt Nam gọi là Hoàn Vương.

Mở đầu cho ca khúc chính là những giai điệu thê lương cùng với ca từ não nề khi được nhắc về một thời kỳ oanh liệt của một vương quốc đã suy vong. Nhớ thuở nào vẫn còn là một vương quốc với những con dân đang ngày ngày trôi qua êm ấm, nhưng sau thời khắc ấy, còn lại gì ngoài sự hoang vu của một khu rừng, chôn vui biết bao uất hận về sự diệt vong của đất nước. Tiếng gió thoảng qua khu rừng vắng, những tưởng chỉ là làm mát nhưng nào ngờ lại mang theo biết bao là tiếng vọng tang thương trong không gian “tối tăm mù mịt”. Những chú vạc cũng trầm mình trong tầng sương dày mà hoài niệm về những giây phút huy hoàng cùng quật cường của người dân nơi đây, những chú đóm nhỏ vẫn ngây thơ mà chiếu sáng bản thân để rọi đường ngóng người trở về trong những đêm trường, nhưng nào hay tất cả đã vùi thây trong trận chiến. Vốn là một vương quốc an yên, không phàm vào bất kỳ ai, nhưng giờ chỉ còn lại một mảnh đất nước cô tịch, chẳng còn tiếng người cười nói mà chỉ có tiếng nước chảy vọng lại từ thác cao; chẳng có tiếng bước chân người đều bước nơi núi đèo, chỉ có một mảng vắng cheo elo hòa với tiếng nước róc rách thêm phần thê lương. Những âm thanh hạnh phúc, mang theo niềm hân hoan vui sống, giờ chỉ còn là thanh âm “tháng năm buồn ngân”, âm thanh của một bài hát “hận vong quốc ca”.

Chứng tích vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay chỉ còn là những tòa tháp nghiêng nghiêng đóng đầy rêu phong, chẳng có gì ngoài sự hoang phế và tịch liêu của một di tích lịch sử. Những lầu ca điện ngọc, những nơi từng là cung điện xa hoa cho vua phi ngày xưa để thể hiện nên quyền lực tối cao, giờ chỉ còn là một mảng rừng “xanh xanh một màu”. Đất nước đã từng là nơi có muôn dân reo hò, có những buổi dạ yến vui mừng cùng trăm họ, sau cùng vẫn không thoát khỏi sự diệt vong. Đứng trước những phế tích được nhuốm màu buồn của thời gian, tìm hiểu về những lịch sử oai hùng của nó cùng với những vị quân vương, có máy người có thể kìm được nỗi xúc động. Chính nhạc sĩ Xuân Tiên cũng không tránh khỏi những cảm xúc sầu thương khi chứng kiến sự hoang hoải của một triều đại.

“…..Đồ Bàn miền Trung đường về đây
Máu như loang thắm chưa phai dấu
Xương trắng sâu vùi khí hờn căm khó tan
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai
Nhấp nhô trên sóng xa xa tắp
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga vượt khơi.
Về kinh đô ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù
Triền sóng xô muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ
Tiệc liên hoan nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban cung nữ dâng lên khúc ca về Chàm…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Duy Khánh trình bày.

Thành Đồ Bàn xưa nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn và cách thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc, nên có thể nói Đồ Bàn nằm ở khu vực miền Trung nước ta hiện ta. Kể từ khi Chế Bồng Nga lên ngôi, đã có không ít lần xua quân Bắc tiến, đánh chiếm nhiều của cải, chiếm thành Thăng Long của quân ta. Nên đỉnh điểm của trận Đồ Bàn là năm 1377, Trần Duệ Tông cầm 12 vạn quân tiến vào đất Chiêm Thành và cũng từ đây mới có cuộc chiến gay gắt nhất và tạo nên mối thù giữa người Chiêm với Việt.

Đồ Bàn ở miền Trung, máu của cuộc chiến đã thấm vào từng tấc đất, loang đến cả những vùng khác, cuộc chiến diễn ra ác liệt và không đếm hết được có bao nhiêu sinh mạng nằm xuống – hy sinh cho cuộc chiến này. Hãy nhìn đi, “máu như loang thắm chưa phai dấu”, nhưng xương trắng đã vùi sâu nơi lòng lòng đất, bị phủ bởi một làn khí căm hờn, không cách nào tiêu tan được. Những chiếc thuyền ngoài khơi xa tấp, chẳng biết là thuyền của ai nhưng cứ nhấp nhô mãi không ngơi, hình như có một bóng mờ của vua Chế Bồng Nga,…ông đang vượt khơi, là đang bỏ trốn hay chỉ là đánh lừa quân Việt?

Quay trở lại nơi kinh đô Đồ Bàn, nhìn đâu đâu cũng thấy quân giặc, đâu đâu cũng nhìn thấy người muốn chiếm nước Chiêm Thành. Giống như tình cảnh nước ta khi dưới ách thống trị của chính quyền khác, nhìn đâu cũng là âm mưu độc chiếm, đâu cũng là máu tươi của những con người yêu nước hy sinh. Nơi Đồ Bàn ngày trước vốn vui vẻ với những bữa tiệc liên hoan, lúc nào cũng nhộn nhịp với những bản hòa tấu trên mảnh đất thiêng, có những cung nữ múa vui đêm dạ yến ngợi ca đất nước anh hùng. Nhưng giờ chỉ có tan hoang nhà cửa, thành mất người vong,….

“…Một thời oanh liệt người dân nước Chiêm
Lừng ghi chiến công vang khắp non sông
Mộng kia dẫu tan cuốn theo thời gian
Nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non
Người xưa đâu, mồ đắp cao hay đã sâu thành hào
Lầu các đâu, nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?
Người xưa đâu?….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày

Một thời oanh liệt của những người dân nước Chiêm Thành, một thời oai hùng đánh đuổi quân xâm lược, một thời chiến công lẫy lừng vang khắp non sông. Nhưng sau cùng chỉ như một giấc mộng, như chưa từng có vương quốc như thế tồn tại, “mộng kia dẫu tan cuốn theo thời gian”, đã bị cuốn trôi và trở thành những phế tích ít người nhắc đến. Nhưng dẫu vậy thì đã sao, “hồn ngàn đời còn theo nước non” vẫn âm vang mãi, tiếng vang hùng dũng vẫn được truyền nối cho con cháu mai sau. Người xưa dẫu không còn, mồ đắp cao hay sâu cũng thành hào, dường như không tồn tại. Những lầu các ngày xưa giờ chỉ còn một mảnh hoang tàn, chỉ còn là mảng rừng xanh xanh không người nhớ. Làm sao tránh được những ngậm ngùi này đây! Nên chỉ biết cất cao câu hát với đầy sự thê lương cũng não nề: “Người xưa đâu?”…

Trận Đồ Bàn được xem là thất bại lớn nhất của quân Trần trong các cuộc giao tranh với quân Chiêm và là một trong những thất bại lớn nhất lịch sử quân sự của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nhưng nó lại được xếp vào những chiến công hiển hách của quân dân nước Chiêm Thành. Còn về người Việt Nam ta thì chẳng hề cảm thấy tự hào khi nhắc đến sự thất bại của trận Đồ Bàn năm đó. Dù chỉ là mượn hình ảnh, mượn lịch sử để nói lên tình thế của đất nước ta trong thời kỳ Pháp thuộc nhưng lại chẳng được giải bày một cách rõ ràng về ý nghĩa, nên cho đến ngày nay kể từ lúc ra đời của ca khúc “Hận Đồ Bàn” vẫn nhận lại nhiều ý kiến trái chiều vì cho rằng nó đang “cười” trên sự thất bại của quân ta. Một lý do nữa khi suy xét về sự phổ biến của ca khúc này, chính là khi nhắc đến “Hận Đồ Bàn” chính là nhắc đến sự suy vong của người Chiêm Thành năm xưa và đồng thời nhắc lại mối thù hằn năm cũ giữa hai dân tộc Chiêm – Việt, dù ở hiện tại, hai dân tộc đã chính thức sống chung dưới một mái nhà. Tuy nhiên, nếu không đề cập đến những vấn đề đó, bỏ qua những luận điểm lịch sử cùng chính trị thì ca khúc “Hận Đồ Bàn” chính là một tuyệt tác được khá nhiều người yêu nhạc yêu thích.

Lời bài hát Hận Đồ Bàn – Xuân Tiên

Rừng hoang vu!
Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru
Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
Vạc kêu sương!
Buồn nhắc đây bao lúc xưa quật cường.
Đàn đóm vương
Như bóng ai trong lúc đêm trường về.
Rừng trầm cô tịch
Đèo cao thác sâu
Đồi hoang suối reo
Hoang vắng cheo leo
Ngàn muôn tiếng âm
Tháng, năm buồn ngân…
Âm thầm hòa bài hận vong quốc ca.
Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu.

Đồ Bàn miền Trung đường về đây…
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm…khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga…
Vượt khơi

Về kinh đô
Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù …
Triền sóng xô
Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ …
Tiệc liên hoan
Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban
Cung nữ dâng lên khúc ca Về Chàm.
Một thời oanh liệt
Người dân nước Chiêm
Lừng ghi chiến công
Vang khắp non sông.
Mộng kia dẫu tan.
Cuốn theo thời gian nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non.
Người xưa đâu?
Mồ đắp cao hay đã sâu thành hào.
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu

Đồ Bàn miền Trung đường về đây…
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm…khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp !
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga…
Người xưa đâu ?

Viết một bình luận