Điện ảnh miền Nam sau năm 1975: Những bộ phim kinh điển một thời

Thời điểm sau năm 1975, cuộc chiến đi đến hồi kết nhưng với nền điện ảnh Việt Nam thì chỉ mới bắt đầu. Chất sử thi cùng với âm hưởng hào hùng của cuộc chiến vẫn còn âm vang mãi và trở thành đề tài chủ đạo trong hàng loạt bộ phim kéo dài hàng thập niên sau đó.

“MỐI TÌNH ĐẦU” (1977)

“Mối tình đầu” là một bộ phim tình cảm – xã hội của đạo diễn Hải Ninh, do Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản và dựa theo một số truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hiểu Tường. Bộ phim ra mắt lần đầu năm 1977 và đã gây cơn sốt vé trong các rạp chiếu bóng.

Được lấy bối cảnh tại Sài Gòn trước năm 1975, khi cuộc chiến tranh sắp bước vào kết thúc, đặt ra nhiều câu hỏi day dứt cho những người trẻ tuổi về sự lựa chọn lẽ sống sau này. Phim kể lại mối tình đầu của một chàng sinh viên tên Ba Duy (do diễn viên Thế Anh thủ vai) với cô gái trẻ Diễm Hương (do diễn viên Như Quỳnh thủ vai), nhưng cuộc tình ấy nhanh chóng đổ vỡ khi Diễm Hương bị buộc lấy tên Cố vấn Mỹ để cứu cha thoát nạn. Đau đớn, Ba Duy đã bỏ học và lao vào con đường nghiện ngập, với ước muốn quên tình, quên đời và quên cả mình. Nhưng ánh sáng đã trở lại với cuộc đời của Ba Duy khi được chị Hai Lan (diễn viên Trà Giang), chị ruột Ba Duy – một cán bộ tình báo hoạt động nội thành khuyên giải, giáo dục để không bước vào con đường lầm lạc. Trong những ngày Sài Gòn náo loạn vì quân giải phóng sắp tiến vào, Diễm Hương bỗng phát hiện ra chồng cô đang âm mưu bắt cóc trẻ em Việt Nam đưa nước ngoài bán. Sợ lộ tẩy, y đã giết Diễm Hương hòng bịt đầu mối.

“Mối tình đầu” gây ấn tượng với khán giả nhờ sự chân thật cùng cốt truyện thân quen và gần gũi với đời sống lúc bấy giờ của những thanh niên miền Nam trước sự biến động của thời cuộc. “Mối tình đầu” được giới phê bình đánh giá là một trong những phim ăn khách và được yêu thích nhất thập niên 70 của thế kỷ XX và để lại ấn tượng mạnh mẽ mãi về sau này bằng câu chuyện đầy hấp dẫn cùng đội ngũ diễn viên vô cùng xuất sắc. Bộ phim thực sự là một bước đột phá mới của đạo diễn Hải Ninh khi đề cập đến vấn đề tình cảm, bởi trước đó, người xem đã quá quen với một Hải Ninh của những bộ phim chiến tranh. Ông được cho là một trong những đạo diễn tên tuổi của nền điện ảnh cách mạng sau thành công của hai bộ phim mang màu sắc sử thi là “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972) và ‘Em bé Hà Nội” (1974). 

“TỘI LỖI CUỐI CÙNG” (1978)

Từng là một hiện tượng điện ảnh đầu những năm thập niên 1980, “Tội lỗi cuối cùng” lôi cuốn người xem bằng câu chuyện đầy xúc động quanh cuộc đời của một nữ quái – Hiền “Cá sấu”, đó cũng là câu chuyện đầy khốc liệt trong bối cảnh xã hội hậu chiến.

Đây là bộ phim đầu tay của Trần Phương, dù mang theo hơi hướng của một tác phẩm giải trí về đề tài tội phạm nhưng vẫn mang trong mình dấu ấn nghệ thuật. Bộ phim ghi dấu với kết thúc bi kịch đầy giằng xé khác xa với những bộ phim tuyên truyền thời bấy giờ. Diễn xuất tỏa sáng của Phương Thanh trong vai Hiền “cá sấu” đã chiếm được cảm tình của công chúng nhờ gương mặt xinh đẹp, lối diễn xuất táo bạo và đôi mắt biết nói.

Kịch bản có phần đơn giản nhưng vẫn phản ánh đầy đủ không khí thời cuộc hậu chiến tranh, đặc biệt là sự sắc sảo trong cuộc sống cùng tâm trạng của những người thuộc xã hội cũ. 

“VÁN BÀI LẬT NGỬA” (1982 – 1987)

“Ván bài lật ngửa” là bộ phim nhựa trắng đen gồm có 8 tập khi đề cập về đề tài gián điệp do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982 – 1987. Nguyên tác kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” của nhà văn Trần Bạch Đằng. Bộ phim đã được sửa đổi khá nhiều chi tiết so với nguyên tác của tiểu thuyết và đặt tên chính thức là “Ván bài lật ngửa”. Sau khi ra mắt, bộ phim đã thành công tới mức nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề của bộ phim đặt lại cho tiểu thuyết của mình khi xuất bản vào năm 1986 và tái bản nhiều lần.

Bằng sự dàn dựng công phu cùng với bối cảnh cầu kỳ tái hiện hoàn toàn không khí Sài Gòn và nhiều tỉnh Nam Kỳ thời Mỹ – Diệm, dù là dàn diễn viên chính hay phụ đều để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong lòng khán giả. Đặc biệt đó phải nhắc đến sự chân thật và nét diễn tự nhiên của diễn viên Nguyễn Chánh Tín, kết hợp với cách kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh trầm tĩnh mà sang trọng của Lê Hoàng Hoa, bộ phim nhanh chóng trở thành cơn sốt trong thập niên 1980. 

Bộ phim mô phỏng quãng đời hoạt động của các nhân vật gián điệp có thật ngoài đời của Đảng Lao động Việt Nam hoạt động trong lòng Việt Nam Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là tình báo viên Phạm Ngọc Thảo. Với kịch bản lôi cuốn, các lời thoại có chiều sâu giữa các chính khách, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã biến loạt phim 8 tập này trở thành một xê-ri phim điệp báo có phần hư cấu và đạt được thành vang dội – mốc son đắt giá trong nền điện ảnh Việt Nam mà khó có đạo diễn nào tạo được. Phim giành về giải đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985, và giải nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1985, nhờ vào sự thể hiện ấn tượng vai diễn đại tá Nguyễn Thành Luân của tài tử Nguyễn Chánh Tín – vai diễn ghi dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp đóng phim của ông. 

“BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN” (1984 – 1986)

Biệt động Sài Gòn là bộ phim đầu tiên, duy nhất của điện ảnh Việt Nam tái hiện những sự kiện nổi bật của biệt động Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Ra mắt cùng thời với bộ phim “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn” cũng tạo cho mình tiếng vang lớn với cơn sốt phòng vé trong Nam lẫn ngoài Bắc. Lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trong những năm chống Mỹ, hai nhà biên kịch Lê Phương – Nguyễn Thanh đã mang đến cho khán giả một bộ phim kinh điển trong nền điện ảnh Việt Nam. 

Phim miêu tả những cảnh chiến đấu với súng vang, mìn nổ, khói lửa và thương vong, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc đấu trí căng thẳng của những chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch. Đó là Tư Chung – Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng người đồng đội Ngọc Mai khi họ phải đóng giả một cặp vợ chồng tư bản giàu có, ngày ngày chạm trán cùng tướng tá Việt Nam Cộng Hòa. Sống giữa kẻ thù, họ không những phải bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, liên lạc với đồng đội, mà còn phải đối mặt với những tình huống vô cùng nan giải, không chỉ trước làn đạn mà còn là cuộc chiến giữa lý trí và tình cảm. Trong khi đó, một nữ chiến sĩ biệt động khác, Huyền Trang, phải cải trang thành ni cô để che mắt kẻ thù. Bên cạnh đó, còn có những người đồng đội gan dạ, mưu trí khác như Năm Hòa, Sáu Tâm, bà má hậu phương, em bé bán báo làm giao liên… mỗi người một vị trí, vai trò khác nhau, cùng hợp quần tạo nên sức mạnh quân dân.Tuy chỉ có 4 tập, nhưng có thể nói phim “Biệt động Sài Gòn” là bệ phóng tên tuổi của hàng loạt diễn viên từ vai chính đến vai phụ.

“CÁNH ĐỒNG HOANG” (1980)

“Cánh đồng hoang” là một bộ phim điện ảnh Việt Nam nói về đề tài Chiến tranh Việt Nam, được đạo diễn bởi Nguyễn Hồng Sến. Không gian đề cập tới trong bộ phim chỉ vỏn vẹn trong diện tích của một cánh đồng hoang, nhưng lại khai thác cả không gian từ dưới nước (phía dưới mặt nước cánh đồng) đến tận trên không (nơi máy bay Mỹ đang quần thảo). Là bộ phim duy nhất tính đến thời điểm hiện tại trong nền điện ảnh Việt Nam giành được giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva – Liên hoan phim hàng đầu thế giới năm 1981. Sau hơn 40 năm, “Cánh đồng hoang” vẫn xứng đáng là một trong những tác phẩm phim kinh điển nhất của Việt Nam. 

Bối cảnh chính của bộ phim là vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc Chiến tranh Việt Nam. Vợ chồng Ba Đô và đứa con nhỏ sống trong một căn chòi nhỏ giữa dòng nước. Họ được Cách mạng Việt Nam giao nhiệm vụ giữ đường dây liên lạc cho bộ đội. Tác giả tập trung khai thác nhiều vào cuộc sống thường ngày của đôi vợ chồng như việc trồng lúa, nuôi con, bắt trăn, bắt cá nhưng xen kẽ vào đó còn có những cảnh chiến đấu, cảnh ẩn nấp trực thăng Huey của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích hoạt động. Trong 1 trận càn, Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng và hy sinh, để trả thù cho chồng, vợ Ba Đô đã đuổi theo, cùng đội du kích bắn rơi chiếc trực thăng. Kết thúc của phim có cảnh phi công Mỹ chết trong chiếc trực thăng bị bắn rơi, tấm ảnh chụp vợ con của anh ta rơi ra từ túi áo, đã có nhiều ý kiến cắt bỏ cảnh này. Tuy nhiên, nó vẫn được giữ lại để cho người xem hiểu rõ hơn về lính Mỹ, họ cũng là người bình thường, có vợ và con như Ba Đô, nhưng do Chính phủ Mỹ mà họ phải dứt bỏ gia đình để sang Việt Nam tham chiến để rồi thiệt mạng ở một nơi xa lạ.

Bắt đầu từ ý tưởng cùng bối cảnh độc đáo đã tạo nên sức sống bền bỉ của “Cánh đồng hoang”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – người nổi tiếng với “Chiếc lược ngà” và cũng là tác giả kịch bản bộ phim này đã tâm sự: “Tôi nghĩ kịch bản phim Cánh đồng hoang từ năm 1966 rồi, năm đó tôi đi về chiến trường Đồng Tháp Mười và ghi nhận được một số hình ảnh về chiến tranh Đồng Tháp Mười rất độc đáo… mãi cho đến ngày 18 tháng 12 năm 1978 tôi mới bắt đầu viết Cánh đồng hoang…”.

Viết một bình luận