Đôi điều tản mạn về những cuốn sách xưa – có những cái “cũ” nhưng rất quý như là bạn cũ, rượu cũ và sách cũ

Ai đó đã nói rằng có những cái “cũ” nhưng rất quý như là bạn cũ, rượu cũ và sách cũ. Sách tuy sẽ cũ theo thời gian nhưng giá trị lại không bao giờ cũ. Mời các bạn đọc cùng Gocxua ngắm nhìn lại một số cuốn sách xưa, qua bài viết sau:

Khúc Tiêu Đồng – Hồi Ký Của Một Vị Quan Triều Nguyễn. Tác giả Hà Ngại

Khúc Tiêu Đồng là tập hồi ký của một trong những cử nhân triều Nguyễn khóa cuối và là học viên trường Hậu Bổ khóa đầu, ôn lại câu chuyện từ khởi nghĩa Cần Vương đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Bằng chính cuộc đời mình, tác giả đã làm sống dậy một thời lịch sử bi thảm và hào hùng của dân tộc trong đêm dài phong kiến và thực dân từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 đến giữa đầu thế kỷ 20. Đó là câu chuyện không chỉ của triều đình phong kiến, mà còn là quá trình khai hóa của người Pháp và những phản ứng của trí thức Việt Nam cựu cũng như Tây học.Thông qua đó ta hiểu thêm một giai đoạn lịch sử đang còn rất nhiều khoảng trống bị bỏ qua và thiếu sót. Từ một thanh niên nông thôn có học rồi trở thành quan đầu tỉnh, ở đâu và lúc nào, người trí thức khoa bảng cũng làm hết khả năng mình cho sự nghiệp chăm dân.

Tác giả Hà Ngại- Vị quan nhân đức, thức thời:

Cụ Hà Thược, tự là Hà Ngại sinh năm 1890 ở làng Phú Quý – nay là thôn Nakhom xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cụ là hậu duệ đời thứ 14 dòng Hà Phước ở Quảng Nam. Sinh trưởng trong gia đình nhà nghèo, từ nhỏ Hà Thược đã rất chăm học. Năm 22 tuổi đỗ Cử nhân (Hán học) rồi đỗ trường Hậu Bổ (Tây học). Cụ làm quan triều Nguyễn qua nhiều chức vụ khác nhau và ở nhiều nơi. Mới đầu ở Bình Định rồi Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Kon Tum. Cuối cùng khi làm Tuần vũ tỉnh Kon Tum thì đến cách mạng tháng 8-1945, cụ giao chính quyền cho cách mạng, nghỉ hưu ở Huế, dạy chữ Nho. Đến năm 1960, cụ vào Sài Gòn sống với con trai trưởng Hà Thúc; mất năm 1976, tro cốt cụ được đặt ở chùa Vĩnh Nghiêm (Tp. Hồ Chí Minh).

Quốc triều Hương khoa lục, Cao Xuân Dục
NXB Lao Động-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

Trong tác phẩm Quốc triều Hương khoa lục, Cụ Cao Xuân Dục đã ghi cụ thể về các kỳ thi Hương: số người được lấy đậu; tên và chức tước của hai vị Chánh, Phó chủ khảo; tên, quê quán và quan hệ gia đình của những người thi đậu (nếu trong gia đình, họ hàng đã có người từng thi đậu).

Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944

Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944 là cuốn sách do Lưu Đình Tuân tuyển chọn và dịch lại những bài viết quan trọng về Việt Nam từ năm 1941 đến 1944 của tuần báo minh họa Indochine viết bằng tiếng Pháp, thuộc Hội Alexandre de Rhodes, số đầu tiên ra ngày 12-9-1940.

Indochine với ưu thế gồm những tên tuổi lớn người Pháp và người Đông Dương lúc đó, có nhiều người là thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đưa lên mặt báo mọi vấn đề, chính trị cũng như nghệ thuật, kinh tế cũng như văn chương. Vậy nên Indochine là một tờ báo đa diện và đa dạng, do đó đáp ứng được nhiều tầng lớp độc giả, hàn lâm cũng như bình dân thời bấy giờ.

Thêm nữa, những người Pháp viết cho Indochine là những người sống muộn hơn và lâu hơn ở Đông Dương vào lúc văn hóa Pháp-Nam đã giao thoa với nhau nhiều hơn. Họ Đông Dương hơn, tự nhận mình là người Đông Dương (Indochinois), người Bắc kỳ (Tonkinois) …, thậm chí có người, như nhà khảo cổ Henri Parmentier, nhận Đông Dương là tổ quốc thứ hai của mình.

Với người đọc hiện đại, Indochine là một sự tham khảo hữu ích về vấn đề hình thức và làm nội dung cho một tờ báo; bên cạnh đó, tờ báo còn có giá trị tham khảo, lưu lại những bài viết trong một quá khứ vừa mới diễn ra mà nhiều người còn cảm nhận được trước khi thành nhạt nhòa, tranh cãi.

Dịch giả Lưu Đình Tuân chia sẻ: “Indochine là một bộ máy mà nhiều báo, thậm chí ngay hiện nay, phải mơ ước! Sau này, có thể thấy phong cách Indochine trong các báo ảnh Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước khác nữa, nhưng không một tờ nào chúng tôi biết có thể sánh được với Indochine về hàm lượng tri thức và phổ đề tài, cũng như kỳ hạn ở cấp tuần.

Vì những lý do trên, Indochine xứng đáng được dịch Pháp-Việt và giới thiệu đến độc giả Việt Nam ngày nay.

Sách gồm 47 bài viết được chọn lọc lại và sắp xếp theo bố cục thời gian; với nhiều đề tài đa dạng khác nhau được dư luận xã hội Việt Nam quan tâm từ khoa học kỹ thuật, giáo dục, lịch sử, nền mỹ thuật, văn hóa, tập tục, công trình kiến trúc, vấn đề quy hoạch đô thị (Đà Lạt, Hà Nội, Sài Gòn…), v.v

Nhiều tác giả có bài viết được chọn trong cuốn sách này là những học giả, chuyên gia: G. Coedès, L. Malleret, Henri Parmentier, Louis Bezacier, Jean-Yves Claeys… Ngoài ra còn có Trần Văn Giáp, bà Trịnh Thục Oanh (hiệu trưởng trường École Brieux, nay là trường THCS Thanh Quan, Hà Nội)…

+TRÍCH ĐOẠN HAY:

“[…] Nằm ở vị trí tuyệt vời, có khí hậu trong lành và ôn hòa, được hai đường bộ và một đường sắt chạy tới, liệu Đà Lạt có trở thành một trung tâm hành chính không? Đó là điều bí ẩn của Chúa. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì thật tai hại. Chuyện từng xảy ra trước tiên với Hà Nội. Hà Nội đã mất nhiều, tới đây Đà Lạt sẽ chật ních, ngổn ngang công trường xây dựng, xe hơi và người đông đúc, Đà Lạt sẽ mang dáng dấp của thành phố, sẽ mất đi điểm mạnh, mất đi chức năng ban đầu của nó: thành phố nghỉ dưỡng.

Khi bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt vào cuối thế kỷ trước [XIX], khi những đoàn khảo sát tiên phong xây dựng những ngôi nhà gỗ đầu tiên ở Đà Lạt, tất cả đều có một ý tưởng chính xác, đúng và hợp lý: chọn một chỗ tốt nhất để xây dựng một khu điều dưỡng. Tôi có cảm tưởng là với việc xa dần mục tiêu ban đầu, người ta bị lạc đường.”

P. Munier, tháng 3 năm 1941

“Vì thế các thành phố như Huế, Luang Prabang, Phnom Penh phải bảo tồn các tính cách An Nam, Lào, Cao Mên của chúng. Sự có mặt của chúng ta không được làm mất tính độc đáo của chúng mà phải phát triển những sự độc đáo đó. Các khu phố, các công trình theo kiểu phương Tây dành cho chính quyền bảo hộ, các công trình thương mại của người châu Âu phải hoặc kín đáo, hoặc biệt lập. Giải pháp cho Huế rất tuyệt vời. Tuy nhiên, chiếc cầu sắt nối hai thành phố là một sai lầm về mặt mỹ học

Ngược với các thành phố cổ, các thành phố mới sẽ chủ yếu dành cho người châu Âu hoặc cho các hoạt động mang tính cách châu Âu. Các điểm nghỉ mát trên cao hoặc các điểm tắm biển do chúng ta tạo ra thuộc loại hình này. Vì thế, ở Đà Lạt, nơi có khí hậu như Pháp, người ta chỉ có thể xây dựng một thành phố kiểu Pháp. Kết quả là tại đây loại hình kiến trúc vay mượn kiểu dáng địa phương sẽ được thay thế.

Hải Phòng, thành phố thương mại mang tính cách Pháp, cũng sẽ phải có tính cách nổi bật hơn trừ khu phố Tàu. Vatchay phải là một cảng châu Âu điển hình, có các cao ốc vừa to lớn vừa lịch sự, với các khu nhà ở nhè nhẹ pha ngoại.

Cuốn sách Việt Sử Yếu của tác giả Thái Hà Diên Mậu Hoàng Cao Khải, do Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch

Hoàng Cao Khải (1850 – 1933) từng chỉ được/bị biết đến ở vai trò một ông quan to triều Nguyễn một người thân Pháp một kẻ có tội với đất nước. Ông từng chỉ được soi chiếu ở góc độ chính trị với cái nhìn phê phán gay gắt. Lịch sử về ông dường như đã khép lại. Nhưng ít ai biết ông còn là một nhà thơ một nhà sử. Cuốn sách Việt sử yếu một tác phẩm sử học của Hoàng Cao Khải viết bằng chữ Hán năm 1970 đã được dịch in ở Sài Gòn năm 2007 được in lại ở nhà xuất bản Nghệ An đem đến cho người đọc một hiểu biết mới và khác về ông hơn những khuôn thức lâu nay trong tâm trí. Năm 1914 cuốn sử này viết xong theo ý định ban đầu của tác giả là thuật sử nước nhà từ thời Hồng Bàng đến năm Duy Tân 14 nhưng sách chỉ viết đến đời Lê là dừng. Hoàng Cao Khải muốn mình viết sử vì cho rằng “nước ta không có tín sử” nghĩa là sử ghi chép chỉ sự thực không xuyên tạc bóp méo; “nước ta quá thiên trọng Bắc sử” nên sĩ tử nước nhà làu thông chuyện người mà “không biết đất đai của nước ta và nòi giống của dân ta như thế nào”. Việt sử yếu được biên soạn với tinh thần “giản dị thiết thực mà lại rõ ràng dễ hiểu”. Một đại thần thân Pháp khi về hưu giở sử cũ nước nhà ra soạn lại hẳn là phải có một tâm sự và một ý nguyện gì gửi gắm vào trong. Tâm sự ấy ý nguyện ấy nằm ở những con chữ của sách này mà khi viết nó ra Hoàng Cao Khải với tất cả sự chừng mực của một nhà nho và sự cẩn trọng của một vị quan vẫn dám tuyên bố: “Chúng tôi chỉ vì các nhà sử học mà phóng một tia sáng gọi là đi trước xã hội vậy. Chúng tôi lại yêu cầu các nhà hàn mặc hãy nối gót chúng tôi mà đứng lên”. Tia sáng ấy có giúp soi lại được cho ông điều gì trước hậu thế? Và lời kêu gọi các bậc trí thức đứng lên soi lại lịch sử nước nhà trong một xã hội thuộc địa có giúp biện minh được cho ông điều gì trước lịch sử?

VŨ MAN TẠP LỤC THƯ – Tác giả: Ôn Khê Nguyễn Tấn (1822 – 1871) (cha của ông Nguyễn Thân)

Tập Vũ man tạp lục thư là cả một công trình nghiên cứu công phu lịch sử người Thượng nói chung, về người Thượng ở Quảng Ngãi, về việc bình người Thượng của triều Nguyễn.” – Linh mục Phanxicô-Xavie Nguyễn Phương

“Vũ man tạp lục thư” được Ôn Khê Nguyễn Tấn viết vào năm 1871 khi ông giữ chức vụ Tĩnh Man Tiễu phủ sứ lo việc bình định vùng người Thượng ở Quảng Ngãi. Tập sách được in và phát hành vào năm Thành Thái thứ mười (1898).

Tên sách “Vũ man tạp lục thư” nghĩa là những ghi chép công cuộc đánh dẹp người man. Đây là một tài liệu có thể xem là đầu tiên viết về dân tộc thiểu số một cách có hệ thống.

Nguyễn Tấn đã chịu khó ghi chép rất cẩn thận và chi tiết về khoảng cách từng ngọn núi, vị trí các con sông, dòng suối, lối đi xa gần từ cơ (tên gọi của một đơn vị hành chánh) này sang cơ khác, ngôn ngữ, các tập tục, nếp sống… của người dân miền sơn cước Quảng Ngãi. Cùng với đó, các sách lược đánh dẹp, phương cách phòng ngự, sự xây dựng và cải tổ dần dần qua các triều đại, sự tích đánh dẹp của các vị danh tướng đã từng trấn giữ vùng đất này… cũng được tác giả ghi chép tỉ mỉ để làm tài liệu tham khảo cho hậu thế.

Trước đây cuốn sách đã được dịch sang tiếng Pháp và được lược dịch trong một vài tài liệu khác nhưng đa phần nội dung chứa nhiều sai lạc.

Bản này do Nguyễn Đức Cung sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải là bản dịch hoàn chỉnh nhất của cuốn Vũ Man tạp lục thư, đồng thời còn sửa chữa bổ sung những khiếm khuyết của các bản dịch trước đó.

CỔ DUỆ TỪ – Tác giả: Tùng Thiện Vương Miên Thẩm – Dịch giả Hy Nhân Nguyễn Quang Duy

TỪ là một thể loại văn học xưa. Nhắc đến thành tựu nổi bật của văn học Trung Hoa qua các thời kì, người ta thường nói “Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, Minh-Thanh tiểu thuyết”. Nghĩa là thời Hán thịnh hành thể Phú, thời Đường thịnh hành thể Thi, thời Tống thịnh hành thể Từ, …

Cổ Duệ Từ là từ tập của bậc đại gia văn chương Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Cho đến nay, Cổ Duệ Từ là từ tập duy nhất trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam được truyền bản hầu như nguyên vẹn.

Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, tác giả của tập Cổ Duệ Từ
Việt Sử Diễn Nghĩa – Tác giả: Tôn Thất Hân, Hồng Nhung và Hồng Thiết.

Việt Sử Diễn Nghĩa là một bộ sử bằng thơ chữ Nôm, gồm 1.884 câu lục bát, kể từ họ Hồng Bàng (khoảng thế kỷ 29 TCN) cho đến hết nhà Hậu Lê, lúc đưa hài cốt Lê Chiêu Thống từ Trung Hoa về nước (đầu thế kỷ 19). Phan Đăng sưu tầm, khảo cứu, phiên âm và chú giải.

Hai cuốn sách lịch sử Việt Nam

Đại Nam Thực Lục – Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên

Viết về hai đời vua Thành Thái (1889 – 1907)

và Duy Tân (1907 – 1916)

Đại Nam Thực Lục – Chính biên Đệ thất kỷ

Viết về đời vua Khải Định (1916 – 1925)

Hai quyển thực lục này, được dịch từ bản chép tay duy nhất hiện được lưu giữ ở Thư Viện Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (L’École française d’Extrême-Orient — EFEO) tại Paris.

Quyển Đệ lục kỷ Phụ biên mang ký hiệu Viet/A/Hist/9, gồm 29 quyển đóng thành 13 tập, hơn 1700 trang.

Quyển Đệ thất kỷ mang ký hiệu Viet/A/Hist/10, gồm 10 quyển, hơn 1400 trang.

Đây là bản chép tay thuộc loại “dạng bản” (bản mẫu để khắc in), chữ viết chân phương sạch sẽ, mỗi trang có 7 dòng, nếu không kể chữ lưỡng cước thì mỗi dòng có tối đa 20 chữ.

PAUL DOUMER, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) : Bàn Đạp Thuộc Địa

Cuốn ký sự đậm màu sắc tự truyện  này là một tư liệu thú vị từ góc nhìn của người trong cuộc cho những ai quan tâm tìm hiểu về tình hình Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm tháng bản lề đó, đầy ắp những biến cố có ảnh hưởng lâu dài đến tận ngày nay tại Việt Nam.

Đồng Khánh Khải Định chính yếu
Tác giả: Quốc Sử Quán triều Nguyễn
Nguyễn Văn Nguyên dịch

Nguyên bản của bản dịch này là bộ sách in hiện được lưu trữ tại Thư viện Hiệp Hội Á Châu (Société Asiatique) nước Pháp. Sách gồm 2 phần: Đồng Khánh chính yếu đóng thành 2 tập (ký hiệu Viet-A-Hist-26/1-2) và Khải Định chính yếu sơ tập, đóng thành 3 tập (ký hiệu Viet-A-Hist-27/1-3).

Ngày 2/4/ Nhâm Tuất (28/4/1922), vua Khải Định đã tấn phong cho con là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy làm Hoàng thái tử và đưa sang Pháp du học. Nhà vua đã cho biên soạn quyển Đồng Khánh và Khải Định chính yếu, để cho Hoàng thái tử học tập thêm vào những lúc nhàn rỗi.

Đồng Khánh và Khải Định chính yếu được biên soạn từ tháng 10 năm Khải Định 7 (tháng 11/1922) đến tháng 6 năm Khải Định 8 (tháng 7/1923) thì hoàn thành. Sách gồm 2 phần:

1. Đồng Khánh chính yếu, 6 quyển, chép các sự kiện trong hơn 3 năm thời Đồng Khánh, từ tháng 8/Ất Dậu (tháng 9/1885) đến hết năm Mậu Tý (tháng 1/1889).

2. Khải Định chính yếu sơ tập, 10 quyển, chép các sự kiện trong hơn 6 năm đầu thời Khải Định, từ tháng 4/Bính Thìn (tháng 5/1916) đến hết năm Nhâm Tuất (tháng 1/1923).

Các sự kiện đưa vào sách được lựa chọn mang tính khuôn phép dạy bảo, có liên quan về chính thể, bang giao; phân chép thành những đề mục như sau: Chính thống, Kính thiên, Pháp tổ, Hiếu trị, Gia pháp, Cần Chính, Ái dân, Đôn thân, Thể thần, Dụng nhân, Huấn sắc, Giáo hóa, Chính tục (phụ), Túc lễ, Thận hình, Gia thưởng, Minh phạt, Cầu ngôn, Trọng nông, Văn trị, Võ công, Thể chế và Bang giao.

Nhật Ký Đi Tây – Di thảo của cụ Phạm Phú Thứ, thành viên Sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Tây Ban Nha năm 1863

Cuốn nhật ký về hành trình của sứ bộ Phan Thanh Giản, do cụ Phạm Phú Thứ viết, nguyên bản tiếng Hán.

 

 

Viết một bình luận