Tìm hiểu về sự thay đổi quốc hiệu của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Việt Nam trải qua các thời kỳ, các triều đại nhà nước khác nhau với những tên gọi hoặc quốc hiệu khác nhau. Bên cạnh đó, cũng có những danh xưng chính thức hay không chính thức để chỉ một vùng lãnh thổ thuộc Việt Nam. Từ những cái tên thuộc về “truyền thuyết” như Xích Quỷ, Văn Lang được ghi vào lịch sử, cho đến cái tên Âu Lạc, Nam Việt của thời nhà Triệu,…rồi quốc hiệu dưới thời Đinh, Tiền Lê,….Hãy cùng Góc Xưa điểm lại những lần đổi tên được ghi chép trong sử sách và được sử dụng chính thức trong nghi thức ngoại giao quốc tế. 

Văn Lang

Văn Lang được coi là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam, được đề cập đến trong quyển “Đại Việt Sử ký Toàn thư”. Vùng kinh đô của quốc gia này được đặt tại Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), lãnh thổ bao gồm khu vực đồng bằng sông Hồng và 3 tỉnh miền trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) bây giờ. Nhưng chỉ tồn tại đến năm 258 TCN thì bị sụp đổ và được thay thế bởi quốc hiệu Âu Lạc của An Dương Vương. 

Âu Lạc

Năm 257 TCN, nước Âu Lạc đã được gây dựng lại từ sự liên kết của những bộ lạc Việt (Văn Lang trước đó) và Âu Việt, dưới quyền uy của Thục Phán – An Dương Vương. Quốc hiệu này có tính xác thực rất lớn về sự tồn tại bởi trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên (Quyển 113 – Nam Việt liệt truyện – Triệu Đà) và “Đại Việt Sử ký Toàn thư” cũng nhắc đến quốc hiệu này. 

An Dương Vương thống nhất người Lạc Việt và Âu Việt thành một, xưng vương và lấy quốc hiệu là Âu Lạc. Vùng lãnh thổ bao gồm phần đất Văn Lang trước đó cộng thêm vùng núi Đông Bắc Việt Nam bây giờ và một phần phía Tây Nam Quảng Nam (Trung Quốc). Đến khoảng thế kỷ III TCN – đầu thế kỷ II TCN (tức năm 208 TCN – 179 TCN), Triệu Đà (Quận úy Nam Hải dưới thời nhà Tần) đã mang quân sang đánh chiếm vùng đất Âu Lạc. Trong cuộc chiến đó, sự kháng sự của An Dương Vương rơi vào thất bại nên nhà nước Âu Lạc cũng vì thế mà bị xóa sổ.

Lĩnh Nam

Khoảng năm 39, nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống nhà Hán nổ ra khắp mọi nơi, cuối năm 39 – đầu năm 40, Hai Bà Trưng hiệu triệu các thủ lĩnh cùng quy tụ về, cũng nổ ra cuộc khởi nghĩa chống lại sự cai trị của nhà Hán. Sử cũ ghi chép lại rằng, tất cả các châu quận đều được hai bà đánh chiếm lấy lại như Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Hợp Phố, Nam Hải,… thậm chí có cả Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc ngày nay, biên giới phía bắc kéo dài đến hồ Động Đình. 

Sau đó, hai bà xưng vương với câu hịch nối lại nghiệp xưa của những vị vua Hùng, lập nên nước Lĩnh Nam – Đống đô tại Mê Linh (nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội). Trưng Trắc được bầu lên ngôi vua, Trưng Nhị làm vương của vùng Giao Chỉ. Đến năm 42, nhà Hán đưa quân sang xâm lược, khởi nghĩa Hai Bà Trưng nhanh chóng bị đàn áp và thất bại năm 43, mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần II ở nước ta.

Vạn Xuân

Vạn Xuân là quốc hiệu của Việt Nam trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi khi thoát khỏi ách thống trị của triều đình trung ương Trung Hoa của nhà Tiền Lý, dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602 thì bị nhà Tùy tiêu diệt, đánh chiếm Vạn Xuân – Lý Phật Tử đầu hàng, nhà Tùy lấy lại tên cũ là Giao Châu. 

Đại Cổ Việt

Đại Cổ Việt là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng thiết đặt năm 968. Quốc hiệu này tồn tại 87 năm cho đến năm 1054, đời vua Lý Thánh Tông thì đổi sang quốc hiệu khác.

Đại Việt

Đại Việt là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi – Đây là vị vua thứ 3 của triều đại nhà Lý. Quốc hiệu này tồn tại lâu dài nhất, dù bị gián đoạn 7 năm dưới thời nhà Hồ và 20 năm thời thuộc Minh, kéo dài đến tận năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 724 năm.

Đại Ngu

Đại Ngu là quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ. Quốc hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền. Sau khi nhà Hồ bị thất bại trước nhà Minh, và nhà Hậu Lê giành lại độc lập cho Việt Nam, quốc hiệu của Việt Nam đổi lại thành Đại Việt.

Về quốc hiệu này, theo truyền thuyết kể lại rằng, họ Hồ là con cháu vua Ngu Thuấn (là một trong Ngũ Đế nổi tiếng ở Trung Hoa thời thượng cổ); sau này con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương của nhà Chu phong cho ở đất Trần gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Hồ Quý Ly tự nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu.

Việt Nam

Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Năm 1802, hậu duệ còn lại của dòng họ Nguyễn là Nguyễn Ánh đã mang quân đánh bại nhà Tây Sơn, giành lấy đất nước và lên ngôi hoàng đế – Lấy hiệu Gia Long. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng “Nam” có ý nghĩa “An Nam” còn “Việt” có ý nghĩa “Việt Thường”. Tuy nhiên, tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia Vậy nên nhà Thanh mới đưa ra yêu cầu để nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam vì tránh sự nhầm lẫn này và chính thức tuyên phong tên này năm 1804.

Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Bởi, ngay cuối thế kỷ XIV đã có một bộ sách nhan đề “Việt Nam thế chí” do Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. Và cả quyển “Dư địa chí” được viết vào đầu thế kỷ XV của Nguyễn Trãi cùng nhiều lần đề cập đến hai chữ “Việt Nam”. Thêm vào đó là nhiều minh chứng xác thực cho sự xuất hiện sớm của quốc hiệu này: Trang sách đầu với dòng tiêu đề “Việt Nam khởi tổ xây nền” trong những tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; tấm bia khắc hai chữ “Việt Nam” từ đầu thế kỷ XVI – XVII ở chùa Bảo Lâm (Hải Dương);…..Đặc biệt là tấm bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đại ý của câu nói: Đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). 

Đại Nam

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý khẳng định sự rộng lớn của lãnh thổ nước Nam. Tuy nhiên, nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Mãi đến khi nhà thanh bắt đầu suy yếu thì vua Minh Mạng mới đơn phương công bố quốc hiệu mới của dân tộc là Đại Nam (hay còn gọi là Đại Việt Nam) vào ngày 15/2/1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.

Trong quyển sách “Quốc sử di biên” có ghi chép lại rằng: “Tháng 3, ngày 2 (Mậu Tuất, 1838, Minh Mạng thứ 19), bắt đầu đổi quốc hiệu là Đại Nam. Tờ chiếu đại lược: […] Vậy bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 20 (1839) đổi quốc hiệu là Đại Nam, hoặc xưng là Đại Việt Nam cũng được”.

Đế quốc Việt Nam

Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các hiệp ước với Pháp và thành lập chính phủ vào ngày 17/4/1945, đứng đầu là nhà học giả Trần Trọng Kim, với quốc hiệu Đế quốc Việt Nam.

Nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Nhật Bản, mãi đến khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh và trao trả lại quyền cai trị của Nam Kỳ ngày 14/8/1945. Nhưng chỉ 10 ngày sau đó, Bảo Đại đã thoái vị và tuyên bố trao lại chủ quyền cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi của cả nước Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954 và miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1976. Nhà nước này được thành lập vào ngày 2/9/1945 (cũng là ngày lễ Quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước để chính thức thành lập Quốc hội và Chính phủ khóa I.

Quốc gia Việt Nam

Quốc gia Việt Nam thực chất chỉ là danh xưng của 1 phần lãnh thổ Việt Nam nằm dưới quyền kiểm soát của thực dân Pháp, và quốc hiệu này được ra đời chính thức từ Hiệp ước Élysée ký kết ngày 8/3/1949, giữa Tổng thống Pháp – Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. 

Thực tế, chính quyền Quốc gia Việt Nam vẫn thuộc quyền quản lý và cai trị của Liên hiệp Pháp, tồn tại song song trên cùng một lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và trong suốt quá trình tồn tại, Quốc gia Việt Nam chưa hề có cuộc Tổng tuyển cử nào trên phạm vi cả nước và nó được cho là “chính phủ bù nhìn” của thực dân Pháp. 

Lá cờ vàng 3 sọc đỏ từng là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ 1949 đến 1955 và của Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến 1975.

Danh xưng này chỉ tồn tại trong 6 năm (1949 – 1955). Đến năm 1955, khi Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại thì Quốc gia Việt Nam cũng bị giải tán và lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Việt Nam Cộng hòa

Việt Nam Cộng hòa là tên gọi của một chính thể được Hoa Kỳ hỗ trợ thành lập tại miền Nam Việt Nam, kế thừa từ Quốc gia Việt Nam sau khi Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại.

Ở miền Nam Việt Nam, chính thể này tồn tại song song với chính thể Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau khi đầu hàng Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì chính quyền này cũng bị lật đổ, còn Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố sẽ kế thừa Việt Nam Cộng hòa.

Cộng hòa Miền Nam Việt Nam

Tên đầy đủ của quốc hiệu này là “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam” và chỉ là một chính thể của miền Nam Việt Nam, tồn tại từ năm 1969 – 1976. Mục tiêu chính của chính thể này là chống Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa để thống nhất đất nước. 

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hiệu này được sử dụng từ đó đến nay.

Ngoài ra, đất nước ta vẫn còn những danh xưng không rõ về tính xác thực, hoặc do nước ngoài sử dụng để chỉ vùng lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Những danh xưng không chính thức này cũng được ghi nhận lại từ cổ sử, truyền thuyết hoặc từ các tài liệu nước ngoài từ trước năm 1945.

Xích Quỷ: Hay còn gọi là Thích Quỷ, theo Việt Nam sử lược là quốc hiệu trong truyền thuyết về thủy tổ của dân Việt là Kinh Dương Vương.

Nam Việt: là quốc hiệu thời nhà Triệu (từ năm 204 TCN – 111 TCN). Thời phong kiến xem Nam Việt chính là quốc hiệu cũ của nước Việt ta nhưng từ thời Hậu Lê trở về sau, cũng như quan điểm chính thống hiện nay cho rằng quốc gia Nam Việt khi đó là của người Trung Hoa.

An Nam: là danh xưng của người nước ngoài chỉ lãnh thổ Việt Nam trong một số thời kỳ. Nguồn gốc của danh xưng này bắt nguồn từ thời thời Bắc thuộc, nhà Đường khi đó đã đặt tên cho khu vực lãnh thổ tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay là An Nam đô hộ phủ (673 – 757 và 768 – 866).

Viết một bình luận