Giai thoại về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: “Thà đui mà giữ đạo nhà”

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu gắn liền tên tuổi cùng sự nghiệp của mình với tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” – Đây là tác phẩm được giảng dạy nhiều trong những chương trình học tập phổ thông của bao thế hệ. Và cũng từ lâu, người dân Nam Bộ đã quen cùng yêu mến nhân vật Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Bởi tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã khắc họa thành công hình ảnh, tính cách và nghĩa khí của những con người thuộc vùng đất này chỉ bằng hàng trăm câu thơ lục bát đơn giản, vừa dễ nhớ lại dễ thuộc. Cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu phải nói là vô cùng phong phú nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm, cũng chính cuộc đời đó đã cho ta thấy được một phương châm “đối nhân xử thế” và khí tiết của một nhà nho yêu nước. Người ta vẫn nói, các nhân vật được cụ Đồ Chiểu xây dựng trong những tác phẩm văn học của mình vô cùng đặc sắc, không chỉ khúc xạ một cách chân thực hành động cùng ước mơ, mà còn nổi bật nên khát vọng làm người của nhà thơ yêu nước.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến loạn, đất nước rơi vào thế giao tranh giữa hai dòng cai trị: Triều đình phong kiến nhà Nguyễn và nguy cơ xâm lược của thực dân phương Tây. Bản thân Nguyễn Đình Chiểu đã nhận ra từ sớm những bất công cùng đau khổ mà người dân phải chịu đựng. Thế là, cụ cặm cụi 10 năm đèn sách để theo đuổi con đường khoa cử, chỉ mong sớm đạt công danh ra sức giúp việc cho đời. Nhưng trời phụ kẻ có lòng, sau cùng sự nghiệp lại bị “đứt gánh giữa đường” khi mà sự thất sủng của người cha rồi tang sự của mẹ dồn dập ập đến. Một chàng trai 20 tuổi đời với đầy khát vọng và hoài bão nhưng lại liên tục chịu đựng những bi kịch của cuộc sống nối tiếp nhau. Cay đắng, đau khổ khi vừa chịu đựng những bất hạnh, vừa biết bản thân trở nên mù lòa khi tuổi đời còn rất trẻ. Thấm thía chí trai nhưng phải ôm hận mà gửi gắm nỗi lòng vào câu thơ đầy khí khái: 

“ Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn có mắt ông cha không thờ ”.

Đứng dưới góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử, đi sâu vào những nét đại văn hóa đã phần nào tác động hình thành nên tính cách của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Giáo sư Lê Văn Lan đã đưa ra những lý giải của mình về cội nguồn thân sinh của cụ Đồ Chiểu như sau: 

“Cụ Nguyễn Đình Huy vốn là một viên chức của triều đình Huế thời vua Minh Mệnh, cụ là người Phong Điền. Như vậy nguyễn Đình Chiểu có một nửa nhân thân là người Huế. Tuy nhiên khi cụ Nguyễn Đình Huy từ Huế vào làm quan ở Gia Định thì cụ đã thành hôn với một bà thứ thất ở Gia Định. Như vậy trong sự kết tinh về mặt huyết  tộc thì NGuyễn Đình Chiểu có một nửa  nhân thân của mình là người Nam Bộ. Nhưng chung đúc nên, hun đúc nên sự nghiệp tính cách con người Nguyễn Đình Chiểu thì phần lớn và chủ yếu là đất Nam Bộ trong ba giai đoạn lớn lao của cuộc đời của vị danh nhân đất Việt thì Nam Bộ – Gia Định _ Cần Giuộc – Ba Tri mới chính là môi trường để tạo dựng nhân cách con người Nguyễn Đình Chiểu. Giai đoạn đầu này là giai đoạn có tên là giai đoạn Gia Định của Nguyễn Đình Chiểu và gắn bó với người mẹ và quê mẹ”.

Nếu theo sự phân tích của Giáo sư Lê Văn Lan thì môi trường sống ở thế chân kiềng như “Nam Bộ – Gia Định – Cần Giuộc – Ba Tri” cùng với những nét văn hóa đặc thù tiêu biểu của con người Nam Bộ đã phần nào ảnh hưởng đến nhân cách của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. 

Không chỉ có thế, Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần thuộc Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng lên tiếng bày tỏ sự khâm phục của bản thân đối với tài năng cùng sự đức độ của cụ Đồ Chiểu dưới con mắt của một người Nam Bộ điển hình thời nay: 

“Người mắt sáng dạy học đã khó nhưng người mắt mù dạy học thì còn khó vạn lần hơn thế. Vậy mà bằng tất cả ý chí, bằng tất cả thiện cảm với người đi học và quan trọng hơn bằng tất cả kinh nghiệm mà ông tích lũy trong quá trình tiếp xúc đó đây, Nguyễn Đình Chiểu đã sớm trở thành một nhà giáo tuy còn trẻ nhưng mà giàu uy tín. Nhiều người đã gửi con tới cho Nguyễn Đình Chiểu dạy bảo bởi vì ông ấy dạy học nhưng mà đỗ tú tài cho nên dân Miền Nam lúc bấy giờ vẫn trìu mến gọi ông là Đồ Chiểu, cụ Đồ Chiểu, thầy Đồ Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu vui với hai công việc mà ông chọn lựa. Một là làm một nhà giáo,  hai là làm một  thầy thuốc. Nguyễn Đình Chiểu đã tỏ ra là người xuất sắc trong việc học y học. Ông đã bồi bổ cho con người cả hai lĩnh vực, một là sức khỏe, hai là trí tuệ.”

Khu Di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre.

Chỉ có khảo sát thật sâu vào sự nghiệp thơ văn của cụ Đồ Chiểu, ta mới có thể thấy hết được những đóng góp đầy tâm huyết của một nhà nho mù, tuy đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nhưng trái tim yêu nước nồng nàn của ông lại như một vì sao đêm luôn rực rỡ và lấp lánh. Thu mình dạy học, làm bạn cùng thơ văn để mong tỏ bày tấm lòng mình cùng non sông chính là hành động thiết thực nhất của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Gửi gắm nỗi khát vọng của bản thân qua từng hình ảnh nhân vật văn chương, được chưng cất từ cuộc sống đời thực. Những câu thơ đầy sự cảm phục được cất lên để ngợi ca cùng tưởng nhớ hình ảnh của người trung sĩ, chiến đấu quên mình vì nghiệp nước như Trương Định, Phan Tòng, Nguyễn Hữu Huân, đốc binh Kiều…:

“Viên đạn nghịch thần treo trước mắt

Lưỡi gươm địch khái nắm trong tay”;

Cảm khái thay cho một lời văn hay mang theo sự thống thiết cùng đau xót của những người nông dân áo vải chân đất, những người nghĩa sĩ Cần Giuộc chẳng quản ngại thân mình, chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn. Đối với tác phẩm văn học đặc sắc “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Nguyễn Đình Chiểu, Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần cũng bày tỏ quan điểm của riêng mình và đánh giá cao hình tượng văn chương độc đáo của cụ Đồ Chiểu – Đó là sự kết tinh lý tưởng yêu tưởng của một nhà nho mù, được thể hiện bằng hành động:  

“Hình ảnh của Lục Vân Tiên vừa là hình ảnh mang dáng dấp cuộc đời của  Nguyễn Đình Chiểu nhưng đồng thời cũng là hình ảnh kết tinh lý tưởng của Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên vừa là Lục Vân Tiên vừa là đại diện cho suy tư của người Nam Bộ. Bởi vậy cho nên dân Nam Bộ cực kỳ yêu Lục Vân Tiên.”

Sau nhiều năm giảng dạy về văn chương của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nhà giáo Nguyễn Phước Hùng thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An cũng có những lý giải riêng về lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp của vùng Gia Định – Bến Tre, được tái hiện trong tác phẩm văn học “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Đồ Chiểu như sau: 

“Trước sự hy sinh dũng cảm, oanh liệt của các nghĩa sĩ Cần Giuộc thì ông đã sáng tác bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” vào trận đánh đồn Tây dương vào 18 tháng 12 năm 1861 để mà ghi lại công trạng của các nghĩa sĩ nông dân trong trận đánh đồn Tây dương này. Bằng ngòi bút tài hoa của mình, cụ Đồ Chiểu đã phác họa chân thực hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ đã làm rung động trái tim và tâm hồn của hàng triệu nhân dân.”

Một góc Khu Di tích mộ Nguyễn Đình Chiểu.

Chiêm nghiệm một mình trong đời sống riêng, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng rất linh hoạt những hình thức nghệ thuật phong phú và sinh động để bộc bạch những khát vọng cùng lý tưởng yêu nước của bản thân. Không nhìn đời bằng đôi mắt, cụ Đồ Chiểu thể hiện bằng trực giác cùng hành động sôi sục sự căm tức: 

“ Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan

Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ”.

Hình ảnh của các nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Phong Lai…đều được cụ Đồ Chiểu gửi gắm một cách trực tiếp. Chịu đựng những nỗi khổ riêng, Nguyễn Đình Chiểu càng biết ơn người vợ “kết tóc se duyên” với mình – Bà Lê Thị Điền (quê ở Ba Tri – Bến Tre) khi chấp nhận trở thành điểm tựa tình cảm vững chắc cho ông, cam nguyện dành cả cuộc đời cho người mù lòa như ông. Kết hợp với những yếu tố văn hóa của miền đất hiền lành, Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng nó đã góp phần tác động vào nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu:  

“Ở giai đoạn này thì Nguyễn Đình Chiểu được nhận danh hiệu yêu quý và rất Nam Bộ ấy  là ông già Ba Tri. Như vậy, đất Ba Tri tuy là đất lánh nạn, rời bỏ thì Ba Tri là cái nơi về thời gian Nguyễn Đình Chiểu sống dài lâu nhất trong cuộc đời của mình. Nhưng mà quan trọng hơn là Ba Tri với những địa phương ở quanh  vùng trung tâm Ba Tri như thế thì đấy chính là những miền đất và người đã tạo nền móng, đã tác động tới sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu mà cái sự nghiệp này thì lại xuất phát có nền tảng từ tư tưởng, từ cuộc sống.”

Đã qua hơn 100 năm rồi, nhưng thơ văn của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu vẫn được nhân dân tôn vinh cùng thương nhớ như chính con người tài hoa ấy. Truyện thơ “Lục Vân Tiên” và nhiều hình ảnh nghệ thuật đặc sắc của cụ Đồ Chiểu đã được người Bến Tre nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung thuộc nằm lòng, xem nó như một thứ di sản văn học không thể thiếu trong đời sống. Tìm hiểu về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là đang tìm về những giá trị văn chương đích thực, nỗi khát vọng hòa bình, mong cầu sự bình yên của dân chúng của cụ Đồ Chiểu được đúc kết rõ nét trong từng câu thơ: 

“Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng

Bốn bể âu ca hiệp một nhà”.

Viết một bình luận