Những truyền thuyết lạ đầy kỳ bí phía sau các dinh thờ nổi tiếng tại Việt Nam

Những dinh thờ nổi tiếng linh thiêng của Việt Nam như Dinh Cô ở Bà Rịa – Vũng Tàu, dinh Cậu ở Phú Quốc, dinh Thầy Thím ở Bình Thuận… đều gắn với truyền thuyết kỳ bí được lưu truyền trong dân gian. 

Dinh Cô 

Dinh Cô là một khu đền có lối kiến trúc cổ pha lẫn hiện đại; hiện tọa lạc bên bờ biển tại thị trấn Long Hải, thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.  Đây là một di tích in đậm bản sắc dân tộc Việt mà chủ thể trực tiếp là ngư dân ở địa phương. Ngày 16 tháng 1 năm 1995, Dinh Cô đã được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia

Dinh Cô

Nơi đây là một địa điểm tâm linh nổi tiếng linh thiêng của khu vực Đông Nam Bộ được lập vào cuối thế kỷ 18 để thờ một cô gái trẻ tên là Lê Thị Hồng (tục là Thị Cách).

Tương truyền, cô Hồng là người ở Tam Quan (Bình Định). Cô đi qua vùng biển Long Hải thì gặp giông bão và rơi xuống biển, xác trôi dạt vào Hòn Hang (gần khu di tích dinh Cô bây giờ). Lúc ấy, cô chỉ vừa sang tuổi 16.

Dinh Cô

Người dân địa phương thương tiếc cô gái trẻ xấu số nên đã đem xác chôn cất trên đồi Cô Sơn. Từ đó cô luôn hiển linh báo mộng phù trợ cho ngư dân có cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hoà, diệt trừ dịch bệnh…Dân trong vùng tôn xưng cô là “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần” và lập dinh thờ.

Năm 1930, người dân Long Hải đã dời dinh đến đồi Kỳ Vân (địa điểm hiện tại). Năm 1987, dinh Cô được xây dựng và trùng tu lớn sau khi bị hỏa hoạn. Hằng năm, vào ngày 10, 11 và 12/2  m lịch, người dân Long Hải mở lễ hội Nghinh Cô long trọng theo nghi thức cổ truyền, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa… Đây là một trong những lễ hội lớn, thu hút rất nhiều người đến tham quan và chiêm bái.

Lễ hội Nghinh Cô

Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím tọa lạc tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận được xây dựng vào năm 1879. Dinh Thầy Thím có dạng kiến trúc như một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình, như: Tam quan, Võ ca, chính điện, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng, phòng Truyền thống,v.v…. Trên thanh xà cò của Dinh còn dòng chữ Hán khắc chìm “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” có nghĩa là kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879). Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trỗ và các trang trí nội thất của Dinh Thầy Thím thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình.

Dinh Thầy Thím

Theo truyền thuyết: Ngày xưa ở Quảng Nam, có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu bạt vào phương Nam lánh nạn.

Tam Tân, một vùng quê xa xôi và trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được lòng dân hết mực ca ngợi. Họ gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy – Thím.

Ít khi nhắc về thân thế của mình nhưng người trong làng cũng hiểu đôi chút về quá khứ của Thầy. Thầy sinh vào những năm đầu của triều Gia Long, thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời, ước muốn thoả chí tung hoành ngang dọc. Việc lớn chưa thành, danh chưa toại thì Thầy gặp đại tang, cha mẹ Thầy đột ngột cùng lúc qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ là người cùng phủ chịu tang cha mẹ, sống những ngày tháng kham khổ.

Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền bị hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống. Động lòng trước nỗi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh.

Dinh Thầy Thím

Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phép thuật của mình để giúp đỡ dân lành. Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ có một mái đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng như ngôi đình to lớn nhưng thiếu người hương khói ở làng bên. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời báo trước một điềm lạ. Quả nhiên, khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng thay thế ngôi đình lá cũ rách. Dân làng kinh ngạc rồi reo hò vui mừng.

Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì làng bên trống dục liên hồi cấp báo về triều tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp Đình, âm mưu gây bạo loạn. Thế là Vua nghiêm trị Thầy ở mức án cao nhất. Xong, cẩm thông trước khí khái quân tử, nhà vua gia ân cho Thầy được chọn ba trọng tội hình: Xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kì lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ. Thầy múa xong một bài cũng là lúc tấm lụa biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay bổng lên không trung trước nổi kinh hoàng của quan lại và dân làng. Khi bay qua quê mình, Thím còn làm rơi chiếc hài như một lời nhắn thưa từ biệt, rồi lụa rồng bay về phương nam. Từ đó, Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân(nay là xã Tân Tiếnm Lagi, tỉnh Bình Thuận), dưới lớp áo của người xa quê đến lập nghiệp.

Lúc đầu Thầy Thím ở trọ nhà ông hộ Hai. Ngày ngày, vợ chồng Thầy làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có một quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” tức là “gieo đậu thành binh lính”. Một hôm, nhân lúc thầy vào rừng đốn củi mà quên đem theo quả bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, và để tránh sự chú ý của nhiều người, vợ chồng Thầy chuyển vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái. Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng. Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đãn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy một người giúp việc nào của Thầy. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3 km có mach nước nhỏ đổ ra biển, người dân tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân thường gọi là đường lướt ván.

Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ…Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.

Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.

Lễ hội ở Dinh Thầy Thím

Hằng năm, cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.

Về sau khi đôi Bạch – Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người. Ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy – Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Để ghi nhớ công đức của Thầy Thím, nhân dân địa phương chung sức lập dinh ở khu rừng Bàu Cái gần nơi hai người tạ thế, lấy ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy Thím. 

Dinh Cậu

Dinh Cậu nằm ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng của hòn đảo Ngọc phương Nam.

Dinh Cậu, Phú Quốc

Không rõ Dinh Cậu có từ năm nào (có nguồn cho rằng có từ thế kỷ 17) , chỉ biết ngôi dinh hiện nay được xây dựng ngày 14 tháng 7 năm 1937, và được trùng tu ngày 14 tháng 7 năm 1997.

Đúng như những lời đồn đại Dinh Cậu tọa lạc tại một vị trí rất đẹp trên một ghềnh đá có hình thù kỳ quái vương ra biển. Dinh Cậu sừng sững hiên ngang trước sóng to gió lớn. Ghềnh đá thiên tạo như trái núi hình thù rất lạ mắt, ba bề sóng vỗ, xung quanh là bãi đá lô nhô. Đỉnh núi được điểm tô bằng ngôi miếu cổ, mái ngói rêu phong. Trên nóc có đôi dòng cầu nguyện bằng sứ men lam. Dinh Cậu nằm dưới tán sộp cổ thụ, tuổi hơn thế kỷ, bề rộng như cái lồng xanh cả bốn mùa. Dinh Cậu hiện ra đầy huyền ảo, ấn tượng trước mắt du khách. Có lẽ vì điều đặc biệt này không nơi nào có được nên Dinh Câu được xem như là biểu tượng đặc trưng của đảo Phú Quốc.

Dinh Cậu, Phú Quốc

Trên đường lên Dinh chúng ta bắt gặp miếu thổ thần nhỏ và một hàng rào bằng bê tông rất vững chãi bao quanh Dinh. Sân được lán bằng xi măng có đặt bàn thờ Ông Thiên. Bên hành lang di tích là hàng cột được đúc bằng xi măng với những câu liễn đắp nổi bằng chữ Hán như:

“Vạn Cổ Anh Linh Thông Tứ Hải.

Chấn phong bình lượng bảo lương dân.”

Vào khoảng thế kỷ thứ 17, những cư dân đầu tiên từ miền Trung đã đến định cư tại khu vực mà ngày nay là phường Dương Đông. Vào mùa biển động, nhiều người ra khơi gặp sóng dữ và không thể không về. Bỗng có một ngày dân trên đảo thấy một mỏm đá lớn, hình thù cổ quái dần dần nổi lên nơi cửa biển.

Dinh Cậu, Phú Quốc

Cho rằng đây là đá thiêng, người dân đã góp tiền của, công sức lập miếu thờ cầu mong thần linh che chở trước tai ương từ biển cả. Vị thần được ở dinh là bà Chúa Ngọc Nương Nương và hai cậu con trai của bà là Cậu Quý và Cậu Tài.

Từ ngày lập miếu thờ ngư dân ra khơi đều gặp thuận lợi sóng yên biển lặng. Tin lành đồn xa, người dân tứ xứ dần dần đổ về đây thờ cúng và sinh sống, hình thành nên cộng đồng dân cư trù phú nhất của đảo Phú Quốc…

Viết một bình luận