Vén bức màn tội ác của thứ phi Triều Môn – Ủ mưu yểm bùa chấn động chốn hậu cung triều Trần

Những câu chuyện xoay quanh đề tài “thâm cung bí sử” lúc nào cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của hậu thế. Ở đó chứa đựng rất nhiều bí ẩn, từ câu chuyện cuộc sống giữa những vị vua và phi tần, đến những trận đấu đá hậu cung để tranh giành ân sủng, quyền lực hay ngai vị cho con nối dõi. Và đây cũng là nơi diễn ra rất nhiều những vụ việc chấn động nhuốm sắc màu tâm linh huyền bí mà ít người biết đến. Những vị phi tần vì để giành lấy thứ mình muốn mà không ngần ngại ra tay, tìm cách hãm hại nhau, những cách thức tàn độc nhất cũng được suy nghĩ đến và đem ra sử dụng, khiến chốn hậu cung nhiều phen dậy sóng. 

Vào thế kỉ XIV, hậu cung nhà Trần đã bị một phen “kinh hồn bạt vía” khi âm mưu bùa chú trù yểm của một bà phi tần bị vạch trần trước ánh sáng. Nguyên do thì không thể nào thoát khỏi hai chữ “ghen tị” hay “ganh ghét”, lòng ham mê hư vinh cùng quyền lực đã khiến con người ta trở nên tàn ác không thể ngờ. 

Ảnh minh họa

Lòng ghen tị ngút trời vì con không được nối ngôi vương

Cho đến tận bây giờ vẫn không có người nào rõ được tên họ của người phụ nữ này, người ta chỉ biết gọi theo phong vị của bà mà thôi. 

Theo sách Việt sử tiêu án, người phụ nữ này phi tần của hoàng đế Trần Minh Tông (1314 – 1329), khi được tuyển vào làm cung, bà được phong làm Thứ phi với tên hiệu là Triều Môn. Bởi vậy, sử cũ vẫn gọi bà là Thứ phi Triều Môn. 

Và phải nói lên một sự thật rằng, vẫn chưa người nào biết bà Triều Môn nhập cung vào thời điểm nào, chỉ biết là khoảng cuối năm 1319 thì bà đã hạ sinh một vị Hoàng tử tên là Trần Nguyên Trác. Nếu xét theo thứ bậc của các vị Hoàng tử thì Nguyên Trác là con thứ hai của vua Trần Minh Tông (xếp sau Thái tử Trần Vượng). Và khi lớn lên thì Trần Nguyên Trác được cha phong tước Cung Tĩnh Vương. 

Dù tuổi tác không quá lớn và sức khỏe vẫn còn tốt nhưng Trần Minh Tông vẫn quyết định nhường ngôi lại cho Thái tử Trần Vượng vào năm 1329 (tức là Hoàng đế Trần Hiến Tông, tại vị từ 1329 – 1341), còn bản thân thì lui về làm Thượng Hoàng. Theo thông lệ thì Thượng Hoàng sẽ sống trong cung Thánh Từ, còn Hoàng đế sẽ sống ở cung Quan Triều, vậy nên những năm này mẹ con của Thứ phi Triều Môn cũng khăn gói theo Thượng Hoàng Trần Minh Tông chuyển vào Thánh Từ cung. Cung Thánh Từ thuộc Cấm thành Thăng Long, nằm về phía Bắc so với Quan Triều cung nên còn được gọi tắt là Bắc Cung. 

Đến năm 1341, Hoàng đế Trần Hiến Tông băng hà nhưng không có con nối dõi sau 12 năm tại vị. Mà Thượng Hoàng Trần Minh Tông lúc này vẫn còn sống nên đã lập Thập Hoàng tử là Trần Hạo lên ngôi (tức là Hoàng đế Trần Dụ Tông, tại vị từ năm 1341 – 1369). Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là tại sao Thượng Hoàng lại không truyền ngôi cho Nhị Hoàng tử, Tam Hoàng tử hay Tứ Hoàng tử,…mà lại truyền cho Thập Hoàng tử trong khi lúc này chỉ  mới tròn 5 tuổi? 

Theo tờ Kiến thức thuật lại, Trần Minh Tông lập Hoàng hậu rất muộn (độ khoảng năm 1323, nghĩa là sau 9 năm kể từ ngày ông lên ngôi) và cố ý chờ Hoàng hậu sinh Đích tử mới lập Thái tử, dù trước đó ông đã có Trần Vượng là con lớn. Trớ trêu thay, Hoàng hậu lại là người chậm đường con cái nên không còn cách nào Trần Minh Tông mới đành lập Trần Vượng làm Thái tử và truyền ngôi. 

Sau khi Trần Vượng lên ngôi vua thì Hoàng hậu mới lần lượt hạ sinh 1 cô Công chúa và 2 vị Hoàng tử. Theo thông lệ của nhà Trần thì ngôi vua phải được truyền lại cho đích tử, tức là con của Hoàng hậu, vậy nên khi Trần Hiến Tông chết Thượng hoàng Minh Tông đã lập Trần Hạo làm người thừa kế ngai vàng. Nếu xét về tuổi tác, Trần Hạo có thể nhỏ hơn các Hoàng tử kia nhưng xem xét về địa vị thì cao hơn họ nên hoàn toàn đủ tư cách kế vị. 

Theo thông lệ là thế, nhưng với Thứ phi Triều Môn thì đây chính là một đả kích cực kỳ lớn. Bởi bà đinh ninh rằng, một khi Trần Hiến Tông qua đời mà lại không có con nối dõi thì hiển nhiên người em kế cận nhất (tức Trần Nguyên Trác – con trai bà) sẽ là người tiếp theo kế vị. Nhưng chiếu chỉ của Thượng hoàng đã hoàn toàn bỏ qua sự tồn tại của con bà, mà lập Trần Hạo còn rất non nớt lên làm Hoàng đế. Hậm hực và bất bình cho con, cho bản thân mình nên vị Thứ phi này đã dồn mọi căm tức lên người ba đứa của Hoàng hậu. Trong cơn ghen tức lồng lộn ấy, bà Triều Môn đã dùng bùa chú yểm để nguyền rủa cho hả dạ. 

Ảnh minh họa

Âm mưu yểm bùa thâm độc – Trù yểm bất thành, suýt hại chết chính con mình

Âm mưu nhanh chóng được tiến hành khi Triều Môn bí mật liên hệ với một tên đạo sĩ và được hắn bày vẽ và cho bùa chú. Triều Môn đã mua từ hắn một con cá bống, rồi nhét lá bùa có ghi tên ba người con của Hoàng hậu vào trong miệng cá, sau đó âm thầm thả cá bống xuống miệng giếng Nghiêm Quang. 

Hành vi âm hiểm đã được thực hiện một cách trót lọt nên Triều Môn đang mừng thầm trong bụng và tin tưởng lời nguyền ấy sẽ nhanh chóng ứng nghiệm lên người anh em Trần Hạo. Hoàng đế qua đời thì con trai của bà sẽ là người kế thừa ngôi cửu ngũ chí tôn. Chỉ tiếc là, người tính làm sao bằng trời tính, người ác thì làm sao có thể gặp điều may, âm mưu đen tối của Triều Môn nhanh chóng bị bại lộ. 

Việc trù ếm của Thứ phi Triều Môn bị phát giác bởi một tên lính canh, khi hắn vô tình bắt được con cá bống dưới giếng.  Người ấy đã vội vội vàng vàng mà tâu báo với Thượng hoàng Trần Minh Tông và khiến cho ông vô cùng kinh hãi cùng phẫn nộ. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có kể lại rằng: 

“Trước kia Minh Tông ngự ở Bắc Cung, có người canh cửa bắt được một con cá bống ở trong giếng Nghiêm Quang, trong mồm cá có ngậm vật gì, khều ra xem thì trong ấy có chữ, tức là bùa ếm nguyền có những chữ Dụ Tông, Cung Túc, Thiên Ninh (đều là con của Hiến Từ (tức là Hoàng Hậu của Trần Minh Tông)). Người canh cửa cầm cái bùa ấy tâu lên. Minh Tông hãi quá, truyền bắt hết các cung nhân, các mụ, các tì trong cung để xét hỏi”. 

Giữa lúc mệnh lệnh của Thượng hoàng Trần Minh Tông sắp được thi hành thì Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu đã ngăn cản lại. Bà vốn là một người nhân đức và hiền lành nên không muốn vì chuyện này mà có người bị kết tội oan, vì thế bà đã xin phép Trần Minh Tông được tự mình điều tra. Chẳng bao lâu, từ việc phát hiện sự tồn tại của con cá bống, suy xét nơi có thể mua được ở trong cung, Hoàng hậu đã chắc chắn được thủ phạm chính là Thứ phi Triều Môn. Biết được chuyện này, Trần Minh Tông dự định sẽ xét xử tới cùng nhưng một lần nữa Hoàng hậu Hiến Từ đã ngăn cản. Bởi đây là chuyện trong cung cấm, không nên để người ngoài biết. Vả lại, nếu chuyện này tiết lộ ra thì e rằng sau này Trần Dụ Tông sẽ sinh mối hiềm khích cùng Cung Tĩnh Vương. Vậy nên, Hoàng hậu đề nghị Thương hoàng giữ kín mọi chuyện và không tra xét nữa. Cũng vì lo sợ hoàng tộc bất hòa nên Thượng hoàng cũng nghe thấy lời khuyên của Hoàng hậu mà bỏ qua mọi chuyện. 

Ảnh minh họa

Việc con cá bống bị phát hiện đã khiến cho toàn bộ âm mưu của Triều Môn tan thành bọt nước. Bởi chủ trường ban đầu của Hoàng hậu nên Triều Môn không bị xử phạt. Nhưng chuyện cũng không vì thế mà lắng xuống khi nó đã lan đến tai của vị tướng quân tên Trần Tông Hoắc. 

Năm 1357, Thượng hoàng Trần Minh Tông qua đời, lúc này Trần Dụ Tông đã được 21 tuổi nên đủ trưởng thành để cai trị đất nước. Trần Tông Hoắc là người cơ hội, nên liền đem chuyện con cá bống kể lại với Hoàng đế, còn bịa đặt thêm thắt chuyện khiến Trần Dụ Tông ngờ vực Thái Úy Trần Nguyên Trác. Hoàng đế nghĩ rằng chính Trần Nguyên Trác đã nguyền rủa mình nên hạ lệnh bắt ông vào nhà giam. Lúc bấy giờ không rõ bà Triều Môn còn sống hay đã chết nhưng lời nguyền rủa của bà thì đã “ứng nghiệm ngược” và trút hoàn toàn lên đầu con trai bà. 

Giữa lúc ấy, Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu đã trở thành Thái hậu đứng ra khuyên giải mới khiến Trần Dụ Tông tha bổng cho Trần Nguyên Trác, phục hồi tước vị và sau đó còn phong làm Hữu Tướng Quốc (ngang với Tể Tướng, cùng với Tả Tướng Quốc nắm giữa việc dân quân chính sự trong nước).

Viết một bình luận