“Tiếng còi trong sương đêm” (Lê Trực) – Nhạc khúc bi hùng với lời ca trác tuyệt về tâm trạng của dân ta thời chinh chiến

Hoàng Việt là một trong những nhạc sĩ Việt Nam, tên tuổi của ông đã đi sâu vào nền tân nhạc với tuyệt phẩm “Tình ca”. Với niềm đam mê âm nhạc từ bé và năng khiếu bẩm sinh nên ông đã tập tành sáng tác âm nhạc ngay từ khi ít tuổi, giai đoạn từ 1944 – 1945, ông mang theo sáng tác “Chị Cả” và “Biệt đô thành” ra mắt với công chúng. Trong những ngày Nam Bộ kháng chiến, ông mang theo một số bài hát trong đó có Tiếng còi trong sương đêm với bút danh Lê Trực từ Sài Gòn ra chiến khu, tuy nhiên lại bị nghi là thành phần “phản động” nên bị bắt giam và đưa đi lao động cải tạo 3 tháng. Sau đó nhờ có người bảo lãnh nên ông được tha và về làm việc tại tổ quân nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Việt

Trong giai đoạn Nam Bộ kháng chiến, nếu những hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước như “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên” đại diện cho lời kêu gọi, lời thúc giục thanh niên đứng dậy đấu tranh cứu nước thì nhạc phẩm “Tiếng còi trong sương đêm” chính là tiếng lòng, lời tâm sự với quyết tâm ra đi của hàng hàng lớp lớp thanh niên đô thành, họ như được thức tỉnh bởi những tiếng trống kèn, những lời kêu gọi chân thành và tha thiết. Mãi cho đến sau này, không biết đã qua bao lâu thì ca khúc ấy vẫn khơi gợi được lòng yêu nước trong địa bộ phận dân ta, trở thành một trong những ca khúc tiền chiến bất hủ được trình diễn nhiều bởi những ca sĩ của nhiều thế hệ ở cả trong nước lẫn hải ngoại. Ca khúc “Tiếng còi trong sương đêm” viết về tâm trạng của những người phụ nữ, những bà mẹ ôm con đêm đêm ngóng trông bóng dáng người chồng đang gia nhập theo đoàn hùng binh trên đường hành quân ra mấy dặm sơn khê.

“Bến nước gió rét đò thưa khách sang
Lau xanh ven sông mờ run bóng trăng
Đêm nay không gian chìm trong giá băng
Con đò sang ngang…”

https://www.youtube.com/watch?v=mwzykYJAu_I

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Thuý trình bày.

Bến sông nhỏ buồn tênh được phủ thêm tà áo đêm ngập chìm trong bóng tối, cả một mảng lau sậy xanh mướt mọc quanh ven sông được thổi từng đợt gió nhẹ mà lung lay trong lớp sương đêm mờ ảo như làn khói hư vô. Chúng cứ run run thân mình dưới ánh trăng vàng rực, đưa không gian vốn yên bình càng trở nên tĩnh lặng và rơi vào cõi mê hồn êm ắng. Những giai điệu của lá cây, những tiếng nước trôi êm như hòa tấu nên một bản giao hưởng buồn sầu và có chút giá lạnh. “Bến nước gió rét đò thưa khách sang”, không gian vắng lặng chẳng lấy một người khách sang sông, con đò cũ vẫn im lặng mà nằm đó đợi chờ một bóng hình nhưng chẳng có người nào quay lại. Và từng đêm trôi, vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại, không gian nơi bến đò cứ một lạnh hơn, một cô đơn hơn vì người trông nom chẳng còn hi vọng nữa.

Chuyến đò đưa khách sang sông ấy, chính là chuyến đò đưa những người sang bến đò của vùng trận mạc, đưa những anh hùng lên đường chinh chiến ở mấy dặm sơn khê. Con đò cũ đã lướt qua lớp sương đêm dày đặc để đưa người an toàn đến bến, và đò cũ vẫn chờ đợi nơi bến đó nhưng lại chẳng có người nào trở lại để đi ngược về bến xưa. Người ra đi, để lại sau lưng một hàng dài âm thanh buồn vang vọng mà chẳng thể quay đầu khi đất nước vẫn còn lâm nguy. Trước họ chính là tiếng còi ra trận đang ngân dài kêu gọi người bước nhanh chân:

“…..Kể lúc vắng bóng người chinh chiến xưa
Đã cắm giữa gió mùa thu thổi đưa
Đêm nay đông sang mà tin vẫn chưa …
đưa đò …về … xưa
Mà đoàn hùng binh âm thầm xông lướt trong sương
Hồi còi còn vang như hòa lẫn theo người lái đò ru:
Tiếng còi trong sương đêm
Tiếng còi trong sương đêm
theo gió đưa ôi buồn, nghe vi vu oán than
Thôi toán quân đi rồi, thôi toán quân đi rồi …
Hơ hờ hơ …hơ hơ hơ đi rồi …”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Bóng người chiến sĩ đã khuất dần sau rặng lau cao ngất, người lính chiến đã bước nhanh theo đội hình hành quân, hòa mình vào những đợt gió mùa thổi đưa từng cơn lạnh giá. “Tiếng còi trong sương đêm” vẫn còn vang vọng giữa đất trời mênh mông và rộng lớn, tiếng còi ra trận hòa lẫn với giọng của người lái đò đưa khách sang sông, tạo lên một khúc nhạc buồn mang theo âm điệu “vi vu oán than”. Liệu có ai nghe chăng tiếng lòng người chinh phụ, thanh âm của từng tiếng rạn nứt sâu tận tâm can của người cô phụ đang ngã quỵ bên bờ sông, lặng người nhìn chồng bước những bước hiên ngang xông trận. “Thôi toán quân đi rồi”, người lính đó rời xa bến cũ thật rồi, chỉ còn lại người mẹ hiền ngày ngày đêm đêm ôm con trông chồng dưới lớp sương đêm, lặng người nghe từng đợt còi vang lên như đánh mạnh vào lòng, dâng lên từng đợt lo sợ. Thu đến rồi đông lại sang, vòng tuần hoàn thời gian cứ thế mà xoay vòng nhưng đợi chờ hoài vẫn là không tin tức “đêm nay đông sang mà tin vẫn chưa đưa đò về xưa…”. Không biết bản thân còn phải đợi chờ đến bao giờ, không biết người chồng, người thương xưa có quay lại được hay không….nên chỉ đành cất lên từng tiếng nấc u hoài và oán than.

“……Con ơi lòng mẹ ủ ê thương cho chồng mấy dặm sơn khê
Khi ra đi có hứa thu nay về
Mà hôm nay lá thu đã rơi tràn,
Rồi mùa đông sang qua luôn mòn mỏi trong đau buồn….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày

“Con ơi lòng mẹ ủ ê thương cho chồng mấy dặm sơn khê” con của mẹ vẫn còn nhỏ nhưng lại chẳng được gần cha, chẳng biết được tình cha có bao nhiêu ấm áp vì ngày con chưa biết ê a nói cha đã phải lên đường hành quân xa tít biên cương. Ngày chàng ra đi có hứa mùa thu năm nay sẽ về, sẽ sum họp để gia đình ta được ấm êm và hạnh phúc. Nhưng thu đến rồi đi, cây thay màu áo mới rồi lại đếm từng đợt lá rụng vẫn chẳng thấy người thương trở lại. Chàng có thấu chăng nỗi u hoài chồng chất nơi đáy tim, không dám cất lên tiếng khóc sợ con nhỏ giật mình, nên chỉ biết lặng người mà ôm hoài đau thương. Để mặc cho thời gian trôi tuần hoàn, đếm cả nỗi buồn thương trong những đêm đông giá lạnh chỉ cầu nhận được tin bình an của người nơi phương xa biền biệt.

“…..Hò hơ hớ … Hò hơ hớ …
Tiếng còi trong sương đêm
Tiếng còi trong sương đêm theo gió đưa ôi buồn
Nghe vi vu oán than
Thôi khóc chi đau lòng, con cứ an giấc nồng
Hơ hờ hơ …hơ hơ hơ bên lòng …
Hơ hờ hơ …hơ hơ hơ ….”

https://www.youtube.com/watch?v=PPVhLhijAso

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tuấn Vũ trình bày.

Tiếng còi vẫn vang vọng hàng đêm thâu, còi ở nơi xa nhưng sau thấy gần sát bên tai cận bên lòng, phải chăng gió biết nàng thương nhớ nên mang theo chút âm thanh từ chiến trường về để ủi an người chinh phụ. “Thôi khóc chi đau lòng”, nàng đang dỗ dành con nhỏ khi phải xa cha hay thật ra là đang cố làm an lòng mình? Người nghe cứ ngỡ là tiếng mẹ hiền ru con, nhưng sao lại cứ chút xót lòng như tiếng vỗ về bản thân trong sự ngóng trông tuyệt vọng của người cô phụ.

“Tiếng còi trong sương đêm”, bài hát chất chứa quá nhiều sự bi thương, nỗi đớn đau mà người phải chịu trong chiến tranh. Tuy không phải là bài hát đầu tay của ông, bởi trước đó cũng có khá nhiều nhạc khúc khác nổi tiếng và bất hủ, nhưng đây lại là một trong những ca khúc mang trong mình một dấu ấn riêng, là tiếng lòng, là lời tâm sự và cũng là tâm trạng của hầu hết con người dân Việt Nam thời kháng chiến. Nhiều người cho rằng, ca từ của bài hát này có phần ủ ê và não nề, do những câu hát có phần thê lương và bi thương khôn nguôi. Nhưng theo ông Minh Trị – Một nghệ sĩ ưu tú và cũng là nguyên thành viên của Tổ Quân nhạc Khu 8 (nơi Hoàng Việt – Lê Trực từng công tác) lại nhắn nhủ rằng:

“Ngày 23/9 khi quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, cả Nam bộ kháng chiến, lúc đó Hoàng Việt đã là đội viên trong lực lượng Quốc gia tự vệ (ngày nay là Công an) thuộc tỉnh Bà Rịa. Pháp lần lượt đánh chiếm hết đô thị lớn, du kích phải lùi sâu vào quân miền, đơn vị võ trang của Hoàng Việt cũng phân tán và Hoàng Việt bị mất liên lạc. Ông trở về thành phố Sài Gòn để tránh tai mắt ở địa phương Bà Rịa quê cha, đồng thời tìm kế mưu sinh trong khi chờ bắt liên lạc với kháng chiến. Cho nên, trong những ngày đầu kháng chiến, hình tượng ‘Tiếng còi trong sương đêm’ là hình bóng của Việt Minh, của một đoàn hùng binh âm thầm xông lướt trong đêm”

Vậy nên, bài hát được nhạc sĩ Lê Trực viết nên bằng chính thực tiễn của cuộc chiến, bằng cảm xúc và cảm nhận của bản thân, nói hộ nỗi lòng của mọi người, của dân ta thuở đó.

Lời bài hát Tiếng Còi Trong Sương Đêm – Lê Trực

Bến nước gió rét đò thưa khách sang
Lau xanh ven sông mờ run bóng trăng
Đêm nay không gian chìm trong giá băng
Con đò sang ngang…

Kể lúc vắng bóng người chinh chiến xưa
Đã cắm giữa gió mùa thu thổi đưa
Đêm nay đông sang mà tin vẫn chưa …
đưa đò …về … xưa
Mà đoàn hùng binh âm thầm xông lướt trong sương
Hồi còi còn vang như hòa lẫn theo người lái đò ru:

Tiếng còi trong sương đêm
Tiếng còi trong sương đêm theo gió đưa ôi buồn, nghe vi vu oán than
Thôi toán quân đi rồi, thôi toán quân đi rồi …
Hơ hờ hơ …hơ hơ hơ đi rồi …

Con ơi lòng mẹ ủ ê thương cho chồng mấy dặm sơn khê
Khi ra đi có hứa thu nay về
Mà hôm nay lá thu đã rơi tràn,
Rồi mùa đông sang qua luôn mòn mỏi trong đau buồn

Hò hơ hớ … Hò hơ hớ …
Tiếng còi trong sương đêm
Tiếng còi trong sương đêm theo gió đưa ôi buồn
Nghe vi vu oán than
Thôi khóc chi đau lòng, con cứ an giấc nồng
Hơ hờ hơ …hơ hơ hơ bên lòng …
Hơ hờ hơ …hơ hơ hơ …

Viết một bình luận