“Khúc nhạc chiều mơ” (Ngọc Bích) – Những xúc cảm khó nói nên lời của khoảnh khắc chiều hôm nơi xa xa chân trời

Nhạc sĩ Ngọc Bích tên thật là Nguyễn Ngọc Bích, là một nhạc sĩ tiền chiến Việt Nam nổi tiếng, ông được biết đến nhiều với tuyệt phẩm “Mộng chiều xuân”. Ngay từ khi còn nhỏ, Ngọc Bích đã bộc lộ năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc và bắt đầu học ký âm pháp với thầy Nguyễn Văn Thông. Ngọc Bích bắt đầu sáng tác từ năm 1947, dòng nhạc ban đầu mà ông theo đuổi chính là những bản tình ca được viết theo nhịp swing và blues đầu sự mới lạ. Những năm đầu của thập niên 1950, có một vài sáng tác của Ngọc Bích được khán giả rất yêu thích khi được phát trên Đài Phát thanh Hà Nội như các bài “Hương tình”, “Trở về bến mơ”… được thể hiện qua giọng ca Tâm Vấn. Ngoài ra, các bài hát của ông còn nổi tiếng qua  giọng ca của ca sĩ Anh Ngọc. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp là khoảng thời gian nhạc sĩ Ngọc Bích sáng tác mạnh mẽ nhất với những tuyệt khúc như “Khúc nhạc chiều mơ”, “Thiếu nữ trên mây ngàn (Bông hoa rừng)”, “Lời hẹn xưa”, “Bến đàn xuân”, “Đôi chim giang hồ”, “Dưới trăng thề”. Đặc biệt, nhạc sĩ Ngọc Bích còn là người sử dụng đầu tiên nhịp điệu swing hay blues trong các bài hát phục vụ kháng chiến như “Say chiến công”, “Bà già giết giặc”. Những đến năm 1949, Ngọc Bích đã quyết định rời bỏ kháng chiến và trở về Hà Nội.

Nhạc sĩ Ngọc Bích

“Khúc nhạc chiều mơ” của nhạc sĩ Ngọc Bích chính là nỗi lòng, nỗi niềm tâm sự chất chứa trong lòng của người chiến sĩ. Sẽ có đôi lúc thảnh thơi giữa cuộc chiến khốc liệt, người tha hương tìm về những khoảnh khắc tự nhiên trong cuộc sống, muốn hòa mình với thiên nhiên, muốn được nuôi dưỡng lại tâm hồn, an ủi trái tim xa xứ.

“Chiều nay nhớ về phía xa mờ!
Ngoài khơi sóng rạt rào ước mơ!
Phút vui đêm xưa lời nguyền hòa với tiếng tơ
Chờ ngày mai gió reo lời thơ!….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Khánh Ly trình bày.

Cuộc sống của con người luôn được xoay quanh bởi thời gian, hết sáng rồi lại chiều tối, hết ban ngày rồi đến ban đêm, hết mùa xuân rồi tới mùa hạ, chúng lặp lại theo đúng quy luật của vòng tuần hoàn. Ban ngày con người ta bộn bề với những nghĩ suy về cuộc sống: Có người thì tất bật với mưu sinh, chồng chất những nỗi lo về bữa cơm hôm nay và cho cả ngày mai; người chiến sĩ thì luôn luôn căng thẳng để phòng thủ chống giặc. Nên có đôi lúc, người ta quên mất đi chính mình, luôn thực hành mọi thứ thật công nghiệp. Chỉ có chiều – thời khắc giao thoa giữa ngày và đêm, những tia nắng gay gắt ban ngày tắt dần nhường chỗ cho sương đêm, ánh mặt trời cũng tạm biệt và ánh trăng đang dần ngoi lên thay thế. Chỉ có lúc này, con người ta mới có thời gian mà chiêm nghiệm lại cuộc sống của mình một cách đúng nghĩa, chỉ có lúc này mới thực sự ngắm nhìn về phía xa xa nơi biển khơi đầy sóng biển để kiếm tìm lại mộng ước ban đầu. Và cũng có thời khắc đó, con người ta mới được giây phút hoài niệm về những ngày xưa cũ, hoài niệm về những “phút vui đêm xưa” có những nguyện thề, có những ước muốn đang hòa trong mớ tơ lòng bối rối. Sẽ chẳng biết lúc nào thì mới cất lên được những câu thơ, chẳng biết đến khi nào thì mộng sẽ được thành hiện thành….

Chiều hoàng hôn báo hiệu cho một ngày dài sắp kết thúc, gợi cho người ta những nỗi miên man không dễ nói thành lời, khiến người ta chìm vào những nỗi buồn, nỗi vấn vương về một điều gì đó, có thể là chưa kịp làm hay chưa kịp nói ra cùng một ai đó.

“….Về đâu hỡi bầy lũ chim rừng?
Ngừng đây nhắn dùm lời nhớ thương!
Những đêm nao ôm đàn lòng thổn thức vấn vương….”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Anh Ngọc trình bày.

Những nỗi niềm vấn vương, những ưu tư không biết giải bày cùng ai nên chỉ đành gửi gắm vào đôi cánh chim rừng, “về đâu hỡi bầy lũ chim rừng?”, đâu rồi nơi gửi gắm tâm sự của những kẻ cô đơn. Xin ngừng lại đây chốc lát, để mang đi dùm những nhắn gửi yêu thương, những tình cảm mặn nồng, những nhớ nhung da diết của một con người nơi viễn xứ. Xin ngừng lại vài chút để mang đi tiếng đàn mà người vẫn thao thức từng đêm mà gãy nên, hy vọng người nơi xa xa đó có thể nghe thấy được, có thể thấu hiểu được nỗi lòng của kẻ tha hương. Sẽ phải cô đơn thế nào để ôm đàn vào “những đêm nao”, không phải là một hai ngày mà rất nhiều ngày đều ôm đàn mà ngân nga lên những câu hát nao lòng đầy thổn thức! Nơi phương xa không có lấy một người tri kỷ, chẳng người hiểu được nỗi tịch liêu, đông đúc nhưng cứ ngỡ là một mình….

“……Nhạc hồn mơ khúc ca hồi hương
Theo mây bay tâm hồn trôi đắm đuối trên làn môi
Thoảng gió đưa tiếng cười!
Có tiếng hát ai ngóng chờ, nhìn người em thẫn thờ!
Vừa tàn một giấc mơ!…..”

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Mai Hương trình bày.

Thời chinh chiến, đất nước loạn lạc làm sao tránh khỏi kiếp lưu vong, người đi kẻ ở phương trời cách biệt, muốn về nhưng chẳng thể về nên chỉ có thể ôm hoài những nhớ thương về một vùng quê thân thuộc. “Nhạc hồn mơ khúc ca hồi hương”, trong thâm tâm luôn mong cầu được trở về, chỉ một khúc ca quen thuộc cũng khiến người viễn xứ như được trở về với miền quê thân thương. Ai thấu hiểu được nỗi lòng này! Khi nhìn ngắm những áng mây trôi trôi theo chiều gió, họ đã ước được thả hồn mình bay bay, đắm đuối trên bầu trời và chỉ cần mở mắt đã nơi quê nhà. Hình như trong tiếng gió thoảng, họ nghe thấy tiếng cười đùa hồn nhiên của những đứa trẻ, họ nghe thấy tiếng hát câu hò của những thiếu nữ thôn xưa và thấp thoáng dường như có cả dáng hình của một người em bé nhỏ đang thẫn thờ mà ngóng chờ một bóng dáng quen. Mọi thứ diễn ra thật chân thật, chân thật đến độ bản thân cứ ngỡ nó là hạnh phúc nhưng chợt nhận ra chỉ là giấc mơ, một giấc mơ đã tàn và con người ta bị buộc tỉnh giấc….

“……Còn đâu những đêm dưới trăng mờ
Còn đâu những lời nguyện ước xưa
Nét môi ngây thơ dịu dàng làn tóc gió đưa
Lòng ta xao xuyến trong chiều mơ!”

Tất cả đã tàn như một giấc mộng ảo, chẳng còn những đêm lặng ngồi dưới ánh trăng mờ, không có những câu thề nguyện ước cùng người kết tóc se duyên cho trọn nghĩa trăm năm, cũng chẳng có nét cười dịu dàng cùng làn tóc nhẹ nhàng bay bay trong gió thoảng. Những thứ đó đã từng khiến lòng ta xuyến xao khôn nguôi nhưng giờ thì chỉ là hoài niệm, những hoài niệm đẹp trong một trong mơ lộng gió.

“Khúc nhạc chiều mơ” nhẹ nhàng và thanh thoát, làm cho lòng người như yên bình hơn trong cảnh trời chiều đầy thơ mộng, nhưng cũng gợi lên cho người ta những nỗi miên man và vấn vương không ngớt.

Lời bài hát Khúc Nhạc Chiều Mơ – Ngọc Bích

Chiều nay nhớ về phía xa mờ!
Ngoài khơi sóng rạt rào ước mơ!
Phút vui đêm xưa lời nguyền hòa với tiếng tơ
Chờ ngày mai gió reo lời thơ!

Về đâu hỡi bầy lũ chim rừng?
Ngừng đây nhắn dùm lời nhớ thương!
Những đêm nao ôm đàn lòng thổn thức vấn vương

Nhạc hồn mơ khúc ca hồi hương
Theo mây bay tâm hồn trôi đắm đuối trên làn môi
Thoảng gió đưa tiếng cười!
Có tiếng hát ai ngóng chờ, nhìn người em thẫn thờ!
Vừa tàn một giấc mơ!

Còn đâu những đêm dưới trăng mờ
Còn đâu những lời nguyện ước xưa
Nét môi ngây thơ dịu dàng làn tóc gió đưa
Lòng ta xao xuyến trong chiều mơ!

Viết một bình luận