“Xứng lứa vừa đôi” – Một nhạc khúc mang không khí hân hoan của ngày vui không thể thiếu trong mỗi dịp cưới

Nhạc sĩ Hoài Nam (sinh 1942) tên thật là Trần Hoài Nam, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng. Ông là một nhạc sĩ nhạc vàng trước năm 1975 với các ca khúc nổi tiếng như Ba tháng quân trường, Chín tháng quân trường, Tình bạn Quang Trung. Là một nhạc sĩ tạo được danh tiếng trong làng nhạc vàng phổ thông đại chúng trước năm 1975, nhưng số phận hẩm hiu của Hoài Nam từ sau 1975 đã làm cho tên tuổi của ông không được nhiều người biết tới. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sinh hoạt văn nghệ với một số nhạc sĩ còn lại ở trong nước. Cho đến năm 1995, sau khi nhạc sĩ Trúc Phương qua đời thì nhạc sĩ Hoài Nam cũng mất liên lạc với các đồng nghiệp, từ đó thông tin về nhạc sĩ Hoài Nam cũng không còn ai biết nhiều. Đặc biệt là sau này ở hải ngoại có một ca sĩ lấy nghệ danh là Hoài Nam, hát 1 số bài nhạc của nhạc sĩ Hoài Nam trước năm 1975 nên làm cho công chúng nhầm lẫn.

Tuy hiện nay còn rất ít thông tin về nhạc sĩ Hoài Nam nhưng những sáng tác mà ông mang lại cho nền âm nhạc nước nhà là như những viên ngọc sáng không thể nào quên. Trong các bài hát nổi tiếng do nhạc sĩ Hoài Nam sáng tác, không thể không kể đến nhạc khúc “Xứng lứa vừa đôi”. “Xứng lứa vừa đôi” là một ca khúc mang không khí vui tươi của trong ngày lễ thành hôn của đôi cô dâu chú rể, một cặp tình nhân “xứng lứa vừa đôi” nay về chung một nhà trong lời chúc phúc của họ hàng hai bên.

Mình nhìn nhau sao không dám nói
Lòng biết lòng nhưng còn ngại núi e sông
Nhớ cho rằng ngày đợi đêm mong
Đường tơ ta dệt mộng,
ước muốn nên đôi vợ chồng

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tấn Hoàng và Kiều Oanh trình bày.

Nhớ ngày nào “mình nhìn nhau sao không dám nói”, ngày đó e dè và ngại ngùng ta chẳng cất thành lời nhưng “lòng biết lòng” chỉ là “còn ngại núi e sông”. Những ngày vừa mới yêu nhau là tháng ngày sống trong tương tư “ngày đợi đêm mong”. Ngày đợi chờ cho ta được gặp nhau, đêm thao thức nhớ thương về nhau và ước cho giấc mơ được có nhau. “Đường tơ ta dệt mộng/ ước muốn nên đôi vợ chồng”, dây tơ hồng như nối liền anh và em, để cho chúng ta gặp nhau lại yêu nhau và hạnh phúc càng ngập tràn khi chúng mình chung đôi thành vợ chồng.

Nhìn xem kìa hoa bướm đẹp đôi
Trắng, đỏ, vàng, xanh gấm hoa tuyệt vời
Họ đàn trai dẫn đường đi trước
Họ đàn gái nối bước theo sau
Xinh nhất là chú rể cô dâu

“Nhìn xem kìa” đám cưới xinh, với bướm hoa đẹp cặp, muôn màu trắng, xanh, đỏ, vàng của gấm hoa. Bức tranh đám cưới vui tươi nhiều màu sắc làm nổi bậc “họ đàn trai dẫn đường đi trước/ Họ đàn gái nối bước theo sau”. Từng hàng người với không khí vui mừng hớn hở trong ngày cưới. Họ đàn trai, họ đàn gái ai ai cũng mặc đẹp, nhìn từ xa muôn màu hoa gấm, nhưng đẹp nhất và xinh nhất “là chú rể cô dâu”.

Ôi đẹp làm sao, xinh làm sao
Nhìn cô dâu khuôn mặt trái xoan,
má lúm đồng tiền với nụ cười duyên
Thật giống nàng tiên

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Tài Linh trình bày.

Ôi, cô dâu đẹp làm sao “xinh làm sao” với “khuôn mặt trái xoan” với má lúm đồng tiền cười duyên đi bên chú rể. Cô dâu xinh đẹp cùng nụ cười duyên “thật giống nàng tiên”. Trong đoàn người đưa rước dâu muôn ngày sắc màu của áo quần gấm hoa, nhưng đẹp nhất vẫn là cô dâu nhà ta. Cô dâu xinh, nụ cười duyên hạnh phúc sánh đôi cùng chú rể. Đôi trai tài gái sắc lại xứng lứa vừa đôi, hạnh phúc ngập tràn cho đôi tình nhân nên nghĩa vợ chồng.

Họ nhà trai thật là có phước
Dây tơ hồng số trời se trước
Nên bây giờ xứng lứa vừa đôi
Đẹp quá đi thôi!!!

Họ nhà trai “thật là có phước” được dây tơ hồng se trước nên đón được cô dâu hiền, có con dâu xinh. “Nên bây giờ xứng lứa vừa đôi/ đẹp quá đi thôi!”, đám cưới linh đình, không khí hân hoan và bao lời cầu chúc, ngưỡng mộ cho đôi trẻ thật xứng lứa vừa đôi. Nhà trai thật là có phước khi ông tơ bà nguyệt se duyên sớm để lấy được nàng dâu đẹp như tiên. Đám cưới linh đình, lời ca không ngừng, mừng cho đôi lứa nên duyên.

“Xứng lứa vừa đôi”, với nền nhạc vui tươi, lời hát mộc mạc mà đậm đà hương vị tình quê, nhạc sĩ Hoài Nam đã thật sự thành công khi vài nét bút vẽ đã tạo nên bức tranh đám cưới tràn ngập sắc màu và hạnh phúc. “Xứng lứa vừa đôi” không chỉ hay ở giai điệu mà còn thể hiện sự tài tình trong cách gieo vần của Hoài Nam. Các câu hát mang theo vần điệu, cùng sắc thái vui tươi như “nhìn xem kìa”, “đẹp làm sao”, những câu cảm thán ấy đã làm cho nhạc khúc thêm phần sống động và gần gũi hơn.

Lắng nghe “Xứng lứa vừa đôi”, ta như thật sự lạc vào một khung cảnh đám cưới, người nghe như một thực khách đi dự cưới và đắm chìm trong niềm vui của đám cưới linh đình đó. Nhạc khúc mang lại những giây phút hân hoan, vui tươi và hào hứng, đây cũng là lý do mà ca khúc này luôn được ngân vang trong mỗi dịp cưới.

Viết một bình luận