“Của hồi môn” – Món quà kỷ niệm ngày cưới của cô dâu cùng những ý nghĩa sâu xa phía sau

Ngày nay chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến “của hồi môn” và hiểu đó là món quà mà cha mẹ cô gái tặng con khi con đi lấy chồng. Nhưng ngày xưa, việc cô gái đi lấy chồng phải mang theo của hồi môn gần như là phong tục bắt buộc. Vậy việc cô gái mang theo của hồi môn về nhà chồng là có lý do gì? 

Của hồi môn là môn là món quà mà cha mẹ chuẩn bị cho con gái khi đi lấy chồng. Của hồi môn không chỉ là món quà kỷ niệm của cha mẹ dành cho con gái trong ngày vui  mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Ảnh một đám cưới khi xưa

Việc trao tặng của hồi môn là một phong tục có từ thời cổ xưa và được du nhập vào nước ta từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, tức giai đoạn 771 TCN – 476 TCN trong lịch sử Trung Quốc. Thời ấy không chỉ những nhà danh gia vọng tộc, những gia đình quan lại có điều kiện mới tặng của hồi môn cho con gái, mà việc này đã trở thành một phong tục bắt buộc và phổ biến rộng rãi trong dân gian mỗi khi gae con gái lấy chồng.

Tuy nhiên phong tục này đã có từ sớm hơn trên thế giới, của hồi môn xuất hiện từ lâu đời. Đối với một số dân tộc, của hồi môn là phần tài sản được kế thừa, của cha mẹ truyền lại cho con cái. 

Quay ngược dòng lịch sử, các tư liệu nghiên cứu đều chỉ ra rằng của hồi môn có lịch sử lâu dài ở Châu Âu, Châu Phi, Nam Á và còn nhiều nước trên thế giới. Của hồi môn còn được gọi là Dahej trong tiếng Hin-ddi, Varadhachanai trong Tamil, Jehaz trong Urdu và tiếng Ả Rập, Joutuk ở Bengali,…. Của hồi môn trong tiếng Anh được gọi với nhiều tên khác nhau như dowry, dower hay marriage portion,…

Theo truyền thống, của hồi môn cho con gái thường là quần áo, đồ dùng, tiền bạc… để con gái mang đến gia đình nhà chồng. Phong tục tặng của hồi môn cho con gái này là để giúp con gái có một cuộc sống tốt hơn khi lập gia đình. Quà tặng vật chất cũng là khởi đầu cho cuộc sống hôn nhân nhẹ nhàng và hạnh phúc. Muốn con gái có được sự tôn trọng của gia đình bên nhà chồng, tạo dựng địa vị của con gái trong gia đình nhà chồng. Của hồi môn còn chứng tỏ khả năng kinh tế của gia đình nhà gái. Mặc khác, đây như là lời chúc của cha mẹ muốn con gái có một cuộc sống đủ đầy, may mắn, hạnh phúc. Ngoài ra, vì sợ trong thời gian đầu con gái về nhà chồng còn nhiều bỡ ngỡ và nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị em, nên cha mẹ muốn tặng của hồi môn cho con gái để mỗi khi nhớ nhà cô gái có thể ngắm nhìn những vật mang theo.

Tranh vẽ cảnh đoàn người khiêng của hồi môn của cô dâu trong ngày cưới

Đối với những gia đình sống trong thời phong kiến, nếu cô dâu là con nhà khá giả có quyền thế như quan lại, phú hộ thì khi mang của hồi môn sang nhà chồng còn bao gồm cả người ăn kẻ ở. Họ cho cả người hầu gái quen thuộc đi theo để cô dâu không cảm thấy xa lạ khi về nhà chồng.

Đối với gia đình nhà chồng, họ rất ý thức rằng của hồi môn là của con dâu nên không bao giờ có quyền can thiệp. Nếu như can thiệp vào của hồi môn này nhất định phải nhận được sự đồng ý của con dâu, việc con dâu không đồng ý được coi là việc chính đáng. Vào thời xưa, việc nhà chồng chiếm dụng của hồi môn của con dâu thì bị xem là hành vi rất xấu xa, sẽ lưu tiếng xấu về thanh danh.

Sau khi chủ của số của hồi môn này qua đời, thì người thừa kế số của hồi môn ấy là con cái của họ. Nếu người phụ nữ ấy không có con cái thì người thừa kế sẽ là con cháu thuộc nhà mẹ đẻ của họ với ý nghĩa trả về cho cha mẹ đẻ.

Theo phong tục là như vậy, nhưng hầu hết những người phụ nữ xưa đều yêu thương và chăm sóc hy sinh cho chồng con. Nên họ luôn sẵn lòng lấy phần của hồi môn của mình ra để chu cấp cho chồng học tập thành tài hoặc gây dựng sự nghiệp. Trường hợp người chồng không cần dùng đến, người phụ nữ nhất định sẽ dành hết cho con của mình chứ không giữ làm của riêng. Đó là đức tính tạo nên bản sắc riêng biệt đáng trân quý của người phụ nữ cả xưa và nay.

Ngày nay vấn đề kết hôn trở nên cởi mở hơn rất nhiều nên việc tặng của hồi môn bằng đồ dùng, vật dụng không còn phổ biến nữa, mà thay vào đó cha mẹ thường chuẩn bị của hồi môn cho con gái là tiền mặt, hiện kim hoặc tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, đất đai, xe hơi,… Và dĩ nhiên, tùy theo mức độ kinh tế và khả năng tài chính của gia đình mà của hồi môn cũng khác đi rất nhiều. 

Nhưng dù ở thời đại nào, tấm lòng của cha mẹ dành cho con cái vẫn vẹn nguyên không thay đổi. Nên dù phong tục tặng của hồi môn ngày nay có khác đi đôi chút so với khi xưa, nhưng tấm lòng và mong ước mà cha mẹ gửi gắm trong món quà của hồi môn cho con gái vẫn không thay đổi.

 

 

Viết một bình luận