“Ăn cho mình, mặc cho người” – Cùng những lễ nghi không thể bỏ qua trong việc vận trang phục của người Việt thời xưa 

Từ thuở xưa người Việt đã rất chú trọng trong cách ăn nói, đi đứng và được nhiều thế hệ truyền thừa lại qua các câu ca dao tục ngữ như “học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “dạy con từ thuở còn thơ”. Họ rất coi trọng việc giáo dục con trẻ từ khi còn nhỏ, tất cả đều phải học một cách cẩn thận và được rèn giũa. Và cách ăn mặc trang phục là một trong những điều được họ chú trọng, người xưa dựa vào việc vận trang phục để đánh giá những giá trị đạo đức, lễ tiết thời bấy giờ.

Cách ăn mặc của một người nói lên sự gia giáo của một gia đình

Theo nền văn hóa Đông phương, từ rất lâu về trước người Việt đã xem trọng những lễ giáo, con cháu ngay từ thuở nhỏ đã được giáo dục từ những điều nhỏ nhặt nhất như cách ăn, cách uống, cách đi đứng sao cho đúng cũng như trang phục như thế nào để hợp quy cũ và đúng thân phận. Bởi ngoài việc bảo vệ thân thể và ứng phó với thời tiết thì trang phục còn thể hiện tính thẩm mỹ và nét văn hóa của người mặc.

Trang phục của phụ nữa xưa những năm 1936

Người Việt xưa quan niệm rằng cách ăn mặc phản ánh trình độ văn hóa, nội tâm của người mặc và cách giáo dục của gia đình. Nếu một đứa trẻ ăn nói không lễ phép, ăn mặc lôi thôi, lố lăng không phù hợp với lứa tuổi hoặc hoàn cảnh thì sẽ bị đánh giá là đứa trẻ không có giáo dục. Do vậy ngoài việc hướng dẫn, định hướng con trẻ về văn hóa thì việc ăn mặc như thế nào cho đúng cũng được các gia đình Việt Nam xưa đặc biệt coi trọng.

Dựa vào cách ăn mặc để đánh giá tính cách, đạo đức của một người 

Có lẽ câu nói “Trông mặc mà bắt hình dong” lại khá đúng theo nghĩa đen với thời xưa. Khi mà người Việt xưa thường hay đánh giá tính cách, đạo đức của một người qua cách ăn mặc của một người. Họ quan niệm rằng việc mặc không chỉ để cho bản thân mình mà cũng chính là cách để tôn trọng người khác, để người khác nhìn vào và tôn trọng mình.

Trang phục của các trò đồ khi xưa

Không nhất thiết phải là mặc đồ mới, đồ tốt nhưng nhất định phải ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Người ăn mặc giản dị là người có “chiều sâu”. Người thích chưng diện rất nhiều khi là người nông cạn, muốn dùng bề ngoài che giấu cái yếu của mình. Cái mặc thể hiện rõ nét văn hóa. Dĩ nhiên, không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá được toàn bộ một con người. Nhưng không thể phủ nhận rằng cách ăn mặc của một người phần nào phản ánh được tính cách và bản chất của người đó.

“Đông the, hè đụp”. “ Đi đâu nón cụ quai tơ – Chồng con không có, vất vơ thế này”. Là những câu ca dao tục ngữ từ xa xưa khi nói về việc mặc trang phục phải phù hợp với thời tiết, hoàn cảnh và địa điểm. Ăn mặc có mục đích, rõ ràng và hợp lý. Đi lễ, hội hè thì mặc như thế nào, đi làm đồng mặc ra sao, đi học, ở trong nhà hay ra ngoài đường ăn mặc cũng khác nhau… chứ không thể tùy tiện đồ mặc trong nhà lại đi ra ngoài đường hay thích “đảo lộn” muốn mặc ra sao thì mặc. Đặc biệt đến những nơi tôn nghiêm như Đình, Chùa, Nhà thờ… thì càng phải ăn mặc một cách trang nghiêm và lịch sự, thể hiện là người có văn hóa và giáo dục.

Những bé gái đạo Công giáo trong trang phục đám rước, Thanh Hóa thập niên 1920

Người xưa đặt nặng vấn đề trang phục phải phù hợp với hoàn cảnh đến để ăn vận cho phù hợp. Nếu một người mặc rất đẹp, áo gấm lụa là nhưng lại đặt vào hoàn cảnh không phù hợp thì cũng không toát lên vẻ đẹp thật sự của nó.

Trang phục phải kín đáo và tuyệt đối không thể “phô trương cơ thể”

Người xưa coi trọng đức hạnh. Nên họ luôn chọn cách ăn mặc trang phục rộng rãi để không phô trương cơ thể. Họ quan niệm mặc bó sát người để nổi những bộ phận cơ thể người phụ nữ là không đúng đắn, không đoan trang. Hơn nữa con người ngày xưa gắn liền với việc làm đồng áng nên trang phục rộng rãi sẽ dễ giúp họ trong việc xắn, vận lên để làm ruộng, cấy lúa…

Người phụ nữ có chồng sẽ mặc khác với phụ nữ chưa chồng, hay phụ nữ góa chồng cũng mặc khác với phụ nữ đang có chồng. Tuy không phân biệt hay quy định rõ rệt nhưng phụ nữ xưa ý thức về việc ăn mặc cho đúng với hoàn cảnh của mình nên họ sẽ không chưng diện quá như thời con gái nếu như đã có chồng hoặc góa chồng. Họ luôn ý thức ăn mặc kín đáo để giữ đạo đức, phẩm hạnh của người phụ nữ. Họ thường mặc những trang phục đơn giản, không chuộng mốt, màu sắc không lòe loẹt… ấy vậy mà chúng ta vẫn thấy họ đẹp một cách sâu sắc và lạ thường.

Cách ăn mặc nói lên tầng lớp xã hội

Không còn xa lạ gì khi những năm trước năm 1945, trang phục của người Việt mang đậm dấu ấn thời kỳ quân chủ truyền thống, được phân biệt theo tầng lớp xã hội. Có những loại vải cao cấp hoặc những màu sắc chỉ có Vua chúa, quan lại và những người trong Hoàng cung mới được mặc. Dân thường chủ yếu mặc đồ bằng vải gai, vải bông, đay, đũi… và các màu nâu, đen, màu của bùn đất, cây cối. Họ mặc áo dài, áo nâu sòng, áo tứ thân, vấn khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, nón lá…

Trang phục của một gia đình Tổng đốc Hà Đông năm 1920

Quần áo thời xưa chủ yếu được nhuộm từ vỏ thân cây…do đời sống con người xưa gắn liền với nông nghiệp. Nên quan điểm về ăn mặc của người Việt xưa cũng bị ảnh hưởng và cũng thể hiện tầng lớp xã hội như: nông dân hay trí thức, thương nhân, dân thường hay người của Hoàng tộc.

Có thể nói trang phục, cách phục sức của con người cũng phần nào phản ánh bối cảnh lịch sử mà nó xuất hiện cũng như các quan điểm, nhận thức, văn hóa của xã hội vào thời đó. Các quan điểm và ý thức về cách ăn mặc của người Việt cho đến nay cũng đã có nhiều sự thay đổi.

 

Viết một bình luận