Công viên chi lăng và sự biến mất của “vườn treo” giữa lòng thành phố ngày nay

Sài Gòn ngày nào nay đã là một thành phố phồn hoa và phát triển. Thành phố ấy khoác lên mình những “chiếc áo hoa lệ” với cao ốc và phố xá, những trung tâm thương mại ngày một nhiều. Song hành cùng sự phát triển ấy, cũng có rất nhiều di tích, kiến trúc cổ xưa bị thay thế hoặc đã bị phá bỏ. Trong dòng chảy thời gian của nền đô thị hóa, thành phố có gần 20 di sản và công trình đã biến mất, và khi nhìn lại ta không khỏi mang một cảm giác ngỡ ngàng và nhớ nhung. Và trong sự thay đổi đó, không thể không nhắc đến công viên Chi Lăng tại góc đường Tự Do- Lê Thánh Tôn (nay là Đồng Khởi- Lê Thánh Tôn”. Chi Lăng khi ấy là một công viên  rợp bóng cây xanh với mệnh danh “vườn treo” trong lòng thành phố, cũng là nơi mà nhiều người dân Sài Gòn xưa chọn để thư giãn và tận hưởng bóng mát trên đầu và tiếng chim hót bên tai.

Công viên Chi Lăng ngày ấy
Bãi cỏ xanh tại công viên

Công viên này được xây dựng vào thời Pháp, được khai trương vào năm 1924. Sau năm 1954, nó được lấy tên là Chi Lăng. Thời ấy ở Sài Gòn là một thành phố có rất ít những con dốc, có lẽ vì vậy người Pháp đặt  ở góc đường Tự Do- Lê Thánh Tôn một công viên để càng làm tăng dấu ấn của con dốc này – một chút lãng mạn hoài niệm đồi Montmartre ở Paris chăng? Công viên Chi Lăng được biết đến là “vườn treo” có hàng cổ thụ rất Việt Nam, hàng thông xanh và bãi cỏ xanh rất Tây. Ở công viên Chi Lăng, người dân tìm được một không gian tĩnh lặng, ngồi tại công viên, nơi có thể ngắm nhìn dòng người nhộn nhịp qua lại, phía xa là tháp nhà thờ Đức Bà cao vút và vẻ uy nghi của tòa thị chính . Nơi đây đầy tiếng chim và hoa, có ghế đá, đem đến cho khách tham quan cảm giác lâng lâng, thư thái. Mảng xanh của công viên Chi Lăng trước năm 75 để lại ấn tượng trong du khách là một công viên xoay quanh một khu phố tấp nập.

Dàn quân nhạc với lễ phục trắng chào mừng kỷ niệm công viên Chi Lăng
Công viên Chi Lăng có một sân khấu dành cho dàn quân nhạc trình diễn

Họ có thể vừa dạo bước trên công viên vừa  khám phá những cửa hiệu san sát trên con đường một thời nổi tiếng thời ấy với cái tên quý phái  “ đường Catinat”. Và với những người làm việc công sở gần công viên, họ có thể hẹn nhau uống cà phê hay ăn trưa thú vị mà không quá cao sang ngay tại những cửa hàng gần công viên. Công viên Chi Lăng có một sân khấu dành cho dàn quân nhạc trình diễn

Hay có thể ngồi ở công viên Chi Lăng ấy ngắm  nhìn qua quán cafe La Pagoda nổi tiếng. La Pagode nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do La Pagode có nghĩa là Chùa vì được thiết kế nội thất với bàn ghế gỗ nâu mang nhiều phong cách phương Đông với các cô tiếp viên người Hoa xinh đẹp và hiền lành ,lặng lẽ…La Pagode là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ . Sau đó thiết kế của La Pagode được thay đổi theo đà phát triển của Saigon, các bức tường được lắp đặt những khung cửa kính ,những trụ cột cũng được lắp kính bốn bề, La Pagode trong lấp lánh hẳn… Từ lúc thiết kế lại , La Pagode có loại máy hát tự chọn, khách bỏ vào vài đồng bạc vào máy là có thể nghe những bài hát mình yêu thích (trên màn hình như phim Video bay giờ), vào thời ấy , bộ phim Docteur Zhivago (dịch ra là Vĩnh biệt tình em) được trình chiếu ở các rạp Rex, Eden …nên khách thường đến đây để nghe bài Chanson pour Lara một bản nhạc với giai điệu thoăn thoắt ,trữ tình được làm nền cho phim này. Với thiết kế mới La Pagode thích hợp để ngồi lặng lẽ nghe bản nhạc của riêng mình, hoặc cùng bạn bè thưởng thức vị đắng của cafe, hương nồng của rượu, nhìn dòng đời trôi xuôi ngoài cửa kính …Khách ngồi bên trong La pagode có thể trải tầm nhìn ra hai con đường đẹp và sang trọng bậc nhất Saigon có tên Lê Thánh Tôn và Tự Do và ngắm nhìn công viên Chi Lăng ngát xanh bóng cây cổ thụ.

Công viên Chi Lăng ấy và quán cafe La Pagoda nổi tiếng

Chiều tối đến,lắng nghe hòa nhạc tại sân khấu nhỏ giáp bờ tường ngôi công thự Sở Giáo dục – đào tạo. Và còn gì bằng khi được ngắm nhìn những ánh đèn sáng choang nơi đây mỗi dịp Noel và tết, nơi đây trở thành một địa điểm thu hút mọi người đến chụp ảnh và vui chơi.

Tại công viên Chi Lăng, khi đi dọc các bậc thang lối lên công viên, nơi bờ tường ốp đá tảng theo kiểu tổ ong, ta sẽ thấy một tấm bảng bằng gang khắc dòng chữ kỷ niệm ngày khai trương công viên này. Đó là năm 1924!

Năm 1924,  gần một trăm năm trước đây thì công viên  này đã được trên một con phố Catinat – con phố số 1 của Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” . Phố Catinat tấp nập các cửa hàng, khách sạn thời ấy, và khi đó giá đất giá nhà cao chót vót không kém bây giờ nhưng người ta vẫn giữ miếng đất ở con dốc này làm công viên. Vẫn giữ “vườn treo” cho con phố thương mại có thêm nét đẹp nhân văn. Vẫn giữ cho giới trẻ Sài Gòn thêm một địa chỉ dạo chơi và hẹn hò. Sau năm 1954, công viên đó đổi tên là Chi Lăng, cái tên hào hùng, càng thêm ấn tượng khó quên.

Nhưng công viên vườn treo ngày nào nay đã hầu như không còn. Không còn con phố Catinat xưa, không còn những buổi được ngồi thả mình trên những chiếc đá công viên mà lắng nghe hòa nhạc.Công viên Chi Lăng năm xưa, nơi từng mang một nếp sống văn hóa của người dân Sài Gòn ngày ấy nay đâu rồi?

Hiện nay, công viên Chi Lăng chỉ còn là một vạt cây xanh nằm cạnh một cao ốc khánh thành năm 2010 tên là Vincom Center Đồng Khởi.

Đầu tháng 2/2010, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thành Tài, nhấn mạnh “công viên Chi Lăng phải được trả lại nguyên trạng.”

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp ngăn cách khối công trình tòa nhà Vincom Center và công viên theo hướng trồng dải cây xanh ngăn cách và không xây dựng lối đi trực tiếp từ công trình vào công viên.

Ngoài ra, hệ thống các ống thông hơi và lối thoát hiểm cũng không được bố trí trong khu vực công viên để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan chung, nhất là đối với sức khỏe của người dân khi tham gia các hoạt động tại công viên Chi Lăng.

Mặt bằng công viên được nghiên cứu thiết kế lại cho phù hợp để phục vụ cộng đồng, tuyệt đối không được giảm diện tích công viên.

Sau gần 1 năm giao mặt bằng rộng 0,4 ha cho chủ đầu tư dự án Vincom Center tiến hành xây dựng, ngày 9/2/2010, Sở Giao thông Vận tải cũng đã giao cho Công ty Công viên cây xanh, Phòng Quản lý Công viên cây xanh nhanh chóng thiết kế, bố trí, chọn lựa cây trồng cho phù hợp đối với công viên này theo đúng yêu cầu của Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy công viên Chi Lăng vẫn được bảo tồn để phục vụ nhu cầu của người dân trong điều kiện diện tích cây xanh của Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm xuống gần 1/2 vì quá trình đô thị hóa ồ ạt. và thực tế diện tích công viên này đã thu hẹp, không thể trồng cây lớn cho bóng mát bởi lớp đất rất mỏng do ngay bên dưới là tầng hầm của tòa nhà, đồng thời lại là nơi đặt hai lối thoát hiểm từ tầng hầm của tòa nhà .

Công viên Chi Lăng ở sân trước tòa nhà Vincome

Ngày nay, công viên Chi Lăng đã khoác một tấm áo mới, gò đất được ví như “vườn treo” ngày xưa nay được san bằng trở thành một cái sân rộng bên ngoài cao ốc, bóng cây cũng đã thưa thớt.Công viên Chi Lăng vẫn là nơi nghỉ chân của nhiều du khách ghé thăm TP.HCM, nhưng sự chú ý của họ là dành cho những công trình nổi tiếng bên cạnh, còn công viên, không mấy ai để ý hay biết đến lịch sử về nó. Vì bây giờ, công viên chẳng khác gì những khoảng sân hóng mát khác của Sài Gòn.

Viết một bình luận