Lịch sử của Renault 4CV – Những chiếc Taxi con cóc, con bọ quen thuộc trên đường phố Sài Gòn xưa

Taxi Renault 4CV là một trong những phương tiện giao thông độc đáo của thành phố Sài Gòn qua những thập niên 1950, 1960 và 1970 cho đến khi bị chấm dứt trong thời bao cấp. Dòng xe này đã để lại dấu ấn quan trọng trong nét sinh hoạt của dân cư Sài Gòn cùng hình ảnh khó phai nhoà trong trí nhớ của những du khách đã từng đặt chân đến Hòn ngọc Viễn Đông thời điểm ấy.


Ngày 26-6-1940, công ty Renault được đặt dưới sự kiểm soát và điều khiển của Đức Quốc Xã khi Pháp bị chiếm đóng bởi Hitler. Mọi kế hoạch sản xuất và phát triển xe ô-tô đều bị ngừng lại. Một nhóm nhỏ những kỹ sư làm việc ở Renault bất chấp sự cấm đoán của Đức Quốc Xã, tụ họp với nhau để cùng làm việc trên một mô hình xe ô-tô mới, một kiểu xe phổ thông dành cho đại chúng tựa như chiếc Volkswagen Type 1 (hay còn gọi là Bug hoặc Beettle hoặc Coccinelle) đã được chế tạo từ năm 1938 ở Đức Quốc. Họ có hai mục tiêu cần phải đạt được: thứ nhất là giá thành xe phải hạ để hợp với mức lương của dân chúng, thứ hai là xe ít ăn xăng giúp tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Đó chính là nguồn gốc ra đời của xe Renault 4CV.

Sau khi Pháp dành lại đất nước năm 1944 và đánh đuổi quân đội Đức Quốc Xã, công ty Renault không chậm trễ trong việc khởi động lại nhà máy. Tháng 3-1945, ông Pierre Lefaucheux thế chỗ ông Louis Renault để lãnh đạo toàn bộ Công ty Quốc Doanh Renault. Vị Tổng Giám Đốc mới này hân hoan cổ vũ cho kế hoạch xây dựng Renault 4CV, một chiếc xe dân dụng rẻ tiền và tiết kiệm về kinh tế. Ông còn khuyến khích những chi tiết cải tiến để hoàn thiện kiểu xe này trước khi đưa vào quy trình sản xuất.

Những chiếc xe Renault 4CV rời nhà máy trong năm 1947 với một giàn đồng, một động cơ, một mầu sơn duy nhất. Thời hậu chiến vừa bắt đầu, nước Pháp không cần đến những phô trương, công việc trước mắt là đáp ứng nhu cầu đi lại của dân chúng. Sau này, Renault 4CV được thiết kế với nhiều biến tấu khác nhau. Được sản xuất tổng cộng trên 1 triệu chiếc, Renault 4CV đã được bán tại Hoa Kỳ và cho sản xuất tại Nhật Bản.


Chiếc Renault 4CV còn thành công với kỷ lục khuyến mãi tại Pháp Quốc. Xe thứ 500.000 rời dây chuyền sản xuất vào tháng 4-1954. Sáu năm sau đó, dây chuyền ngưng sản xuất xe Renault 4CV với tổng cộng 1.105.547 xe xuất xưởng, một kỷ lục về công nghệ xe ô-tô Pháp vào thời điểm ấy.

Bên cạnh đó, vừa mới ra mắt công chúng, Renault 4CV đã trở thành một xe đua độ đáng nể. Ngày 19-9-1948, xe 4CV đã đoạt giải đầu tiên trong cuộc đua vùng núi Ventoux tại Pháp. Việc này gây sự chú ý đến những vị lãnh đạo nhà máy, đưa đến việc sản xuất kiểu xe thể thao Renault 1063. Chiếc xe đã liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng từ năm 1951 đến 1954: Rallye de Monte-Carlo, Rallye des Tulipes, Coupe des Alpes, Tour de France và ngay cả trong vòng đua 24 giờ ở Mans. Kiểu xe này rất dễ cải tiến nên được những người thợ cơ khí giàn đồng thủ công ưa thích.

Có rất nhiều phiên bản xe Renault 4CV (khoảng gần 40) thay đổi theo thời gian, tuy nhiên được xếp thành 7 phiên bản chính.

Các xe Renault 4CV được nhập cảng vào Việt Nam vào cuối thập niên 1940 là phiên bản 4CV Affaires. Phiên bản này được Renault đề xuất trong tháng 10-1951, là một phiên bản ít tốn kém và chắc chắn. Mô hình này vẫn có những đặc điểm tương tự như chiếc xe đời trước, chỉ thiếu hụt vài thiết bị cơ bản và vài chi tiết xe không được mạ kền. Cuối năm 1954, 4CV Affaires nhận được thêm một đèn hậu thứ hai.


Tại Việt Nam, Renault 4CV được cải biến thành xe taxi do nhu cầu vận chuyển đặc biệt của thành phố Sài Gòn, nơi điểm nối của các nước Đông Nam Á về hướng đông đến Hong Kong, Tokyo, Seoul trước khi với tay đến Châu Mỹ hoặc hướng tây đến Phnom Penh, Bangkok… Ngoài ra, giá thành của Renault 4CV, dễ bảo tri,̀ đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho khách vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.

Đến cuối năm 1968, đô thành Sài Gòn – Gia Định có 7.400 taxi, 2.440 xích lô máy.

Sau Renault 4CV, một số lớn xe dòng Renault Dauphine cùng các dòng xe Nhật khác được nhập cảng vào Việt Nam Cộng Hòa qua chương trình hữu sản hoá 1968 làm taxi. Theo đó, năm 1966 – 1967, chính phủ Sài Gòn đã tiến hành một chương trình mang tên “Hữu sản hoá” nhằm cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng cho những ai cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống giới thợ thuyền, phát triển hạ tầng cơ sở vận tải.

Đợt hữu sản hóa đầu tiên mang tên “Tự chủ” được thực hiện bằng cách cho giới lao động đang cầm lái thuê mượn tiền, và cho trả góp, để mua loại xe mà họ đang sử dụng để kiếm sống (giá rất rẻ). Những chiếc xe hơi sản xuất tại Nhật như Datsun, Mazda, v.v. cũng được trao cho những tài xế taxi.

Với những chiếc taxi trong đợt này, ngoài màu sơn truyền thống lúc đó là “vàng mui, và xanh dương thân”, xe còn được in thêm hàng chữ “Hữu sản hóa, đợt Tự chủ” lên hai bên hông xe. Những chiếc taxi “mới” này đã hòa vào với các giòng xe khác để làm thành một thí dụ khá sinh động cho hình ảnh Hòn ngọc Viễn Đông.

Sau 1975 khi Sài Gòn “được” giải phóng, xe 4CV taxi đã biến mất trên đường phố vì chính sách “cải tạo công thương nghiệp” cùng “bài trừ tư sản mại bản” hời bao cấp, đưa đến kết quả những nhà máy ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, những cỗ máy sản xuất hàng tiêu dùng nằm rỉ sét dưới nắng mưa và những chiếc taxi Renault 4CV cũng cùng chung số phận.

Câu chuyện về Taxi “con cóc” – Hình dáng quen thuộc trên đường phố Sài Gòn thập niên 50-70

Saigon – Chợ Lớn khoảng cuối những năm 1940 bắt đầu xuất hiện những chiếc Taxi có kiểu dáng như hình con cóc, con bọ, đến thập niên 1950 thì những chiếc Taxi này trở nên quen thuộc trên những góc phố và người dân Saigon lúc ấy đặt cho chiếc xe những cái tên thân thương là xe “cóc” hay “con bọ”.

Đôi bạn trẻ trên con đường Hồng Thập Tự và chiếc xe Vespa

Cụ Trần Mẫn năm nay đã 79 tuổi là một người Saigon chính hiệu cho biết: “Đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của chiếc taxi cóc có màu xanh dương và màu vàng kem. Những năm 1960 – 1970 đường phố Sài Gòn tràn ngập loại xe này, ngày đó chỉ có những người giàu có mới sử dụng phương tiện này, vì giá cũng khá đắt đỏ. Sau giải phóng, những chiếc taxi này hầu như bị “tuyệt chủng” không còn xuất hiện trên đường nữa”.

Những chiếc xe mang hình dáng con cóc nhỏ nhắn.

Những chiếc taxi lúc đó khá nhỏ và có kiểu dáng như con cóc. Chú Hòa (65 tuổi, ở quận 1), “Tôi lái taxi lúc đó 21 tuổi, cũng vào những năm tháng huy hoàng cuối cùng của những chiếc xe taxi con cóc. Lúc đó, bến Bạch Đằng là điểm đậu rất nhiều taxi, thời đó taxi không được trang bị bộ đàm, không có tổng đài như bây giờ, nên phải chạy lòng vòng để đón khách.

Hằng đêm, chúng tôi hay đậu xe gần các rạp hát cải lương để đón khách. Những chiếc taxi thời kỳ này đa phần là của tư nhân nhập từ Pháp về Việt Nam, sau đó được đăng ký và cấp phát số hiệu. Số hiệu được in lớn hai bên cửa, khách muốn đi taxi phải ra đường chờ xe chạy ngang qua rồi vẫy tay để gọi, hoặc ra tận những nơi đậu xe. Đi taxi thời bấy giờ chỉ tính tiền km, không tính tiền chờ như hiện nay”, chú Hòa kể.

Những chiếc Taxi “con cóc” đa số là những chiếc Renault 4CV do Pháp sản xuất đại trà từ những năm 1947. Dưới đây là một chiếc Renault 4CV hiếm hoi còn sót lại mang số hiệu 1541 đang được chủ nhân mới chuẩn bị phục chế sau hơn 50 năm mất tích.

Sau một thời gian bị lãng quên, chiếc xe được qua tay những người thợ chuyên phục chế xe cũ để đưa chiếc xe về trạng thái mới hơn nhưng vẫn giữ được nét nguyên bản của Taxi “con cóc” xưa được dùng để phục vụ cho những vị khách du lịch và những người muốn tìm chút kỷ niệm về Sài Gòn xưa.

A Dũng là một nhà sưu tầm đồ cổ đã may mắn tìm được một chiếc taxi cổ mang nhãn hiệu Renault 4CV cho biết: sẽ đưa chiếc xe đến những địa điểm mà nó từng đậu và đón khác.

Cũng theo anh Dũng, chieesx xe hiện anh đang sở hữu mua được từ chủ trước cho biết xe đã được cấp biển số mới sau sự kiện 30/04/1975.

Mặt sau của chiếc xe Taxi.
Đồng hồ tính tiền là thứ không thể thiếu trên mỗi chiếc Taxi. Đây là một loại đồng hộ cơ học được sản xuất từ Pháp.

Nét văn minh của người dân Saigon xưa, những chiếc taxit thời đó đều được viết những khẩu hiểu tuyên truyền “Không bỏ rác xuống đường” để giữ thành phố luôn xanh sạch đẹp. Có lẽ vì thế mà xưa đường phố Sài Gòn luôn sạch sẽ không một bóng rác.

Tên chủ nhân của chiếc xe được khắc vào một tấm bảng và gắn lên xe với đầy đủ tên và địa chỉ.

Tại Sài Gòn hiện nay đang có một số chiếc taxi cóc được phục chế nguyên trạng và phục vụ cho thuê chụp hình, du lịch tại nội thành TP.HCM. Giá thuê những chiếc xế này còn đắt hơn cả giá thuê xế mới hiện đại, khoảng 2-3 triệu cho 3 giờ chụp hình

Mời quý vị cùng xem thêm những bức hình về Taxi lăn bánh trên đường phố:

 

Viết một bình luận