Ngô Đình Lệ Quyên – Từ người con út của ông bà Ngô Đình Nhu đến Tiến sĩ Luật dấn thân vì người nghèo

Cách đây 10 năm, ngày 16/4/2012, nhiều tờ báo ở Rome (Italia) và các trang mạng xã hội đã đăng tin, bình luận về cái chết thương tâm của một người phụ nữ trong một vụ tai nạn giao thông, Người đó là Ngô Đình Lệ Quyên, con gái út của ông Ngô Đình Nhu.

Gia thế hiển hách

Ngô Đình Nhu ( 1910 -1963) là một nhà lưu trữ và chính trị gia người Việt Nam. Ông nổi tiếng vì danh nghĩa là vị cố vấn chính trị quan trọng cho anh trai ông là Tổng thống Ngô Đình Diệm trong Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, tuy nhiên thì hầu hết các tài liệu lịch sử đều nhận định ông mới thực sự là người đề ra mọi chủ trương, chính sách của nền Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam. Ông là Tổng bí thư Đảng Cần lao Nhân vị, cũng là người đề xướng Thuyết Nhân vị của Đảng này. Vợ ông là Bà Trần Lệ Xuân (1924 – 2011), còn được gọi tắt theo tên chồng là bà Nhu, là một gương mặt then chốt trong chế độ Ngô Đình Diệm và là chủ tịch Phong trào Liên đới Phụ nữ trực thuộc Đảng Cần lao Nhân vị. Sau khi anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị đảo chính và ám sát năm 1963, bà buộc phải lưu vong sang Ý cho đến khi qua đời.

Bà Nhu với con gái út Ngô Đình Lệ Quyên trong một tu viện tại Rome, cuối năm 1963

Ông Ngô Đình Nhu kết hôn cùng bà Trần Lệ Xuân và có 4 người con, 2 gái, 2 trai là: Ngô Đình Lệ Thủy, Ngô Đình Trác, Ngô Đình Quỳnh và Ngô Đình Lệ Quyên.

Bà Lệ Quyên hồi còn nhỏ (hàng trước, thứ 2 từ phải sang)
Gia đình ông bà Nhu

Ngô Đình Lệ Quyên sinh năm 1959 tại Sài Gòn, là con gái út của ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân, người từng được mệnh danh là Đệ nhất phu nhân của Chính quyền Sài gòn cũ. Dù có cha mẹ là những nhân vật “hô mưa gọi gió” một thời, nhưng những mỹ từ như “Sinh ra ngay vạch đích” hay “ngậm thìa vàng” lại không được dùng với số phận Ngô Đình Lệ Quyên. Bà là một người phụ nữ sống kín đáo và khép mình với báo chí, nên những thông tin về bà đến với độc giả rất ít ỏi. Không giống như các anh, chị của mình, khi thể chế của ông Ngô Đình Diệm bị sụp đổ, Ngô Đình Lệ Quyên mới 4 tuổi, nên bà hầu như không có ký ức gì nhiều về quãng thời gian khi gia đình, dòng họ ở trên đỉnh cao quyền lực. Ký ức tuổi thơ của bà là những ngày tháng sống lưu vong ở châu Âu, hết Paris đến Rome.Vào năm 1963, chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ – trong đó cả hai người gồm cha của bà là Ngô Đình Nhu và bác Ngô Đình Diệm đã bị ám sát, Lệ Quyên bị buộc phải rời khỏi quê hương cùng gia đình của mình và cuối cùng xin tị nạn Rome.

à Nhu với con gái út Ngô Đình Lệ Quyên
à Nhu với con gái út Ngô Đình Lệ Quyên

Hành trình trở thành Tiến sĩ Luật

Sau khi đoàn tụ gia đình sống ở Paris trong hai năm và sau đó vào năm 1965, gia đình Lệ Quyên chuyển đến Rome, nơi bà nhận được một nền giáo dục toàn diện từ tiểu qua trường trung học Công giáo tổ chức tư nhân của Sisters Nevers.

Bà Lệ Quyên (bên phải)

Lệ Quyên tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Sapienza của Roma. Trong luận án của mình, bà đào sâu vào “Các vấn đề của Việt Nam tại Hội nghị Geneva năm 1954”. Bà cũng tham gia khóa học hai năm về Thần học Marian tại Đại học Marianum ở Roma.

Lệ Quyên được biết đến tại Roma vì luôn từ chối trong việc nhập quốc tịch Ý.

Năm 1969, bà là một trong số những người lưu vong nước ngoài đầu tiên nhận tình trạng tị nạn chính trị tại Ý. Dù vậy, bà vẫn là một người tị nạn chính trị trong 39 năm cho đến tháng 4 năm 2008, khi Tổng thống Cộng hòa Giorgio Napolitano trao quyền công dân Ý cho bà vì “những đóng góp nổi bật cho nhà nước”. Đây là một vinh dự mà ít người ngoại quốc nào có được ở Italia.

Ngô Đình Lệ Quyên theo học trường Đại học Rome và lấy bằng Tiến sĩ Luật tại đây rồi trở thành một luật sư ngành công pháp quốc tế rất nổi tiếng. Tuy nhiên,  bà chỉ được mời thỉnh giảng tại Đại học Rome chứ  không thể làm giáo sư chính thức, bởi một trong những điều kiện bắt buộc ở Đại học Rome là giáo sư giảng dạy trong trường phải có quốc tịch Italia, trong khi Ngô Đình Lệ Quyên lại kiên quyết không xin gia nhập quốc tịch nước này.

Người phụ nữ “cương quyết và cứng đầu” nhưng mang trái tim vì người nghèo mà dấn thân

Ngô Đình Lệ Quyên đã về sống và làm việc ở Rome từ những năm 1990. Đây cũng là nơi người anh trai Ngô Đình Trác sinh sống, còn anh trai Ngô Đình Quỳnh thì làm việc cho một công ty Mỹ có trụ sở ở Vương quốc Bỉ.

Đối với bà Trần Lệ Xuân , những năm gần cuối đời khi sức khỏe suy yếu, bà cũng chuyển từ Paris sang Italia sống gần các con trong một ngôi nhà ở Rome, nên năm 2011 khi bà qua đời, con trai, con gái cùng các cháu nội ngoại đều có mặt.

Ngô Đình Lệ Quyên từng làm Giám đốc phụ trách vấn đề di dân của tổ chức Caritas, một tổ chức thiện nguyện thuộc Tòa thánh Vatican. Theo những người quen biết với Lệ Quyên thì người phụ nữ này có một gương mặt đặc biệt giống cha là ông Ngô Đình Nhu. Năm 20 tuổi người ta bảo Lệ Quyên trông giống cha như đúc. Bà không chỉ có nét mặt giống cha mà còn giống cả về tính cách. Bà có cá tính rất đặc biệt, rất cương quyết  và nổi tiếng là người cứng đầu. Có lẽ bởi vậy, nên hai mẹ con bà Trần Lệ Xuân và Ngô Đình Lệ Quyên thường  xảy ra xung khắc, không hòa hợp với nhau trong quan điểm sống.

Ngô Đình Lệ Quyên lấy chồng người Ý nhưng vẫn giữ họ mình chứ không mang họ chồng. Bà cũng cho con lấy họ bên ngoại, đặt tên cho con trai duy nhất là Ngô Đình Sơn. Ông chồng người Ý của Lệ Quyên cũng phải chấp nhận.

Ở tổ chức Caritas, nơi Ngô Đình Lệ Quyên làm Giám đốc phụ trách vấn đề di dân, bà được biết đến như một người lãnh đạo cương quyết, nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường và có lối sống rất chuẩn mực. Nữ Giám đốc này đóng góp vai trò to lớn trong chính sách của Caritas nên được nhiều nhân viên của tổ chức này kính trọng.

Ngô Đình Lệ Quyên dấn thân vào những công việc giúp đỡ người nghèo và người khốn khó, làm việc với lòng hăng say và tin tưởng. Bà luôn bênh vực những người di dân nghèo khó. Từ năm 2002 đến 2007, Lệ Quyên từng là thành viên Ủy ban Di dân thuộc Caritas châu Âu và sau đó là Chủ tịch ủy ban này.

Ngô Đình Lệ Quyên nổi tiếng ở Rome và ở Caritas vì rất cứng đầu trong việc không xin nhập quốc tịch Italia, mặc dù nếu có quốc tịch Italia, con đường sự nghiệp của bà sẽ tươi sáng hơn rất nhiều. Lệ Quyên đã chối bỏ con đường đó để làm công tác thiện nguyện, sống một cuộc đời khá ẩn dật.

Dẫu vậy, vì những đóng góp nổi bật của bà cho đất nước Italia nên năm 2008 theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Tổng thống nước này  đã ký sắc lệnh cấp quốc tịch Italia cho bà. Đây là một vinh dự mà chi một số ít người ngoại quốc có được ở đất nước Italia.

Trang blog của Caritas of Rome tại www.caritas.org viết: “Lệ Quyên đóng vai trò rất lớn trong chính sách của Caritas ở mọi mức độ. Bà được nhiều nhân viên ở Caritas biết. Ðồng sự của bà khắp thế giới luôn nhớ đến bà trong vai trò một người dấn thân cho người nghèo”.

Tai nạn bất ngờ

Ngô Đình Lệ Quyên sống rất giản dị và thân thiện với người xung quanh. Ở Italia, Lệ Quyên thường đi làm bằng xe mô tô. Chính vì vậy mà ngày 16/4/2012 bà đã tử nạn trong một tai nạn giao thông. Theo tin từ các phương tiện truyền thông thì vụ tai nạn xảy ra lúc 8h30 ở ngoại ô Rome, khi Lệ Quyên trên đường vào trung tâm thành phố làm việc. Sau cú va chạm giữa chiếc xe máy của bà với một xe bus chở học sinh đi ngược chiều, hậu quả là xe máy của bà chui vào gầm xe bus, còn bản thân bà thì bị hất văng ra khoảng 7m. (Cũng có một số nguồn tin nói rằng, chiếc xe máy do Lệ Quyên điều khiển đã bị ngã ở vùng ven nội thành Rome, bà bị một chiếc xe buýt chở học sinh cán phải và tử vong tại chỗ).

Bà Ngô Đình Lệ Quyên

Ngày 16/4/2012 và mấy ngày sau đó, nhiều tờ báo ở Rome và các trang mạng xã hội đã đưa tin, bình luận về cái chết thương tâm của Ngô Đình Lệ Quyên. Lãnh đạo thành phố Rome đã có lời chia buồn sâu sắc đến gia đình bà. Một số trang tin cho biết, Phó Thị trưởng thành Rome, Sveva Belviso phát biểu: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đối với cái chết bất ngờ của bà Ngô Đình Lệ Quyên, một người phụ nữ đã hết sức chuyên nghiệp trong công việc trên cương vị trưởng bộ phận giúp di dân tại Caritas, hỗ trợ những người khó khăn trong xã hội”. Trang web của tổ chức Caritas cũng dành những dòng chữ thương tiếc trang trọng để nói về Ngô Đình Lệ Quyên. Cùng với đó, gia quyến bà cũng nhận được nhiều lời chia buồn từ các chức sắc tôn giáo, quan chức địa phương và những người đã nhận được sự giúp đỡ của bà.

Nhiều người nói gia đình bà Trần Lệ Xuân có một “lời nguyền tháng Tư” vì nhiều người trong gia đình đều chết vào tháng Tư, theo đó người con gái đầu Ngô Đình Lệ Thủy mất tháng 4/1967, bà Trần Lệ Xuân tháng 4/2011,  và nay là Ngô Đình Lệ Quyên. Có người còn nói rằng, tháng Tư là thời điểm trước thềm Phật đản, và rằng điều này liên quan đến Luật Nhân – Quả…

Đó có thể chỉ là những lời đồn đoán. Dẫu sao, bằng sự dấn thân, với những gì đã đóng góp cho xã hội, sự giúp đỡ tận tâm cho những người nghèo khổ, cái chết của Ngô Đình Lệ Quyên cũng để lại cho nhiều người sự xót thương, nhớ tiếc.

2 bình luận về “Ngô Đình Lệ Quyên – Từ người con út của ông bà Ngô Đình Nhu đến Tiến sĩ Luật dấn thân vì người nghèo”

  1. . Có người còn nói rằng, tháng Tư là thời điểm trước thềm Phật đản, và rằng điều này liên quan đến Luật Nhân – Quả…[trích]
    Trong kinh Xuất Diệu Đức Phật dạy: “Mình tạo tội thì tự mình chịu ai ương, không ai có thể thay thế mình được”. Câu này Đức Thế Tôn muốn nói với chúng ta, “tự làm tự chịu” là câu nói sắt thép về nhân quả, không có chuyện mình làm ác mà con cháu phải chịu ác báo thay.

    Trả lời

Viết một bình luận