Sài Gòn ngày nay và sự mất dần của lu, khạp thời xưa – Những kỷ vật Sài Gòn xưa cũng dần phai mờ dưới lớp bụi thời gian

Ba trăm năm với những biến cố thăng trầm, lớp bụi thời gian cũng phủ đầy những ký ức cũ. Dấu tích của những kỷ vật Sài Gòn nay cũng dần phai mờ dưới lớp bụi thời gian kia, trong đó có cả sự mất đi dần của những lu, khạp thời xưa.

Từ giữa thế kỷ 20, Sài Gòn trở thành một “Hòn Ngọc Viễn Đông” với sự phát triển nhanh chóng trên mọi mặt về kinh tế, xã hội và giáo dục. Sự bùng nổ dân số diễn ra, biến nơi đây trở thành một “hòn ngọc” tập trung đông đúc dân cư thuở ấy. Chính quyền cũng phải chấp nhận hàng triệu người dân trôi dạt từ khắp nơi đổ về định cư sinh sống, phá vỡ sự quy hoạch kiến thiết của một thành phố hiện hữu vào thời điểm đó, nhất là hàng chục ngàn căn nhà tạm bợ mọc bên kênh rạch. Việc cung cấp nước sạch trở thành cấp bách để hạn chế nguồn nước không trong lành từ các con sông, giếng đào ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Bắt đầu từ những năm giữa thập niên 60, hầu hết dân chúng sống trong hẻm nhỏ đều xài nguồn nước phông-tên công cộng và sau đó vài năm thành phố mở đường nước máy cung cấp đến tận nhà. Khi ấy các hộ dân sử dụng lu khạp để trữ nước phông -tên đề phòng những lúc giờ cao điểm nguồn nước yếu từ nhà máy yêu và khó đến những hộ dân ở nơi xa và sâu trong các hẻm. Người dân còn dùng lu, khạp để hứng nước mưa, chủ yếu tích lũy nước vào mùa mưa để dành sử dụng vào mùa khô.

Đó là những chiếc lu mái dú (vú) có hình tròn trĩnh, chiếc khạp da lươn thân mình hơi khum, đáy nhỏ có hình đắp nổi hai con rồng trên vai khạp và chiếc khạp (hay thạp) nhỏ da màu đen nâu trông cứng chắc, dùng chứa nước để nấu uống. Khi ấy trẻ nhỏ thường hay thọt đầu vào kêu alô alô để nghe tiếng vang dội ngược tạo những âm vui tai.

Khạp có hình tròn và  thẳng như cái trống thường được dùng để đựng gạo hoặc đựng nước. Phía dưới đáy khạp có in chìm hàng chữ Hán là tên lò sản xuất “Hưng Lợi diêu”.

Lu khạp gạch ngói bên rạch Chợ Lớn chờ cất xuống đò

Và không chỉ có lò sản xuất “Hưng Lợi diêu” mới sản xuất những chiếc lu, khạp ấy. Vào thời đó, lu khạp là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình, và hầu như ở bất cứ lò gốm nào cũng sản xuất những chiếc lu, khạp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thời ấy có thể mua lu, khạp ở các cơ sở gốm tại Sài Gòn như Kênh Lò Gốm và các con phố chung quanh như Bến Lò Gốm, đường Xóm Ðất, Lò Siêu, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng, hay các lò gốm khác làm ra các loại lu khạp, bình bông, chậu, ấm siêu, ông lò.

Nhưng nổi tiếng nhất Sài Thành ngày ấy vẫn là lò gốm ở làng Hòa Lục. Vào năm 1997-1998 trong cuộc khai quật di tích tại xóm lò gốm khu vực làng Hoà Lục (phường 16 quận 8), nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu viết một bài chi tiết hơn về Lò gốm Hưng Lợi:

“Di tích là gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu… Chiếm tỷ lệ lớn nhất là mảnh các loại sản phẩm gốm và sành men nâu, men vàng hoặc không men dưới đáy có in 3 chữ Hán “Hưng Lợi diêu” (lò Hưng Lợi). Bên cạnh đó là các kiểu chậu bông hình tròn hay lục giác, bát giác phủ men xanh lam hay xanh đồng – màu men đặc trưng của gốm Sài Gòn. Chậu bông phần lớn có kích thước nhỏ, hoa văn in nổi trong các ô không men là hoa mai, hoa cúc hoặc tứ quý, bát tiên… Ðây là sản phẩm của giai đoạn thứ hai, giai đoạn có tên lò Hưng Lợi khoảng thế kỷ XIX”.

Một lò gốm xưa vào cuối thế kỷ 18 ở Xóm Lò Gốm Chợ Lớn

Có thể thấy những lu khạp này đã có từ năm của thế kỷ XIX. Khi ấy các lò Gốm là ăn rất thịnh vượng. Chợ Lớn có khoảng 30 lò gốm tập trung ở Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai… vùng Chợ Lớn sản xuất lu và các đồ gốm thông dụng như chậu vịm, siêu ấm, nồi trách, hũ khạp, cà ràng… vùng Cây Mai có một lò sản xuất đồ sành. Các lò này lấy nguyên liệu tại chỗ, tuỳ chất đất mà sản xuất thành các loại sản phẩm. Mỗi lò gốm hàng năm có thể sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm. Đến đầu TK XX vẫn còn nhiều lò gốm nổi tiếng như lò Tín Di Hưng, Quảng Di Thành, Hiệp Hưng, Bửu Nguyên, Đồng Hòa, các lò chuyên sản xuất lu, khạp và đồ gia dụng… Nhưng từ khi lấp rạch Chợ Lớn thì rạch Lò gốm, kinh Vòng Thành không thông thương và lò gốm chỉ còn sót lại cái tên trơn và không sản xuất đồ gốm nữa…”.

Một làng gốm náo nhiệt của một làng nghề trong “Gia Ðịnh phong cảnh vịnh” thuở đầu thế kỷ 18. Nhưng vì sao lu khạp tại một “trung tâm” sản xuất đồ gốm tại một vùng kênh rạch rộng lớn thuộc Chợ Lớn lại ngưng hoạt động vào khoảng giữa thập niên 1940? Để trả lời câu hỏi đó thì theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hậu:

“Khoảng giữa thế kỷ 20, cùng với những biến cố chính trị-xã hội, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mạnh mẽ theo một quy hoạch nhất định cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho các làng nghề thủ công ở Sài Gòn-Chợ Lớn không còn điều kiện tồn tại, hoặc phải tìm địa bàn mới để phát triển ở vùng ven ngoại thành hay xa hơn, đến các tỉnh lân cận. Ðô thị hóa làm biến mất cảnh quan tự nhiên, vùng nguyên liệu không còn, kênh rạch bị lấp dần, phố xá mọc lên… Vị trí ưu đãi của một làng gốm không còn nữa, việc sản xuất không còn đáp ứng được những nhu cầu mới của thị trường mới, các lò gốm, lò gạch ngói cuối cùng của Xóm Lò Gốm ngừng sản xuất. Xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa phải kết thúc vai trò của mình, nhường bước cho sự phát triển của vùng gốm Biên Hoà – Lái Thiêu”.

Cạn kiệt nguyên liệu chỉ là một phần của nguyên nhân thực sự. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc đáp ứng nhu cầu mới của một thị trường hiện đại hơn mới là điều kiện chính yếu khởi đầu cho thời lụi tàn khạp lu trong đời sống người dân thành phố.  Vì khi đó, khi dùng cả chục lu khạp để trữ nước mưa hay nước giếng, rất chiếm không gian nên hầu như ở thành phố nhà nào cũng xây hồ chứa một hai khối nước. Và nhu cầu cung cấp lu khạp giảm dần cùng với sự cạnh tranh chia mất thị phần từ các lò lu ở các tỉnh miền Ðông và Tây Nam bộ.

Bắt đầu từ thập niên đầu của thế kỷ 20 nghề làm lu khạp ngay vùng sản xuất lu khạp, gạch ngói đã xuấ hiện ở Bình Dương, Ðồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Ðồng Tháp…. Thậm chí lò Ðại Hưng chuyên làm lu khạp cỡ lớn ở xã Tương Bình Hiệp ra đời cách đây hơn trăm năm và được công nhận là di tích lịch sử của tỉnh Bình Dương. Con đường dẫn vào địa chỉ sản xuất của làng nghề gốm đất nung cũng được đặt với tên Lò Lu. Đây như một minh chứng cho sự bảo tồn làng nghề truyền thống còn sản xuất cho đến bây giờ.

Nung lu ở lò Đại Hưng, xã Tương Bình Hiệp, Bình Dương

Một lý do khác khiến nhu cầu sử dụng lu khạp ở Sài Gòn giảm mạnh là do Sài Gòn cũng bắt đầu giảm dần do hệ thống nước máy cung cấp vào tận nhà từ thập niên 1960 và kéo dài qua thời kỳ nguồn cung cấp nước sau năm 1975 có nhiều vấn đề kỹ thuật thường xuyên cúp nước. Những thủy đài hình nấm ra đời nhằm điều áp lượng nước từ nhà máy đến hộ dân. Nhưng vì một số lý do mà các thủy đài ấy không đi vào hoạt động.  Hình thức sử dụng nước giếng khoan ra đời ở các vùng ven, cứ việc khoan xuống bơm thẳng lên thùng chứa bằng nhựa cho chảy xuống các vòi.  Người dân không dùng các lu, khạp để trữ lại nước nên nước không cần qua xử lý, nhiều chất độc hại từ nước, từ sự lão hóa bồn nhựa, nhưng dân Sài Gòn cứ việc ăn uống, tắm giặt tỉnh bơ. Rồi thời gian sau này, khi nguồn nước đã được qua xử lý, nguồn nước không còn thiếu hụt mỗi mùa khô nữa, và dẫn trực tiếp vào các bồn chứa của hộ dân. Cũng từ đó mà bồn chứa nước bằng inox dần thay thế bồn nhựa, trông to hơn, sạch sẽ hơn.

Các lu, khạp dần cũng nhường chỗ lại cho những bồn chứa inox được thiết kế trên mái nhà, ít tốn diện tích lại chứa được lượng nước nhiều hơn gấp hàng chục thập chí hàng trăm lần. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhà vùng ven và các làng xã chung quanh còn dùng lu khạp chứa nước chỉ là còn nhiều như xưa. Nhưng lại chính điều này giúp ích cho các làng nghề gốm khắp nơi duy trì hình ảnh cái lu, chiếc khạp một thời của đất Lò Gốm năm xưa.

 

Viết một bình luận