Bí ẩn về kho báu của quân Nhật tại Sài Gòn và những câu chuyện ly kỳ xoay quanh kho báu ấy

Tháng 3 /1945, sau khi quân đội Nhật Bản đảo chính và chiếm Đông dương. Cuộc đảo chính thành công,  một số sĩ quan chuyển những chiến lợi phẩm tịch thu ở Nam Dương, Mã lai, Tân gia Ba về Sài Gòn. Mặc dù khi ấy máy bay đồng minh oanh tạc tất cả tàu bè trên mặt biển, nhưng lộ trình từ các quần đảo ấy đến Việt Nam không xa và rất tiện cho việc ẩn nấp, né tránh, nên bao nhiêu “hàng” về căn cứ đều an toàn. Vì không thể mạo hiểm chuyển hàng từ Sài Gòn sang Nhật bằng đường biển, nên quân đội Nhật phải tìm cách chôn dấu trong các khu rừng rậm với ý định sau này thái bình, nhân dịp tốt, sẽ khai quật đem về xứ sở.

Quân đội Nhật đã chính thức tiến vào Sài Gòn năm 1941

Bí mật kho báu ở dãy Trường Sơn

Tổng số kho tàng không ai được biết đích xác là bao nhiêu, nhưng riêng một trong những nơi chôn dấu ở cuối dãy Trường sơn là 100 toa xe lửa, chia làm 10 chuyến, mỗi chuyến 10 toa. “Hàng” đựng trong những thùng gỗ nặng vừa một người vác trên vai, toàn thể đều giống y nhau. Từ Sài gòn đến nhà ga cách hầm chôn độ 50 cây số, binh sĩ Nhật vác thùng tập trung vào kho, chờ đủ số mới cho lên xe vận tải đem vào rừng tập kết lại và chất đống trên một khoảng đất bằng phẳng. Từ đó đem vào hầm chôn. Các sĩ quan Nhật không cho người Việt phục vụ trong quân đội dự vào, cả những người nhập quốc tịch Phù tang cũng thế. Họ dùng toàn lính Nhật chính tông và đáng tin cậy.

Ảnh minh họa:Quân Nhật tiến vào Saigon qua cầu Khánh Hội (ngày 1-8-1941)

Có người nói rằng, sau đó họ còn thủ tiêu những người phu Việt do họ  thuê để che dấu việc làm này. Dạo ấy, những người mà người nào được quân đội Nhật thuê hay là bị bắt buộc thì thân nhân của họ đều xem như là họ đã chết rồi.

Lời đồn huyền bí về nơi chôn kho báu

Toán lính Nhật vác từng thùng đi bộ vào gần chân núi, đem xuống 1 cái hầm đào từ ngoài, ăn luồn vào ngay phía dưới 1 ngọn đồi. Trong hầm, người Nhật mua cây của người Việt quanh vùng, bề dài 2, 5m, thân tròn, đường kính 1, 5 tất, dựng sát nhau làm vách, ở ngoài trét xi măng. Đậy nắp hầm, lấp đất,  xóa bỏ dấu vết khả nghi. Không ai có thể ngờ dưới ngọn đồi toàn đá đó là cả 1 kho tàng. Đứng phía ngoài cửa rừng nhìn vào, ta thấy ngọn đồi chia ra làm 3 phần rõ rệt bằng 3 tảng đá khổng lồ. Ngay trung tâm của tảng đá, ở chính giữa, có 1 đường nứt thẳng từ đỉnh xuống chân. Nếu xem kỹ có thể nhận ra do bàn tay con người tạo ra chứ không phải là tự nhiên. Có người cho rằng: đó là do người chôn đã đánh dấu để sau này thân nhân sẽ đi tìm. Ngoài những kỹ thuật thông thường của kẻ dấu vàng bày vẽ các phương pháp đánh lạc hướng những người tò mò, hoặc biết phong phanh câu chuyện. Người ta còn nói rằng  các sĩ quan Nhật còn dùng bùa phép trấn ếm không cho ai động đến nơi đã dấu của.

Những vụ bỏ mạng vì tiết lộ bí mật

Tháng 8 năm ấy, Nhật đầu hàng đồng minh. Nhiều sĩ quan tự vận chết, nhiều người thì bỏ trốn, nhiều người thì bị bắt làm tù binh. Toàn dân Việt nam kháng chiến đuổi Pháp. Vấn đề kho vàng không nghe ai nhắc đến.

Mãi đến năm 1956, có người thuật lại những chi tiết kể trên và tự xưng là nhân viên của quân đội Nhật thời ấy có tham dự vào cuộc chôn vàng. Câu chuyện của ông này kể hấp dẫn đến nổi một số người có thế lực đương thời thảo kế hoạch săn vàng vĩ đại và bắt tay vào việc ngay. Một nhà văn tên tuổi chuyên viết chuyện nghe được, vội sáng tác thành chuyện dài, nhưng địa điểm lại ở vùng Cao nguyên khác hẳn với nơi kể trên. Người ta cho rằng: chắc chắn là quân đội Nhật phân chia số chiến lợi phẩm làm nhiều nơi chôn dấu, nếu rủi có mất nơi này thì còn nơi khác.

Ảnh minh họa: Quân Nhật tiến vào Rue d’Adran (trước 1975 là Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu)

Công việc đang tiến hành thì nhân vật tiết lộ bí mật thình lình bỏ mạng vì 1 tai nạn. Người chủ trương bơ vơ, không biết đường nào mà lần, đành bỏ dở dang ý định, hy vọng còn có người thứ hai nào đó biết hướng dẫn để tiếp tục.

Kiên trì không từ bỏ, sĩ quan Nhật lại đi tìm kho báu xưa

Trong lúc ấy, có 1 cựu sĩ quan Nhật gốc Việt Nam, đã trở lại quốc tịch Việt Nam từ năm 1946, cất nhà ngay cạnh nhà ga xe lửa cuối dãy Trường sơn, hàng ngày mò vào khu rừng để tìm dấu vết kho tàng. Ông tâm sự: chính ông phục vụ trong quân đội Nhật với chức Đại úy, có phận sự gìn giữ kho tàng ở nhà ga này. Ông đã tận mắt nhìn thấy 100 toa xe chở thùng gỗ và hàng chục xe hơi chuyển vào rừng. Từ đó, ông không được biết thêm vì bị ngăn cấm. Nhưng sau này, dò theo dấu vết, ông tin chắc rằng: hầm vàng nằm ngay ở dưới ngọn đồi. Ông đã cố gắng tìm tòi hơn 10 năm, đến năm 1960 mới dám quả quyết, khẳng định như thế. Ông định là đợi khi hòa bình tái lập, sẽ xin khai khẩn phần đất hoang ở khu vực này để tiện bề khai quật. Ông đã thuê người đào xới nhiều nơi, tốn kém khá nhiều, nhưng không có kết quả gì cả. Ông nhận thấy: hình như có 1 thế lực vô hình nào đó ngăn cản khiến cho ông luôn gặp trở ngại. Bấy giờ ông mới nghĩ đến vấn đề bùa phép của các sĩ quan Nhật yểm trấn, và ông tin rằng vì thế mà không thể thành công. Hơn nữa, ông tự thấy mình không thể nào 1 mình cáng đáng nổi việc này, nên mới trình bày cho các sĩ quan Việt nam đóng quân ở gần đấy. Vị nào nghe nói cũng say mê, và phác họa trước mắt mình 1 cảnh  đang nằm trên đống vàng. Từng vị, từng vị họp bàn với ông về các phương thức sẽ được áp dụng. Nhưng lạ lùng thay: vị nào nhất định sẽ bắt tay vào việc tìm kho báu thì lập tức bị thuyên chuyển, hay là bị khiển trách vì 1 lỗi lầm nào đó trong công vụ, hay là bị chết vì súng đạn, hay là bị tai nạn bất ngờ.

Đi tìm bí mật và chết

Nhưng sự hấp dẫn của số vàng ấy lại cực lớn. Thế là câu chuyện kho tàng vẫn hấp dẫn nhiều người lao vào như con thiêu thân. Đầu năm 1969,  có 1 vị Thiếu tá công tác gần đấy, gặp ông cựu sĩ quan Nhật và được ông này đưa đến chân ngọn đồi. Vị thiếu tá mê mẫn đến nổi không ngủ được cả tuần lễ. Ông bàn với 1 vị Trung úy vốn là Kỹ sư hầm mỏ bị động viên, nhất định khai thác kho báu khổng lồ này. Ông Kỹ sư lãnh nhiệm vụ phác thảo chương trình, đặt kế hoạch, cả quyết là sẽ vượt qua mọi chướng ngại vật để đạt được mục đích. Nhưng chưa kịp khởi công, thì 1 hôm ông ngồi xe, cán nhằm chốt mìn chết ngắt. Bấy giờ ông Thiếu tá mới hoảng sợ, không dám tiếp tục cuộc phiêu lưu. Ông trịnh trọng tuyên bố bỏ cuộc, và vận động xin đổi đi nơi khác.Tuy nhiên, để tìm hiểu nguyên do những sự cản trở huyền bí và những hình phạt ghê gớm kia. Ông và cựu Đại tá Nhật tổ chức 1 buổi “xây đồng cốt” cầu Thần linh chỉ bảo. Xác đồng là 1 thiếu phụ ở thủ đô được mời đến, tuyệt nhiên không hề biết lý do hay phận sự mình phải làm.

Bí mật huyền bí

Người bí mật nhập vào xác không phải là Thần Thánh, mà là 1 sĩ quan Nhật bị thượng cấp ra lệnh phải chết sau khi hoàn tất việc chôn dấu kho tàng, và bị bùa phép của 1 vị phù thủy trấn áp, buộc linh hồn phải gìn giữ kho tàng cho đến khi có người khai quật thì mới được giải thoát. Loại bùa này gốc ở Trung hoa của ông Lỗ Ban, mà theo lời truyền tụng thì lúc phát minh, uy lực của bùa đã khiến “quỷ khốc thần kinh” suốt trong 6 tháng. Vị phù thủy ẩn dật trong 1 ngôi chùa từ thuở bé, chuyên tâm tu luyện để trừ ma, ếm quỷ giúp đời nên đạo hạnh rất cao siêu.

Câu chuyện về linh hồn đầy huyền bí

Linh hồn của viên sĩ quan Nhật nhận chỉ thị: “Phải trừng phạt kẻ nào manh nha muốn chiếm đoạt của cải, bằng cách xúi giục kẻ ấy gặp chuyện không may, hay là thay đổi chỗ ở để bỏ ý định. Còn như người nào cương quyết ra tay thì phải chịu bỏ mạng vì tai nạn bất ngờ. Người có đủ quyền nhận kho tàng tất nhiên là chủ cũ, hay là kẻ thừa kế có chúc thư truyền lại. Vạn nhất chủ nhân tuyệt tự thì giao cho vị đại diện của Chính phủ Nhật xung vào công khố, hoặc vì lý do gì mà người Nhật không thể nhúng tay vào thì phải giao cho vị Lãnh tụ quốc gia Việt Nam”. Rồi viên sĩ quan Nhật ấy ngậm 1 đạo bùa, tự tay mổ bụng ở giữa căn phòng, trước mặt vị chủ nhân và vị phù thủy. Linh hồn của anh ta hóa thành Thần giữ vàng, phải thi hành đúng theo lệnh thì mới được siêu thoát. Nhưng hơn 20 năm qua (1973), vị chủ nhân của kho tàng ấy đã chết không có người kế tự và cả 2 Chính phủ Việt-Nhật đều không ngó ngàng gì đến, khiến cho linh hồn anh ta bị cầm giữ như bị tù đày. Trong dịp lên đồng, linh hồn anh ta tiết lộ những điều bí mật và ngỏ ý muốn giao kho tàng cho Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, giữa thời đại văn minh, ít ai nghĩ đến vấn đề huyền bí, nên mãi đến năm 1972 vẫn chưa nghe bàn đến việc “khai quật kho tàng” này.

Ảnh minh họa

Những câu chuyện tìm vàng thời Việt Nam Cộng Hòa

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã có ba câu chuyện được đề cập đến trong việc khai quật kho tàng do quân đội Nhật chôn dấu:

Câu chuyện thứ nhất:

Trong chương trình bồi thường chiến tranh, chính phủ Nhật đã viện trợ cho chính phủ VNCH để xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim. Đập thủy điên được xây dựng ở huyện Đơn Dương thuộc tỉnh Tuyên Đức, nhà máy phát điện được đặt cuối đèo Ngoạn Mục (Bellevue) với đường ống dẫn nước chạy từ đập cho đến nhà máy qua đèo Ngoạn Mục. Kho tàng này được chuyển từ Phan Thiết, theo đường xe lửa đi Đà Lạt, khi đến đèo Ngoạn Mục, người Nhật đã đào đường hầm, đục núi và chuyển số vàng cướp được đem về chôn tại đây. Để dễ dàng thực hiện ý đồ thâu hồi vàng họ lấy lý do viện trợ bồi thường chiến tranh để lập nhà máy điện theo lộ trình này. Không biết họ có lấy được không nhưng theo những người tham dự kể lại thì ngày thử nhà máy, mở nước ở đập, đường ống bị nứt, nước trào ra như lưỡi dao và làm chết một số người, có phải đây là thần giữ kho vàng đã trừng phạt những người đụng đến kho tàng?. Khoảng cuối thập niên bảy mươi có một ông già ở Đà Lạt, đã tham dự trong việc xây đựng nhà máy Thủy điện dẫn theo vài người trở lại đèo Ngoạn Mục, họ đi theo đường ống và tìm ra đường hầm dài độ 300 mét, những người này sau đó bị tai nạn cũng chính trên con đèo này và mọi việc đi vào quên lãng.

Câu chuyện thứ hai:

Trong thập niên sáu mươi, một cựu Đại Tá hồi hưu của quân đội Nhật đến vùng Đức Trọng, tỉnh Tuyên Đức, xây đựng nhà máy sứ Vĩnh Tường, lấy lý do là vùng đất sét này làm đồ sứ rất tốt. Sau một thời gian đào xới, nhà máy sứ đóng cửa. Vùng đất này cách đèo Ngoạn Mục khoảng trên dưới ba mươi cây số. Theo người ta bàn tán, họ đến vùng này lập nhà máy sứ và làm ăn rất kín đáo không ngoài mục đích tìm lại kho tàng đã chôn dấu tại vùng này.

Câu chuyện thứ ba:

Mùa hè, khoảng cuối thập niên sáu mươi, đầu thập niên bảy mươi, cũng ngay vùng Đức Trọng, tỉnh Tuyên Đức, đại đội trinh sát tỉnh được lệnh hành quân, cùng với lính địa phương quân bao vây một vùng đồi núi. Về đêm họ cho máy ủi đào xới, có chỗ sâu hàng trăm mét, họ làm việc cả tháng, đêm làm ngày nghỉ, có nhiều đêm còn có máy bay trực thăng đáp xuống. Theo những người Thượng tò mò sống trong vùng thì họ có chở đi nhiều thùng gỗ, chứa gì bên trong thì trời biết. Vùng đất này sau đó được san bằng khi cuộc hành quân chấm dứt. Nhiều nhân vật tham gia trong chiến dịch tìm kho vàng của Nhật giờ này đã khuất bóng nên câu chuyện cũng tạm chấm dứt tại đây.

Câu chuyện tìm kho báu bị chôn giấu của lính Nhật cũng khép lại từ đây. Chúng ta không ai biết rõ thật hư của chuyện kho báu ấy, những câu chuyện ma mị cũng ngày một nhiều đã biến sự tích kho báu ấy trở thành một bí ẩn.Thời gian qua đi, bí ẩn về kho báu xưa cũng bị chôn vùi vào lớp bụi của thời gian. Những tin đồn ma mị nay cũng không còn được nhắc đến.

1 bình luận về “Bí ẩn về kho báu của quân Nhật tại Sài Gòn và những câu chuyện ly kỳ xoay quanh kho báu ấy”

  1. đã là tin đồn mà còn viết như đúng rồi. Đúng là: chính tai nghe lời kể của một người chính tai nghe người ta..đồn, không có dẫn chứng tư liệu hoặc nhân chứng gì ráo vì chắc lúc đó người viết chưa ra đời! Nên tìm hiểu coi 18 tấn vàng mà VNCH bỏ lại hồi 75 thì tụi Vi xi đã đem đi đâu, chia chác ra sao, và tên đầu sỏ nào ôm nhiều nhất..Coi bộ sẽ có nhiều người thích thú muốn biết hơn..Và chắc còn nhiều nhân chứng là cựu nhân viên của chúng vẫn còn sống đâu đó mà không dám mở miệng kẻo chết oan..

    Trả lời

Viết một bình luận