Giai thoại về Đại thi hào Nguyễn Du – Một người “thương đời” mà “không cứu được đời”

Theo bảng gia phả của dòng họ Nguyễn lưu lại tại huyện Nghi Xuân – Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (nếu tính theo dương lịch tức là ngày 3 tháng 1 năm 1766; tuy nhiên điều này cũng không xác thực bởi lẽ có một vài tư liệu lại ghi là năm 1765) tại làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. 

Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), làm quan đến chức Đại Tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận công. Còn mẹ là bà Trần Thị Tần – con gái một người làm chức Câu kế và bà Tần cũng là người vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm (kém chồng 32 tuổi, sinh được 5 con, bốn trai và một gái).

Khi Nguyễn Du vừa tròn một tuổi (tức là năm Đinh Hợi – 1767) thì cha ông – cũng là Nguyễn Nghiễm được thăng đến chức Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận công nên tại thời điểm đó có thể nói Nguyễn Du có một cuộc sống “nhung lụa, giàu sang phú quý”. Nhưng niềm vui kéo dài không lâu khi Nguyễn Nghiễm được sung chức Tể tướng cùng với Hoàng Ngũ Phúc đảm nhận nhiệm vụ mang quân vào Đàng Trong đánh chúa Nguyễn năm Giáp Ngọ (1774). Cũng bắt đầu từ đó mà Nguyễn Du liên tiếp đối mặt với nhiều sự mất mát liền kề. Năm 13 tuổi, Nguyễn Du chịu nhiều mất mát khi mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông phải ở với người anh khác mẹ là Nguyễn Khản (hơn ông 31 tuổi). 

Thời niên thiếu, Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường (Sinh đồ) khi chỉ mới 18 tuổi. Ông lấy vợ là con gái của ông Đoàn Nguyễn Thục và được tập ấm chức Chánh Thủ hiệu quân hùng hậu hiệu, chỉ huy đội quân hùng mạnh nhất Thái Nguyên của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên cùng Nguyễn Đăng Tiến, làm quyền Trấn thủ Thái Nguyên thay mặt Nguyễn Khản.

Giai thoại về đại thi hào Nguyễn Du

Cha mẹ lần lượt qua đời khi Nguyễn Du còn nhỏ nên ông được anh trai Nguyễn Khản gửi sang tận Gia Lâm, theo học ở một nhà thầy đồ có tiếng vùng đó. Chiêu Bảy (cũng tức là Nguyễn Du) hằng ngày vẫn bình thản lên đò sang sông Nhị Hà để tầm sư học đạo và cũng nhờ thế mà mối tình đầu tiên của ông “nở hoa” – Nguyễn Du trao gửi tình cảm cho một cô gái lái đò ngang tên là Đỗ Thị Nhợt (có tài liệu lại ghi là Đỗ Thị Nhật). Nhợt vốn là một cô gái nông thông tay trần chân đất, suốt ngày mặc tấm áo nâu sòng “phơi nắng phơi mưa” chèo đò đưa người sang sông, nhưng “trong mắt người tình hóa Tây Thi”, với Chiêu Bảy thì Nhợt lại là một “tuyệt sắc giai nhân” vô cùng duyên dáng lại thêm phần thông minh và sắc sảo. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, do đó, câu chuyện tình cứ thế mà phát sinh.

Có một hôm đò vắng người sang sông nên cô Nhợt có chút chần chừ chưa muốn sang bến, còn cậu học trò Chiêu Bảy thì lại lắng lo chậm buổi học nên đành trổ chút “tài mọn” mà ứng tác vài câu để gửi lời cầu cứu đến cô lái đò: 

“Cô ơi, chèo chống tôi sang

Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra

Còn nhiều qua lại, lại qua

Giúp cho nhau nữa, để mà…”

Chiêu Bảy lại cố tình bỏ lửng câu thơ, ngập ngừng với ý muốn thăm dò ý tứ cùng thái độ của đối phương. Nghe thế, cô Nhọt cũng thoáng giật mình và một chút ngỡ ngàng, không ngờ một chàng công tử sang trọng cùng vẻ ngoài khôi ngô lại có thể vừa ý một cô gái thôn quê “tay lắm chân bùn” nhưng sau đó cô cũng nhẹ nhàng hỏi lại: “Cậu đã đọc hết đâu? Sao nữa cậu?”.

Cậu học trò Chiêu Bảy nghe vậy liền đỏ mặt, tía tai nhưng vẫn giả vờ ngây thơ không hiểu mà hỏi lại: “Còn hai chữ nữa, muốn cô gợi cho”. Lúc này, cô gái lái đò Nhợt đã có chút lúng túng và ngượng ngùng nhưng cũng giả vờ như không nhìn thấy người con trai ấy, cứ bình thản vừa nói vừa nhấc mạnh tay chèo: “Thưa cậu, vậy thì cứ nói thẳng ra hai chữ quen nhau có được không ạ?”

Tại thời điểm nghe hai “quen nhau”, Chiêu Bảy đã thực sự cảm kích bởi một cô gái bình dị lái đò đưa khách sang sông  nhưng lại giữ cho mình một tâm hồn thi ca đầy lãng mạn như thế, và cũng từ đó mà sự cảm mến của cậu dành cho cô cũng ngày một nhiều, một đậm sâu. Bắt đầu từ lần ngẫu hứng, chỉ đôi ba ngày sau, đôi trai tài gái sắc ấy đã chủ động chuyển hai từ “quen nhau” thành “thương nhau”. Rồi lại một buổi chiều vắng khách, trên chuyến đò từ Gia Lâm trở về, cậu Chiêu Bảy ngồi trên chuyến đò nhẹ lướt nước trên sông và chỉ hai người. Cảnh nước mênh mang đầy tình ý, cậu học trò Bảy đắm chìm trước vẻ đẹp của người thiếu nữ, cậu lẳng lặng mà ngắm nhìn dáng hình thon thả và yểu điệu cùng với đôi tay khua mái chèo nhịp nhàng, uyển chuyển của cô Nhợt.

Tượng Nguyễn Du cao 1,5 m làm bằng đồng, khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông tại Khu di tích Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.

Dường như là linh tính mách bảo nên cô lái đò chủ động cất tiếng nhỏ nhẹ: Hôm nay có thể đổi chữ quen thành chữ khác được rồi đấy cậu Chiêu ạ”. Cậu Chiêu Bảy nghe thế thì quá đỗi vui mừng, đứng bật thẳng người dậy mà nói lên những câu tình tứ: “Ấy, muốn đổi được là nhờ cô Nhợt thôi”. Cô Nhợt lại giả vờ như không nghe thấy, tay vẫn thả đều tay chèo sau đó buông nhẹ để đò tự trôi êm theo dòng nước, còn cô thì nói dồn dập trong hơi thở: “Ta đổi chữ quen, chữ thương thành chữ yêu được không anh, à… cậu Chiêu?”. Nói xong, cô ngước nhìn cậu Chiêu và đón nhận ngay một ánh nhìn say đắm đến từ người con trai khôi ngô, thế là họ chính thức yêu nhau từ đó. Có tình yêu vào con người cũng trở nên hăng hái hẳn, cậu Chiêu Bảy ngày càng say sưa và chăm chỉ học tập, hồn thơ trong cậu cũng ngày một lai láng. 

Nhưng chuyện đời đâu phải cổ tích, câu chuyện tình yêu của một công tử con nhà Tế tường cùng cô gái ái đò nghèo khó bần hàn làm sao vượt qua được những định kiến cùng lễ tục. Những tưởng đôi trẻ sẽ có được một cái kết đẹp bên nhau nhưng không ngờ câu chuyện tình yêu đầy diệu kỳ ấy lại được truyền đến tai của gia đình Nguyễn Du và cũng từ đây bi kịch bắt đầu tiếp diễn. Quan niệm “môn đăng hộ đối” không cho phép cậu con trai nhà quan Tể tướng sánh duyên cùng cô gái nghèo lái đò, vậy nên khi chuyện này đến tai Nguyễn Khản – ông cho rằng em trai đang xúc phạm đến danh giá của gia tộc, nên ông đã chọn xử sự một cách cứng rắn và đầy quyết liệt. 

Nguyễn Khản sai người đến giáp mặt cùng thân phụ của cô Nhợt để quở mắng. Còn về phần em trai mình, ông lại tiếp tục gửi Nguyễn Du lên một khu biệt lập với kinh đô Thăng Long và sông Nhị Hà, nơi đó là Thái Nguyên và nhờ một người dưỡng phụ họ Hà của cậu Chiêu chăm sóc. Đứng trước sự kiên quyết cùng cứng rắn của “quyền huynh thế phụ”, cậu Chiêu Bảy chẳng thể làm gì ngoài việc ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt. Phép nhà đã xong, còn lệ làng cũng chẳng thể nào chấp nhận chuyện cô lái đò mà dám “vọng tưởng” chòng ghẹo con quan. Thế là, đò ngang bị cách chức dịch, thay người chèo chóng trong làng. Không ít lâu sau đó, cô Nhợt cũng bị ép lấy chồng – một người không thương. 

Tranh sơn dầu về nhân vật Thúy Kiều được treo tại khuôn viên khu di tích Nguyễn Du trong dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 ngày mất.

Từ Thái Nguyên trở về Thăng Long, Nguyễn Du lặng người ngắm nhìn cảnh bến sông xưa, đò cũ vẫn còn nhưng người lái đò năm nào đã được thay thành một bác nông dân có tuổi, chứ chẳng phải là cô thiếu nữ năm nào. Mối tình đầu cứ thế tan vỡ, nên ông chỉ đành cất lên những lời thơ đầy chua xót: 

“Yêu nhau những muốn gần nhau

Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười

Vì đâu cách trở đôi nơi

Bến nay còn đó, nào người năm xưa

Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò thuở xưa

Cây đa bến cũ còn lưa

Con người năm ngoái năm xưa đâu rồi?”

Từ giai thoại nhỏ ở trên, ta phần nào thấy được Nguyễn Du chính là một địa thi hào – cũng là một người nghệ sĩ có tâm hồn thanh cao và đầy lãng mạn. Tư tưởng, tình cảm, tài năng nghệ thuật xuyên suốt các tác phẩm của ông và thể hiện rõ nhất qua kiệt tác Truyện Kiều. Và cũng chính mối tình đầu dang dở đó mà Nguyễn Du bắt đầu nghĩ suy về số phận của những người hèn trong xã hội. Kể cả trong những tập thơ văn chữ Hán của ông, Nguyễn Du cũng phản ánh rất rõ những dang dở đời tư cùng sự bi ai của mình. Chẳng hiểu sao, những mối tình của ông hầu như đều tan vỡ, những người con gái ông thương yêu đều bị đứt đoạn giữa đường và thời điểm gặp lại họ đều có chồng hay thậm chí họ đã già, tóc đã bạc, tay đã bồng con, ẵm cháu…

Vốn nổi danh thế giới bởi kiệt tác Truyện Kiều nhưng bên cạnh đó, thơ chữ Hán được đại thi hào Nguyễn Du sáng tác xuyên suốt gần 30 năm cũng khắc họa bức tranh cuộc đời và tâm tư của một nhà thơ sống trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Thế sự rối ren cùng những số phận chìm nổi trong xã hội, những tản thơ chữ Hán của Nguyễn Du phần nào bộ lộ sự sâu kín trong tâm tư, tình cảm của một con người “thương đời” mà không “cứu được đời”. Có lẽ, chính điều này đã góp phần làm rạng danh tên tuổi của vị đại thi hào ấy. 

1 bình luận về “Giai thoại về Đại thi hào Nguyễn Du – Một người “thương đời” mà “không cứu được đời””

Viết một bình luận