Nguyễn Công Trứ – Nhà chính trị thời Nguyễn cùng những giai thoại “Ngông thấu trời xanh”

Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, bật về việc khai hoang, mộ dân ở trung châu miền Bắc Việt Nam, và lập nhiều chiến công trong việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống triều đình và trong Chiến tranh Việt–Xiêm (1841–1845). Không những thế, ông còn được biết đến là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người nhưng có lối sống tự do và không bị gò bó chốn quan trường.

Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, sinh ngày mồng 1, tháng 11, năm Mậu Tuất (tức ngày 19 tháng 12 năm 1778) tại tại huyện lỵ Quỳnh Côi, phủ Thái Bình. Thân phụ là Ðức Ngạn Hầu Nguyễn Công Tuấn quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tri phủ Tiên Hưng – Thái Bình, thân mẫu là Nguyễn Thị Phan, con gái quan Quản nội thị tược Cảnh Nhạc Bá dưới triều vua Lê –  chúa Trịnh. 

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó, nhưng ngay từ bé Củng đã nuôi ý tưởng làm nên nghiệp lớn và dõng dạc tuyên bố: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Đến đầu nhà Nguyễn sau bao lần lận đận “lều chõng”, mãi đến năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu giải nguyên (1820–1847) và được bổ đi làm quan. Là một người văn võ song toàn nhưng cuộc đời ông lại mang theo những nốt thăng trầm trong sự nghiệp. Được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, có khi là tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền 3-4 cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú….

Theo các nhà nghiên cứu, từ nhỏ ông nổi tiếng học giỏi, hay thơ văn, tính cách phóng khoáng. Trong sách Đại Nam liệt truyện, Tập 3, Truyện các quan có nhận xét về ông: 

“Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật; đến nay hãy còn truyền tụng. Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi được cất nhắc lên ngay; tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập được công chiến trận. Buổi đầu Trứ lĩnh chức doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thuỷ, trải sơn 10 năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật. Đến người ta, phần nhiều tưởng đến phong độ khí thái của ông. Sau khi Trứ mất, các huyện ấp do ông lập ra đều đựng đền để thờ.”

Thông minh từ nhỏ

Theo nhiều giai thoại tương truyền, ngay từ khi lọt lòng, Củng đã tỏ ra ngang bướng bằng cách không chịu mở mắt và khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác dù nhà đã làm mọi cách để “dụ dỗ”. Đến khi người lớn đã mệt mỏi rã rời, lắc đầu ngao ngán và gần như buông xuôi thì cậu bé mới oa oa cất tiếng khóc đầu đời, vang vọng như tiếng chuông đồng. 

Từ nhỏ, Củng đã nổi tiếng học giỏi, hay thơ văn, tính cách phóng khoáng nhưng lại tinh nghịch, lém lỉnh và được mệnh danh là “thần đồng”. Cậu bé Củng luôn làm cho người khác phải ngạc nhiên và cảm thấy thú vị với tài trí hơn người của mình, vốn kiến thức của Củng rất rộng, đọc nhiều nhớ nhiều lại hiểu nhiều nên khi đối đáp với người khác rất trơn trãi

Năm 10 tuổi, Củng theo cha trở lại Hà Tĩnh (quê nội), thuở ấy, trong làng có một ông gọi là Đồ Trung vô cùng tốt bụng, ông đã bỏ tiền ra mời thầy đồ về nuôi trong nhà để đám trẻ trong làng có thể tới học và trong đó có cả Củng. Một hôm, khi cả lớp đang học tập rất yên tĩnh thì bất chợt chủ nhà đi vào và xin thầy đồ được phép ra một vế đối. Thầy đồ đương nhiên đồng ý và Đồ Trung đã nói: “Ta có câu đối này, trò nào đối hay và nhanh sẽ được thưởng một quan tiền”.

Sau đó, ông chỉ tay về hướng cây đại thụ ngoài vườn và dõng dạc câu đối: “Ngoài vườn cây đại nở hoa đại”. Các học trò ngơ ngác mà mắt đối mắt nhìn nhau, dù rất muốn có tiền nhưng lại chẳng có ai tìm ra được vế đối. Thấy cả lớp cứ mãi im lặng, không nhịn được nên thầy đồ lên tiếng thúc giục bọn trẻ và cũng chỉ có cậu bé Củng là đứng ra ngập ngừng nói: “Thưa, con sợ bị quở phạt ạ”.

Đồ Trung tỏ ra rộng lượng mà mở miệng khuyến khích cậu học trò nhỏ: “Trò cứ đối, nếu hay thì ta sẽ thưởng cho, còn nếu có điều gì sơ suất thì ta và thầy cũng không bắt lỗi trò đâu”. Có được lời đáp, cậu bé Củng đã chẳng còn ngại ngần chi mà nghiêm chỉnh trả lời vế đối: “Trong buồng ông Trung ấp bà Trung”. Vế đối hiển nhiên là rất chuẩn: “trong” đối với “ngoài”, “đại” đối với “trung”, “nở” đối với “ấp”, nhưng vế đáp lại khiến Đồ Trung đỏ mặt tía tai nhưng chẳng nói được gì ngoài im lặng. Còn thầy trò trong lớp thì được trận cười nghiêng ngả và trò Củng đã nhận được một quan tiền như lời đã định.

Thời còn trẻ, Nguyễn Công Trứ nổi tiếng là tinh nghịch, hay lảng vảng nơi miếu long thần, thổ địa để chơi đùa và vẽ bậy. Có khi lại bê cả những đồ cúng trong đền miếu ra đánh chén, khiến cho thủ từ nghi hoặc nhưng cũng không dám kêu ca điều gì. Có một buổi tối, khi Nguyễn Công Trứ lẻn vào miếu thờ trộm rượu thịt đến say khướt, sau đó lại nâng chén ghé miệng thần. Nhưng thấy pho tượng cứ yên không động đậy, Củng tức giận vật ngửa tượng ra mà đổ rượu vào, thậm chí còn đánh cho vài bạt tay mới lon ton bỏ về. Đến sáng tỉnh dậy, chắc là do thấy hối hận hay suy nghĩ gì đó mà tự thân làm một bài thơ rồi đem ra miếu dán để tạ lỗi cùng long thần: 

“Hôm qua trời tối tới chơi đây

Ðánh phải long thần mấy cẳng tay

Khi tỉnh thời nào ai có dám

Say!”

Lúc này, ông từ mới vỡ lẽ, nhưng đứng trước câu từ sắc sảo của người học trò nhỏ lại hài hước nên chỉ đành bật cười thành tiếng, răn đe vài câu qua loa chứ chẳng bắt vạ. 

Trong một lần khác, nơi một ngôi chùa trong làng Uy Viễn, có một vị sư nổi tiếng học rộng tài cao nhưng lại kiêu ngạo và hiếu thắng. Sư tự cho mình là tài giỏi nhất thiên hạ, không người sánh bằng, thậm chí khinh thường cả Củng – vốn nổi tiếng thần đồng khắp vùng. Vậy nên, vị sư này đã khắp nơi tìm gặp Củng để thử tài cao thấp. Nhân một hôm rảnh rỗi khi từ tỉnh thành xa có chuyến về thăm nhà, sẵn tiện Củng tìm đến chùa nọ chơi, Đến nơi, thấy sân vắng bóng người, còn bản thân lại đang khát nước nên Củng đi thẳng vào bếp để tìm nước uống, lúc này lại bắt gặp vị sư trụ trì đang lúi húi làm việc. Thấy Củng là người lạ lại ngang nhiên như thế nên vị sư buông hẳn một câu không mấy hiếu khách: “Khách khứa kể chi ông núc bếp”.

Ngó tới ngó lui thấy trong bếp đặt một cái vại bằng sành dùng để muối dưa cà, Củng liền ứng đáp lại: “Trai chay mà có vại cà sư”. Câu đối vốn chỉ là cách nói vô tình, nhưng vị sư nọ lại cho rằng Củng đang cố ý châm biếm mình có tư tình cùng bà vãi, nên nhanh chóng chắp tay nhìn tượng Phật mà đọc liền mấy câu niệm mong thanh minh cho sự đứng đắn của mình: “Xin chứng minh cho, Nam mô A Di Đà Phật”. Lại nhìn thấy cái kiềng trên bếp, Củng cất tiếng đối ngay: “Có giám sát đó, Đông Trù Tư­ mệnh Táo quân”. Đông trù Tư ­mệnh Táo quân được coi là thần trong bếp, nắm giữ bản mệnh của gia chủ. Một bên thì nhờ Phật minh chứng, một bên thì mời thần chứng thực, quả là một vế đối hay, lại “Đông” đối với “Nam”, “Quân” đối với “Phật” thì rất chi là tài tình.

Nghe đến đây, vị sư vừa tức lai vừa hoảng khi gặp phải đối thủ, tuổi đời trẻ nhưng tài trí lại thông tuệ. Thấy vậy, liền hạ một đại chiêu cuối cùng, vừa vỗ ngực vừa hâm dọa: “Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần nhưng khác tục”. Củng nhanh chóng đáp ngay mà chẳng chần chừ chút nào: “Hay tám vạn tư­ mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người”. Cuối cùng, vị sư đành chấp nhận thua cuộc, cùng từ đó mà không còn dám ngạo nghễ khinh người. 

Chưa dừng ở đó, có người còn kể lại rằng, khi đắc thắng, Củng quay bước ra về nhưng vừa đến giữa sân thì bị hai con chó nhà chùa xổ ra cắn.May mắn thay khi có một chú tiểu ra ngăn lại, Củng dừng lại nhìn quanh mà ngâm nga rằng: “Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá / Còn hai con chó chửa từ bi”.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, Ninh Bình

Cao ngạo cả khi về già

Gần 30 năm tuổi đời dành hết cho chốn quan trường, Nguyễn Công Trứ đã không ít lần dâng tấu chương xin nghỉ hưu, rời chốn này nhưng vua không chuẩn. Mãi đến tuổi thất thập, Nguyễn Công trứ lần nữa dâng sớ, lúc bấy giờ vua Tự Đức mới lên ngôi nên đã phê duyệt cho ông nghỉ với chức quan Phủ doãn Thừa Thiên. Nhận được “sổ hưu” cùng 170 quan tiền, Nguyễn Công Trứ vui như mở hội, ông liền rầm rộ cho tổ chức ngay một buổi tiệc long trọng để chia tay bạn bè cùng đồng liêu trên dưới. Gia nhân tấp nập mượn nhà, mua sắm lễ vật, cơm rượu đề huề và thật nhiều chó, những 40 con chó đủ loại sắc thể.

Quan khách đến tham dự, từ đằng xa đã ngửi thấy mùi cầy thơm lừng, người người rì rầm to nhỏ cùng nhau: “Ôi, thịt chó nhiều quá”. Chỉ chờ có thế, cụ Thượng Trứ nhanh chóng đứng lên, vừa vuốt râu vừa chỉ khắp nhà mà dõng dạc đáp rằng: “Dạ thưa, đúng như vậy đấy ạ. Đúng là trên dưới, trong ngoài, lớn bé, tất cả đều là chó hết cả ạ”.

Cuộc sống về hưu của cụ Thượng Trứ không dừng ở làng Uy Viễn mà chọn vị trí cạnh một ngôi chùa trên núi Cảm Sơn (thuộc xã Đại Nại, gần Hà Tĩnh bây giờ), ngày ngày cưỡi bò, cưỡi ngựa vui chơi đó đây. 

Người đời truyền tai nhau, vì để răn dạy và dè diễu những kẻ hay luận chuyện thị phi, đàm tiếu những điều ganh ghét nên cụ Trứ đã viết một bài thơ lên chiếc mo cau rồi cột sau đít bò: 

“Miệng thế khó đem b­ưng nó lại

Lòng mình chưa dễ bóc ai coi”.

Thiên hạ thấy vậy lại được dịp mà bàn tán, người nói cụ chán đời, kẻ cho rằng cụ ngạo thế. Nhưng riêng cụ lại chỉ ngất ngưởng mà cười, ngày ngày vẫn nghêu ngao thi phú, vui chơi bất tận chẳng còn điều bận lòng. 

Viết một bình luận