Vua Duy Tân – Vị vua trẻ lên ngôi năm 7 tuổi cùng câu nói chấn động cả trăm năm: Nước dơ thì phải lấy máu mà rửa

“Khi tay dơ thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?”

“Nước dơ thì phải lấy máu mà rửa”

Đó là câu nói chấn động trăm năm của vị quân vương 15 tuổi – Vua Duy Tân. Vị hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn, lên ngôi năm 8 tuổi (từ năm 1907 đến năm 1916), sau vua Thành Thái.

Vua Duy Tân lên ngôi năm 7 tuổi. Bị chính quyền thuộc địa Pháp đưa đi đày ở đảo Réunion trong vùng biển Ấn Độ Dương năm 1916 (lúc được 18 tuổi).

Ông vua 8 tuổi

Tháng 7/1885, kinh đô Huế thất thủ, quyền hành của triều Nguyễn mất hết vào tay thực dân Pháp. Tháng 9/1886, Pháp ép triều Nguyễn tách Bắc kỳ nhập vào nước Pháp như Nam kỳ trước đó. Nước An Nam của vua Nguyễn chỉ còn ở Trung kỳ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

Tháng 7/1887, vua Đồng Khánh buộc phải chấp nhận Nam triều trở thành cơ quan thừa hành mệnh lệnh của Pháp. Pháp lập ra quan khâm sứ Trung kỳ – một chức vụ như đại sứ của nước Pháp nhưng lại điều hành các hoạt động của triều đình An Nam.

Từ năm 1897, dưới thời vua Thành Thái, các văn bản của vua đều phải được quan khâm sứ Trung kỳ hoặc quan toàn quyền Đông Dương của Pháp chuẩn y mới được ban hành. Đến năm 1898, người Pháp kiểm soát luôn cả tài chính và trả lương tháng cho vua quan triều Nguyễn như viên chức làm thuê cho họ.

Những thông tin này được tham khảo từ sách Việt Nam thời Pháp đô hộ của nhà sử học Nguyễn Thế Anh (giáo sư Đại học Sorbonne, Pháp). Phẫn uất với sự toàn quyền này, vua Thành Thái tỏ thái độ phản đối và tìm cách chống lại Pháp. Vì vậy, người Pháp cho rằng vua bị bệnh điên rồi quản thúc vua ở ngay trong Tử cấm thành – nơi vua sống và làm việc, đồng thời tìm người thay thế vua.

Vua Thành Thái có nhiều con trai, đáng lẽ phải chọn người con trưởng kế vị, nhưng người Pháp sợ một vị vua trưởng thành khó sai khiến nên họ muốn tìm chọn một người nhỏ tuổi. Khi Khâm sứ Fernand Ernest Lévecque cầm danh sách các hoàng tử con vua Thành Thái vào hoàng cung chọn vua, lúc điểm danh thì thiếu mất Vĩnh San. Triều đình cho người đi tìm thì thấy Vĩnh San đang trốn dưới gầm giường, mặt mày lem luốc. Khi tra hỏi thì Vĩnh San nói: “Ta đang tìm con dế vừa mới xổng”. Vì sợ bị quở phạt, người lính đi tìm Vĩnh San không đưa ông đi tắm rửa mà đưa thẳng ra trình diện quan Pháp. Người Pháp trông thấy đồng ý ngay vì họ thấy Vĩnh San có vẻ nhút nhát và đần độn. Triều đình thấy vua quá nhỏ nên xin tăng thêm một tuổi thành 8. Họ cũng đặt niên hiệu cho Vĩnh San là Duy Tân, như muốn hướng tới sự nghiệp không thành của vua Thành Thái.

Vua Duy Tân
Hoàng đế Duy Tân, vua xứ Annam, lên ngôi năm 8 tuổi

Sự thay đổi sững sờ

PGS.TS Hoàng Văn Hiển (Trường đại học Khoa học Huế), tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về vua Duy Tân, cho biết ngay trong buổi chiều diễn ra lễ đăng quang, Vĩnh San đã trở thành một con người khác hẳn. Ông vua trẻ con không còn một sự nhút nhát nào mà thay vào đó là một thái độ chững chạc như người lớn.

Lễ đăng quang của vua Duy Tân 8 tuổi, ngày 5 tháng 9 năm 1907. Hình chụp trên sân điện Cần Chánh.

“Một ngày trên ngai vàng đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một cậu bé lên 8!” – một nhà báo Pháp đã thốt lên như thế. Những ngày sau đó, vị vua 8 tuổi này đã nói chuyện với quan toàn quyền và khâm sứ bằng tiếng Pháp lưu loát, đôi khi còn đưa ra những câu nói với giọng điệu trịch thượng, đúng khẩu khí của một vị quân vương.

Lễ đăng quang của vua Duy Tân 8 tuổi, ngày 5 tháng 9 năm 1907. Hình chụp trên sân điện Cần Chánh.

Theo nhà báo Pháp Roland Dorgelès, sự thay đổi kỳ lạ của vị hoàng đế 8 tuổi này như thể “một linh hồn khác đã nhập vào thể xác nhỏ bé ấy”.

Vua Duy Tân trong triều phục

Điều đáng nói là ông vua 8 tuổi này lại chọn niên hiệu cho mình là Duy Tân, có nghĩa là canh tân, đổi mới. Trong lúc này ở Trung kỳ và Bắc kỳ đang có phong trào Duy Tân do các sĩ phu và trí thức yêu nước phát động rầm rộ nhằm khai trí cho dân Việt. Điều đó càng khiến người Pháp rất lấy làm tiếc vì đã “chọn nhầm người”.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hiển, người Pháp đã “sửa sai” bằng cách thành lập Phủ phụ chính của triều đình với sáu ông quan đại thần nhưng lại do quan khâm sứ Trung kỳ (người Pháp) chủ tọa.

Họ đưa ông thầy người Pháp (gốc Đức) là tiến sĩ Ébérhard đến dạy học cho vua, để uốn nắn vua theo Pháp và kiểm soát mọi suy nghĩ, hành động của vua. Đồng thời cho xây dựng một nhà an dưỡng (gọi là hành cung Thừa lương) tại bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị), rồi đưa vua ra đó để học hành và vui chơi nhằm cách ly vua với triều đình.

Tình hình ngày càng căng thẳng khi ông vua trẻ mỗi ngày mỗi “cứng đầu” trong khi người Pháp lại lộng quyền hơn. Sau vụ đào bới tìm kho báu ở lăng Tự Đức vào cuối năm 1912, vua Duy Tân lúc đó mới 12 tuổi đã phản ứng mạnh mẽ khiến toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut phải yêu cầu dừng lại. Thế nhưng sau đó, người Pháp vẫn tiếp tục làm tiếp hai cuộc đào bới khác trong năm 1915.

Ngày 16-8-1915, khâm sứ Trung kỳ Charles cho khai quật để tìm kho báu ngay trong hoàng cung khi vua Duy Tân đang ở Cửa Tùng. Vua rất tức giận và quở mắng các vị quan thượng thư đã không dám can ngăn việc này. Nhưng đến ngày 7/10/1915, khâm sứ Charles vẫn tiếp tục cho đào tìm kho báu ở lăng vua Tự Đức, ngay khi vua Duy Tân đang ở hoàng cung. Nhà vua phản ứng gay gắt với khâm sứ Charles rằng đó là một việc làm điên rồ.

Annam Hoàng-đế Duy-Tân cùng các quan Đại-Pháp và Nam-triều tại bến-cảng năm 1912

“Ông ta nói rằng mình sinh ra là để chỉ huy chứ không để phục tùng” – khâm sứ Trung kỳ Charles báo cáo với toàn quyền Đông Dương. Những thông tin này, theo Nguyễn Trương Đàn, được ghi trong một tài liệu đánh số 209 (14) thuộc bộ hồ sơ số 9588 trong thư mục Toàn quyền Đông Dương nói trên.

Cũng theo Nguyễn Trương Đàn, vào tháng 11/1915, nhà vua đã triệu tập các quan đại thần yêu cầu xem xét lại hiệp ước mà triều đình đã ký với Pháp năm Giáp Thân 1884 (còn gọi là hiệp ước Patenôtre), và buộc các quan phải ký vào văn bản đòi sửa đổi hiệp ước gửi cho Tòa khâm sứ Trung kỳ. Các vị thượng thư hoảng sợ và không thực hiện yêu cầu này. Từ đó, vua lạnh nhạt với cả triều thần.

Phủ phụ chánh triều vua Duy Tân
Hình chụp trong khoảng 1907-1909. Từ trái qua:
1. Tôn Thất Hân (1854-1944) thượng thư bộ Hình,
2. Nguyễn Hữu Bài (1863-1935) thượng thư bộ Công,
3. Huỳnh Côn (1850-1925) thượng thư bộ Hộ,
4. An Thành vương Miên Lịch (1841-1919) con trai thứ 78 của vua Minh Mạng (phụ chánh thân thần),
5. Lê Trinh (1850-1909) thượng thư bộ Lễ,
6. Cao Xuân Dục (1843-1923) thượng thư bộ Học.

Vào mùa hè, vua Duy Tân ra biển Cửa Tùng nghỉ mát. Một hôm, ông vua thiếu niên từ bãi tắm chạy lên với hai bàn tay lấm lem đất cát. Quan thị vệ mang thau nước đến cho vua rửa tay. Vua hỏi: tay bẩn thì lấy nước để rửa, rứa nước bẩn lấy chi mà rửa? Ông quan thị vệ hoảng hốt, không biết trả lời thế nào. Vua liền nhấn giọng: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!”.

“Tính xấu” đó của vị vua trẻ này chính là: chống Pháp!

Năm 15 tuổi, dưới sự thúc ép của các bà mẹ, nhà vua đồng ý nạp phi (lấy vợ).

Người được nhà vua chọn là con của quan đại thần Hồ Đắc Trung. Sau đó, không hiểu lí do gì nhà vua trả lời không cưới bà. Sau này bà lại về làm vợ vua Khải Định, tức Ân Phi Hồ Thị Chỉ (phu nhân Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là cháu gọi bà là cô ruột). Trong hồi kí “Đường thiền sen nở”, Sư Bà Diệu Không, em gái của Ân Phi Hồ Thị Chỉ cho biết ngài có gọi riêng đại thần Hồ Đắc Trung nói lí do rằng ngài lo cho gia đình quan đại thần. Sau đó ngài nạp phi là Mai Thị Vàng, con gái thầy dạy mình là cụ Mai Khắc Đôn, tuần vũ Quảng Trị. Sau khởi nghĩa thất bại, nhà vua bị đi đày, bà có đi theo. Sang nơi lưu đày, không hợp thủy thổ bà bị sảy thai và bệnh liên miên.

Vua Duy Tân khoảng năm 16 tuổi (1916)

Nhà vua viết giấy gửi hoàng tộc để bà đi lấy chồng nhưng bà vẫn quyết ở vậy để trọn lời thề với ngài. Hàng ngày bà thường ngâm câu thơ: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ cho cụ Lê Văn Hiến mang mấy xấp lụa tặng bà. Bà sống ở Huế và mất năm 1980.

Khi ấy, từ sau thoái trào của phong trào Cần Vương, phong trào chống Pháp bắt đầu dâng cao khắp Việt Nam. Tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu thành lập từ 1912 tìm cách móc nối với nhà vua. Hai lãnh đạo của hội là Trần Cao Vân và Thái Phiên đã bỏ tiền vận động người tài xế riêng của vua Duy Tân xin thôi việc. Thay vào đó là Phạm Hữu Khánh, một thành viên của hội. Tháng 4 năm 1916, khi vua Duy Tân ra bãi tắm Cửa Tùng nghỉ mát, Phạm Hữu Khánh có đưa cho vua một bức thư của hai lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên.

Vua Duy Tân (năm 30 tuổi)

Duy Tân đọc thư và muốn gặp hai người này. Ngày hôm sau, ba người cùng đến câu cá ở Hậu hồ, vua Duy Tân đồng ý cùng tham gia khởi nghĩa. Khởi nghĩa dự định được tổ chức vào 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5. Cuối tháng 4, thông tin khởi nghĩa bị bại lộ nên thực dân Pháp đã ra lệnh phong tỏa, thu hết các súng của người Việt và cấm trại không cho một người lính Việt nào ra ngoài. Đêm 2-5, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa thuyền đến bến Thương Bạc đón vua. Nhà vua cải trang giống dân thường. Các lãnh tụ khởi nghĩa đưa vua tới làng Hà Trung, lên nhà một hội viên Việt Nam Quang Phục hội để chờ giờ phát lệnh bằng súng thần công ở Huế.

Chờ đến ba giờ sáng vẫn không nghe hiệu lệnh, biết đã thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa vua Duy Tân tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi nhưng chưa kịp đi thì sáng ngày 6 tháng 5 năm 1916, họ bị bắt. Khi bị bắt, thực dân Pháp cố nài nhà vua trở lại ngai vàng nhưng vua không đồng ý và ra điều kiện nếu ngài làm vua phải cho ngài có toàn quyền. Thuyết phục không được nhà vua, thực dân Pháp bắt triều đình Huế phải xử vua và các lãnh tụ khởi nghĩa.

Oái oăm thay, người được giao thảo bản án lại là bố vợ hụt, thượng thư Hồ Đắc Trung. Trước tình cảnh của nhà vua, cụ thượng Hồ Đắc Trung đã giữ đúng lễ quân thần, thảo bản án đổ hết tội cho các cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân và giúp vua khỏi nặng tội. Khi ở trong ngục, các cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân đã gửi cho thượng thư Hồ Đắc Trung một bức thư, trong đó có câu: Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt! Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sinh toàn! Sau đó, thượng thư Hồ Đắc Trung đã làm án đổ hết tội cho 4 người Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Bốn người bị xử chém ở An Hòa. Vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916.

Thông qua giáo sư sử học Nguyễn Thế Anh và PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc đang dạy học ở Pháp, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn (hiện sống tại Đà Nẵng) đã nhận được bản sao lục các tài liệu liên quan đến vua Duy Tân và “cuộc biến loạn ở Trung kỳ 1916” đang cất giữ ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp).

Ông Đàn cho biết đó là ba hộp hồ sơ với hơn 260 tài liệu, thuộc thư mục Toàn quyền Đông Dương, chép đầy đủ diễn biến của vua Duy Tân, triều đình An Nam và hoạt động của người Pháp tại Trung kỳ thời kỳ này.

Các ghi chép của người Pháp trong tài liệu cho thấy vị vua thiếu niên này mạnh mẽ khác hẳn với người bình thường cùng lứa tuổi. “Ông ta muốn giữ vai trò người chủ, người lãnh đạo điều hành” – tiến sĩ Ébérhard, ông thầy dạy học kiêm theo dõi vua, đã báo cáo với các quan trên như thế. Quan khâm sứ Trung kỳ thì báo cáo với toàn quyền Đông Dương rằng: “Chúng tôi cũng đã phát hiện ở ông vua trẻ này những tính xấu đáng tiếc của vua cha (tức vua Thành Thái)”. “Tính xấu” đó của vị vua trẻ này chính là: chống Pháp!

Năm 1987, khi hài cốt của nhà vua được đưa từ đảo Réunion về cải táng ở Huế, nhà thơ Nguyễn Duy đã làm bài thơ tưởng niệm thật xúc động “Bao triều vua phế đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!”. Cùng với các vị yêu triều Nguyễn là Hàm Nghi, Thành Thái, vua Duy Tân sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc Việt Nam bởi ngài đã từ bỏ ngai vàng để cùng chịu chung số phận cay đắng với dân tộc mình.

 

 

Viết một bình luận