Danh ca Băng Châu: ‘Người đẹp Tây Đô’ của làng nhạc khiến khán giả nhớ mãi không quên

Nhắc đến danh ca Băng Châu là nhắc đến ca khúc “Qua cơn mê” của Trịnh Lâm Ngân. Bà không phải người hát “Qua cơn mê” đầu tiên nhưng là người đã biến tác phẩm này thành một hiện tượng của thập niên 70: “Một mai qua cơn mê/Xa cuộc đời bềnh bồng/Tôi lại về bên em…”.

Danh ca Băng Châu thời trẻ.

Nghệ danh Băng Châu do chính bà tự đặt, mang nghĩa “Viên ngọc lạnh”. Tên thật của Băng Châu là Xuân Mai. Hồi nhỏ, danh ca Băng Châu từng mong muốn trở thành cô giáo dạy văn, dù rằng bà mê ca hát từ ấu thơ, suốt ngày nghêu ngao hát, nhất là khi nằm trên võng ru em.Nữ nghệ sỹ sinh năm 1950. Bà từng miêu tả hoàn cảnh sống của mình từ nhỏ đến lớn bằng hai tiếng, “trôi nổi”: “Sinh ở Bà Rịa, rồi mới về Trà Ôn học mấy năm cấp 1. Lên trung học đệ nhất thì về “Tây Đô”- Cần Thơ học luôn. Học một thời gian quyết định bỏ lên Sài Gòn đi hát”.

Sau này, ước mơ trở thành cô giáo dạy văn nhòa dần, thay vào đó là ước mơ trở thành ca sỹ. Hồi ở ở Cần Thơ bà đã được nhiều người khen có giọng ca, có sắc vóc. Băng Châu học Anh Văn ở một trường của một giáo sư nổi tiếng. Gia đình giáo sư này lại có quan hệ rộng với giới nghệ sỹ. Những nghệ sỹ nổi tiếng nhất bấy giờ như Thẩm Thúy Hằng, Thanh Tuyền… mỗi khi có dịp về Cần Thơ đều ghé qua gia đình giáo sư. Băng Châu là học trò trong trường được chứng kiến cảnh nghệ sỹ nổi tiếng về Cẩn Thơ bỗng nhen nhóm ước mơ trở thành nghệ sỹ: “Thấy ái mộ quá, nghệ sỹ đẹp quá, nhất là chị Thẩm Thúy Hằng, đẹp như tiên. Nghệ sỹ được đi đây đi đó, lại được bao nhiêu người ái mộ, người ta chạy theo chỉ để được nhìn thấy…”, Băng Châu hồi tưởng trong một talkshow tại hải ngoại hồi cuối năm ngoái.

Có một nhà văn từng ngợi ca nhan sắc Băng Châu: Khuôn mặt gợi cảm, cặp môi đầy đặn… (Ảnh: Internet)

Từ nhỏ nữ nghệ sỹ đã có một sở thích đặc biệt: Thích đi du lịch. Người đẹp suy nghĩ giản đơn: Nếu làm cô giáo thì ít có cơ hội đi đó đi đây. Nhưng nếu thành một ca sỹ thì sẽ thỏa mãn sở thích đi du lịch. Năm 1969, Băng Châu lên Sài Gòn, ở nhà ca sỹ Tuyết Nhung vài tháng để hiện thực hóa ước mơ. Nhưng mọi chuyện có vẻ không dễ dàng nên cô gái trẻ trở về Cần Thơ, dự định đi học tiếp. Song khi trở về Cần Thơ, có những chuyện trong gia đình xảy ra không như ý muốn nên người đẹp trở lại Sài Gòn quyết tâm lập nghiệp. Ca khúc đầu tiên Băng Châu thu đĩa là “Nhớ nhau hoài”, song phải đến “Qua cơn mê” Băng Châu mới trở thành ngôi sao sáng.

“Xa phương trời nào, xin em hiểu/Anh vẫn tôn thờ bóng hình em”, Băng Châu từng là “người thương” của cố ca, nhạc sỹ tài hoa Duy Khánh. (Ảnh: Internet)

Một trong những ca khúc nổi tiếng của ca- nhạc sỹ Duy Khánh chính là “Đêm bơ vơ”. “Bóng hồng” trong ca khúc này chính là Băng Châu. Trong talk show tại hải ngoại, nữ danh ca từng tiết lộ hoàn cảnh sáng tác “Đêm bơ vơ”: “Hồi năm 69 tôi từ Cần Thơ lên Sài Gòn 1,2 tháng. Thời gian đó tôi có dịp gặp nhạc sỹ Duy Khánh, anh ấy đem lòng thương mến tôi. Nhưng rồi tự nhiên tôi bỏ đi mất tiêu. Thế nên trong bài có những câu: “Xuân ơi xuân đã đi rồi/Trời bây giờ, bây giờ là trời đông thôi/Đành lòng sao em/Ra đi không nói một câu/Đành lòng sao em/Gieo sầu gieo tủi cho nhau”. Và câu kết: “Anh xa em như chim xa biệt cây rừng/Mai em về, Mai về Mai nhé em”. Tên thật của Băng Châu là Xuân Mai. Cố nhạc sỹ đã gọi tên người trong mộng trong ca khúc “Đêm bơ vơ”.

Ngoài âm nhạc, bà còn đóng phim. Danh ca Băng Châu đóng với Nguyễn Chánh Tín, bà đã rất háo hức, vì Nguyễn Chánh Tín đẹp trai. Sau năm 75, Băng Châu còn có dịp đóng với Nguyễn Chánh Tín trong bộ phim “Giữa hai làn nước”, rồi họ còn có thời gian đi hát chung, đóng kịch chung. Hai nghệ sỹ từng rất thân nhau ở ngoài đời. Băng Châu gọi Chánh Tính là “Người tình điện ảnh” của bà.

Băng Châu và Nguyễn Chánh Tín trong “Vĩnh biệt tình hè” (Ảnh: Internet)

Băng Châu (sinh năm 1950), tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Mai, là một nữ ca sĩ thuộc dòng nhạc vàng nổi danh từ trước năm 1975. Ngoài ra bà còn là một diễn viên khi tham gia bộ phim Trần Thị Diễm Châu của đạo diễn Lê Dân.

Ca sĩ Băng Châu tên thật là Nguyễn Thị Xuân Mai, sinh năm 1950 ở Bà Rịa, lớn lên ở miền đất Trà Ôn, Cần Thơ. Vốn yêu thích văn chương nên bà muốn lấy tên thật ý nghĩa, từ đó tên “Băng Châu”, nghĩa là “viên ngọc lạnh” ra đời.

Do yêu thích ca hát từ nhỏ nên từ những năm đệ thất, Băng Châu tham gia những lớp đánh đàn, ca hát. Sau đó, bà tham gia hát cho những chiến sĩ rồi quen biết các ca sĩ nổi tiếng. Trong những người bà quen biết có ca sĩ Tuyết Nhung. Nhung thuyết phục Băng Châu lên Sài Gòn để tiếp tục con đường ca hát. Năm 1969, Băng Châu bỏ lớp đệ nhị lên Sài Gòn. Tại đây, Tuyết Nhung dẫn Băng Châu vào đội văn nghệ và gặp được nhiều nhạc sĩ như Duy Khánh, Khánh Băng, Bảo Thu… Bà nhận được sự nâng đỡ của ca nhạc sĩ Duy Khánh trong một thời gian dài.

Một thời gian sau, Băng Châu thu âm bài hát “Qua cơn mê” của Trịnh Lâm Ngân. Bài hát sau đó đưa tên tuổi của bà trở nên nổi tiếng trong nền âm nhạc miền Nam Việt Nam, đồng thời giúp cái tên Băng Châu gắn liền với ca khúc.

Năm 1971, Băng Châu tham gia phim điện ảnh Trần Thị Diễm Châu của đạo diễn Lê Dân,[3] tạo dấu ấn lớn trong nền điện ảnh Sài Gòn.

Trước 1975, Băng Châu được nghệ sĩ Thanh Nga đưa về dạy cải lương và đóng trong một số vở cải lương như “Đưa em về tây hạ”. Sau năm 1975, bà tiếp tục sinh hoạt âm nhạc, đóng phim. Tháng 9 năm 1979, bà sang Hoa Kỳ định cư, hợp tác với nhiều hãng đĩa ở hải ngoại.

Băng Châu sở hữu chất giọng nữ trung cao (Mezzo-soprano) với âm sắc kim pha thủy ngọt ngào, truyền cảm, đậm tính tự sự, quãng giọng của cô trải dài khoảng hai quãng tám từ D3 ( Rê 3 ) đến D5 ( Rê 5 ).

Băng Châu chọn theo lối hát bạch thanh, ít sử dụng kĩ thuật (giống với nhiều nữ ca sĩ đương thời). Với chất thủy có sẵn trong giọng, cô có khả năng chạy note rất tốt và mượt, kết với chất kim mỹ miều tạo cho cô những nốt cao sáng rực rỡ. Mặc khác, khi hai nguyên tố này khi đi chung với nhau cũng đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt triệt tiêu đi nhược điểm của nhau: cái “âm lượng nhỏ”, “thiếu kịch tính” của chất thủy, và cái “chói”, “gắt”, “khan” có trong chất kim. Chung quy lại, những lợi thế trên đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp cho giọng ca “viên ngọc lạnh”.

Khi hát cô thường hát một cách chậm rãi, thủ thỉ, nâng niu ca từ, tựa như là đang tâm sự với một ngưòi thân thương, trầm mặc ở những nốt thấp và dạt dào cảm xúc ở những đoạn cao trào.

Tiếng hát của Băng Châu có màu sắc biến hóa khôn lườn, có lúc thì ngọt ngào, dịu dàng, mộc mạc giống như một người em gái hậu phương, nhưng cũng có khi đau khổ, tỉ tê, oán thán tựa như tiếng lòng của những người chinh phụ có chồng đi chiến dịch.

Nhược điểm của tiếng hát Băng Châu là dàn trải hơi không đều, chủ yếu ở quãng cao và cận cao, do đó âm lượng bị thu nhỏ đáng kể khi hát quãng trung và trầm, khi hát cô còn bị khá dính nhiều “nasal voice” (âm mũi) và “airy voice (âm hơi)”, một điều khá kiêng kị trong thanh nhạc chính quy. Ngoài ra, bởi vì chất giọng có phần quá “sướt mướt”, “trữ tình” nên dễ dàng bị “đàn áp” bởi những ca sĩ có giọng hát “to”, “vang” và “kịch tính” khi đứng chung sân khấu.

Viết một bình luận