Số phận bi đát của một thủ tướng Quốc Gia thân Pháp – Nguyễn Văn Tâm

Nguyễn Văn Tâm (1893 – 1990) là Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam dưới quyền Quốc trưởng Bảo Đại từ tháng 6 năm 1952 đến tháng 12 năm 1953. Ông là người Tây Ninh, nguyên đảng viên Chi bộ Pháp của Quốc tế Công nhân (sau là Đảng Xã hội Pháp).

Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và gia đình tại Dinh Gia Long.

Nguyễn Văn Tâm sinh tại Tây Ninh, xuất thân từ một thầy giáo dạy trường Tây Ninh, sau được chuyển qua ngạch hành chính với chức vụ đốc phủ. Ông có học một năm quản lý hành chính tại Hà Nội, viết và nói tiếng Pháp rất hay và lưu loát.

Trong giai đoạn làm quận trưởng quận Cai Lậy khoảng những năm 1930 và đặc biệt là 1940-1941, khi khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, Nguyễn Văn Tâm tỏ ra cứng rắn đến tàn bạo, thẳng tay đàn áp những người cộng sản cách mạng, nên ông được đặt cho biệt danh “cọp Cai Lậy” hay “hùm xám Cai Lậy”. Tháng 9 năm 1945, sau khi Việt Minh giành lại chính quyền từ tay người Pháp, ông bị tổ chức Thanh niên tiền phong của Việt Minh bắt ở Chợ Đệm, bị chặt ngón tay giữa và bị tống giam. Nhưng sau đó, quân Pháp nổ súng chiếm lại Sài Gòn. Ông Tâm được quân Pháp cứu ra trong một trận tảo thanh do đại tá Massu chỉ huy vào tháng 9 năm 1945.

Gia đình Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm

Ông lại được người Pháp sử dụng và giao cho cai quản quận cũ Cai Lậy. Năm 1950, ông Tâm được trao chức Tổng giám đốc công an Sài Gòn.

Sau đó, ông có mặt trong chính phủ Trần Văn Hữu chuyên trách về bảo vệ an ninh chống cộng.

Ông được bổ làm Thủ hiến Bắc Việt thay ông Nguyễn Hữu Trí của đảng Đại Việt vào tháng 12 năm 1951.

Tháng 6 năm 1952, vì Việt Minh tấn công mạnh ở miền bắc Việt Nam nên Bảo Đại trao quyền thủ tướng cho ông. Tuy nhiên, nội các do ông Tâm thành lập, trừ ông Vũ Hồng Khanh lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng làm bộ trưởng thanh niên và thể thao, số còn lại không được người dân tín nhiệm vì xu hướng thân Pháp quá rõ ràng.

Nội các của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm thời Quốc trưởng Bảo Đại

Giai thoại về bức trướng “Đại điểm quần thần”

Ông Tâm cũng có tiếng về tính cách nguyên tắc đến máy móc. Năm 1938, Mariani là một quan chức người Pháp đi từ Sài Gòn xuống Cai Lậy, xin mượn chiếc ghe gắn máy đuôi tôm để đi thăm ruộng ở kinh Tổng đốc Lộc. 

Thân mật đến mức ông Tâm chìa cho ông Mariani xem bức ảnh của tướng Nguyễn Văn Hinh (con trai ông Tâm) lúc ấy đang theo học tại trường võ bị tại Pháp, nhưng về việc cho mượn ghe máy, mặc dù ông Tâm cũng cùng đi chơi trên ghe này, nhưng ông Tâm vẫn bắt “quan Pháp” phải ký vào biên bản mượn tài sản công. 

Ghe đến một cái làng, trên bờ mấy quan xã nghe “quan lớn” đến, đánh trống chầu nghinh tiếp. Ghe máy không cặp được sát bến, mũi ghe cách bờ sông khoảng một thước. Muốn lên bờ chỉ có hai cách, một là lội sông, hai là nhảy từ ghe lên bờ.Có người đề nghị đỡ ông Tâm lên bờ để an toàn và không phải dơ chân. Ông Tâm từ chối, tự mình từ mũi ghe nhảy lên bờ một cách rất gọn gàng, miệng nói “cậu thấy chưa, tôi có võ mà”.

Ông Tâm cũng sính làm thơ, ngày đầu nhận chức, ông bày ra tiệc, tập hợp các thi sĩ trong quận, tha hồ xướng họa qua lại với nhau. Nào ai ngờ dựa vào ý thơ, ông Tâm nhận diện ra ai là người chống Pháp, thân cộng sản, và rồi ra lệnh bắt giam. 

Nhưng cũng có giai thoại khác rất phổ biến nhằm mai mỉa Nguyễn Văn Tâm là kẻ bán nước và kém văn hóa. Người ta kể, ngày ông Tâm được phong Thủ tướng VNCH, có nhiều người đến tặng quà để bày tỏ tình cảm kết nối tình thân thiết. Trong đó có món quà là một bức trướng gấm viết chữ Hán rất đẹp có 4 bốn chữ “Đại điểm quần thần” sơn son phết vàng. Về nghĩa đen, bốn chữ này thể hiện đúng vị thế ông Tâm là người chức to lớn bậc nhất. Ông Tâm thích lắm, cho treo ở giữa nhà để thiên hạ thấy ông tuy theo Tây học, làm việc cho Tây, nhưng vẫn được người theo Hán học quý trọng. 

Khách khứa đến nhà nhìn thấy tấm trướng ai cũng khen chữ đẹp ý sâu. Mãi sau đó vài năm có người thân cận mách nhỏ với ông Tâm là nên dẹp bức trướng đi vì đó là trò chơi xỏ lá bằng kiểu nói lái của người Nam Bộ. 

Theo nghĩa đen, chữ đại điểm dịch ra tiếng nôm “Đại” là to, “Điểm” là chấm, chữ “Quần” là bầy, “Thần” là tôi. Nhưng nếu dịch từng chữ ra là “chấm to bầy tôi”, đọc lái lại là “chó Tâm bồi Tây”. Không thấy có tài liệu nào nói ông Tâm đã phản ứng ra sao với người gửi bức trướng.

Giai đoạn thực dân Pháp đô hộ nước ta, từ sau ngày Bảo Đại trở lại chính trường làm Quốc trưởng bù nhìn, vai trò của một đàng phái là đảng Đại Việt ngày một lớn mạnh và có khuynh hướng bành trướng.

Bên tay phải Quốc trưởng Bảo Đại là Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, Bộ trưởng QP Phan Huy Quát. Phía sau ông Tâm là Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh, Tham mưu trưởng quân đội Quốc gia VN.

Ngày 21/1/1951, Bảo Đại giải tán chính phủ, ủy nhiệm ông Trần Văn Hữu lập chính phủ mới. Ông Tâm được giao kiêm nhiệm, cùng với chức Bộ trưởng An ninh.

Mỹ thay Pháp, cha con “ra rìa”

Quyết đoán trong hành xử, được Pháp tin cậy, lại có con là Nguyễn Văn Hinh (sĩ quan gốc Việt có cấp bậc cao nhất trong quân đội Pháp, lúc đó là Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn), cuối 1952, ông Tâm được cử làm Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm

Trần Đỗ Cung, một người làm việc cùng ông Tâm đã kể về cung cách làm việc rất cụ thể của cha con ông này. Nguyên vào năm 1952, ông Cung là phiên dịch tiếng Anh cho đoàn vận động viên đi dự thế vận hội lần thứ 15 tại Phần Lan. Lần này đoàn được hoan nghênh nhiệt liệt nhờ thành tích trong cuộc đua Marathon.

Khi về nước, ông Cung nhận được hai lá thư cùng lúc, một là mời dự tiệc chiêu đãi của Bảo Đại, thư còn lại yêu cầu nhập ngũ vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ông Cung đã thực hiện yêu cầu nhập ngũ, đến trình diện tại trường nhận quân phục và chờ ngày khai gảng; nhưng vẫn có thời gian dự buổi chiêu đãi vào tối thứ Sáu. 

Trong buổi tiếp tân ông Cung tình cờ gặp ông Tâm, gặng hỏi là có cần giúp đỡ điều gì không? Biến chuyện ông Cung sắp nhập ngũ và lương học viên thiếu úy sẽ thấp hơn lương hiện tại, lập tức ông Tâm gọi con là thiếu tướng Hinh đến nói nhỏ. Ông Hinh mời ông Cung đến gặp vào chiều thứ Hai tuần sau.

Đúng hẹn, tân binh Cung đến văn phòng, được tướng Hinh đích thân tiếp đón, cho biết đã xem hồ sơ, thấy có hai chứng chỉ cử nhân nên chuyển đi học ở trường không quân Pháp. Ông Hinh cũng đưa cho ông Cung một số hồ sơ trong đó có văn bản do cha mình ký phong cho ông Cung chức thiếu úy giả định để không còn phải lo lắng về thu nhập đời sống nữa. 

Tình cờ như vậy, ông Cung nằm trong lứa những sỹ quan không quân đầu tiên của quân đội Sài Gòn như Nguyễn Cao Kỳ… Mẩu chuyện trên cho thấy phong cách làm việc của cha con ông Tâm và ông Hinh là rất cụ thể, dứt khoát, không quan liêu hình thức. 

Tuy nhiên vào thời điểm cuối năm 1953, người Mỹ bắt đầu chen chân vào Nam Việt Nam, không chấp nhận những viên chức quá mẫn cán với quan thầy Pháp. Mỹ chuẩn bị những quân cờ mới. Thái độ thẳng thắn quá mức của ông Tâm cũng đụng chạm nhiều quan chức, nên họ tạo sức ép buộc Bảo Đại phải thay đổi chính phủ.  

Ngày 3/9/1953, Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm qua Paris để gặp Bảo Đại về việc thành lập một phái đoàn qua tham dự thảo luận với Pháp. Bảy ngày sau, bảo Đại ký một Sắc lệnh gồm tám Điều qui định việc tổ chức một “Hội nghị đại biểu”. 

Chỉ vài ngày sau, Bữu Lộc đã được đưa lên làm Thủ tướng thay ông Tâm.

Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và Hoàng thân Bửu Lộc

Nguyễn Văn Hinh, đang là Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, khi ấy đang nắm trong tay 132 ngàn sĩ quan binh sĩ người Việt vẫn án binh bất động không can thiệp riêng tư tới công việc của cha mình. 

Mãi khi Ngô Đình Diệm về Nam Việt Nam nhận chức Thủ tướng, trực tiếp lãnh đạo quân đội, thay thế hàng loạt sĩ quan thân cận với Pháp, ông Hinh mới “ăn quả đắng”. 

Đầu tháng 9/1954, Diệm ra quyết định cử ông Hinh sang Pháp “công cán trong sáu tháng để nghiên cứu cải tổ và canh tân quân đội”, động thái đẩy ông Hinh ra khỏi vị trí. 

Dựa vào quân đội, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng quân sự của các giáo phái, tướng Hinh đã dự tính làm đảo chính vào ngày 20/9 nhưng đã quá muộn. 

Sau khi sang Pháp, ông Hinh tái ngũ lại vào quân đội Pháp, từ Trung tướng quân Sài Gòn quay lại quân hàm Trung tá Không quân Pháp. Năm 1960, ông Hinh được thăng Đại tá, điều chuyển làm Chỉ huy trưởng một căn cứ không quân ở Algerie. Năm 1962, ông này được phong Thiếu tướng và đến 1964 là Trung tướng Không quân với chức vụ Tham mưu phó lực lượng Không quân Pháp cho đến khi về hưu.

Ông qua đời ở Paris ngày 23 tháng 11 năm 1990, thọ 97 tuổi.

Viết một bình luận