Áo dài cổ thuyền – thiết kế hơn nửa thế kỷ vẫn được lưu giữ với cái tên thân quen “Áo dài bà Nhu”

“Tà áo em… bay, bay, bay, bay… trong gió nhẹ nhàng…

Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay ở những miền xa. 

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó… em ơi…”

Đó là câu ca nổi tiếng trong bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy khi nói về áo dài. Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, gắn liền với đời sống và trở thành nét đẹp văn hoá của người Việt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, áo dài đã được cải biến và hoàn thiện hơn. Và có những chi tiết được thay đổi khác đi để phù hợp với từng thời kỳ, cũng có những chi tiết dù đã trải qua nửa thế kỷ vẫn được lưu giữ lại cho đến ngày nay, đó là thiết kế áo dài cổ thuyền.

Bà Trần Lệ Xuân trong trang phục áo dài

Áo dài cổ thuyền vẫn được quen gọi là “áo dài bà Nhu” vì vào thời kỳ  đầu những năm 1960, bà Trần Lệ Xuân còn tại vị Đệ Nhất Phu Nhân của nước Việt Nam Cộng Hòa đã thiết kế ra kiểu áo dài hở cổ, bỏ đi phần cổ áo, hay còn gọi là cổ thuyền, cổ khoét. Thiết kế  dài nổi tiếng với tên gọi áo dài Bà Nhu đã gặp phải những phản ứng mạnh mẽ vì đi ngược với truyền thống cũng như thuần phong mỹ tục của xã hội thời đó.

Vào những năm 1960, Sự thanh lịch kín đáo là chuẩn mực tại một trong những buổi trình diễn thời trang chính thức đầu tiên ở Sài Gòn. Lần đầu tiên những tà áo dài Việt Nam thướt tha sánh bước cùng đầm dạ hội phương Tây trong một buổi trình diễn thời trang. Đây là buổi trình diễn thời trang nằm trong khuôn khổ một hội chợ Tiểu Công nghệ với quy mô rộng được tổ chức ở phòng Văn Hóa của thành phố Sài Gòn trên đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi. Trong chương trình là buổi trình diễn thời trang áo dài chính thức đầu tiên của Việt Nam theo lệnh của bà Ngô Đình Nhu và đạo diễn phim ảnh Thái Thúc Nha điều khiển. Với mục đích chính là quảng bá việc sử dụng vật liệu địa phương vừa túi tiền của người bình dân. Tại buổi trình diễn với tổng cộng 48 thiết kế khác nhau, lần lượt được ra mắt trước sự cổ cũ nồng nhiệt của khán giả.

Và khoảnh khắc nổi bật nhất là khi diễn viên điện ảnh Kiều Chinh trình diễn một kiểu áo dài cách tân với họa tiết lạ mắt.  Sự trình diễn của cô lập tức mang lại sự chú ý. Khi nói về sự kiến ra mắt áo dài gây chú ý lớn ấy vào năm 1961 Diễn viên Kiều Chinh kể lại: “Hôm đó có một cái fashion show, mà Kiều Chinh lúc bấy giờ hãy còn trẻ lắm, được mời mặc cái áo, tôi không nhớ người vẽ kiểu áo là ai. Lần đầu tiên mặc một cái áo dài Việt Nam mà không có cổ và tay ngắn. Thời đó gọi là tay áo “trois quarts”, tức là ba phần tư. Lúc mà trình diễn fashion show thì bà Ngô Đình Nhu ngồi ngay hàng đầu. Đây là câu chuyện tôi nghe ông Thái Thúc Nha (giám đốc hãng phim Alpha) kể chuyện lại. Ông ấy nói rằng: “Khi em trình diễn cái áo này thì bà Nhu quay lại hỏi anh là “Con nhỏ nào đây?”, thì anh có trả lời rằng đó là diễn viên điện ảnh Kiều Chinh của hãng phim Alpha”.

Cái tên “áo dài bà Nhu” bắt đầu gắn liền với phong cách thời trang này khi bà Ngô Đình Nhu phổ biến rộng rãi nó. Trong bữa tiệc ở Dinh tổng thống vào năm 1958 hay sau đó là một cuộc thi nữ công gia chánh nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 3 tháng 3 năm 1960, Bà Nhu đã gây chú ý và khơi lên không ít điều tiếng khi tự thân giới thiệu kiểu áo dài cổ thuyền này tại những sự kiện công cộng. Bà nói là có ấn tượng mạnh với áo dài của Kiều Chinh và nên sau đó đã cho phổ biến rộng rãi phong cách áo dài này.

Nhưng khi quay ngược thời gian và đi sâu vào lịch sử của nền áo dài , Người ta tìm thấy những thông tin từ báo chí tiếng Anh đương thời cho biết  đây là thiết kế của một cắp vợ chồng người Mỹ gốc Nhật: Ken Uyemura và Michiko Uyemura.

Ông Ken là một nhà chế tác gốm sứ và thiết kế công nghiệp còn bà Michiko là một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp. Năm 1957 họ đến Việt Nam nhằm giúp phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu  theo một chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Ngoại Giao Mỹ .

Theo tờ báo này tường trình chi tiết về các hoạt động của ông Ken và bà Michiko trong khoảng thời gian bốn năm họ làm việc ở Việt Nam, và là dự án “chính thức công nhận là thành công nhất trong số những dự án tương tự ở một vài nước”.  Theo tờ Times, Show diễn thời trang tại hội chợ Tiểu Công nghệ với quy mô rộng được tổ chức ở phòng Văn Hóa của thành phố Sài Gòn khi đó là do hai vợ chồng Uyemura chuẩn bị cho tuần lễ Quốc Khánh VNCH vào cuối tháng 10 năm 1960. Trong một bài tổng kết đăng trên tạp chí Chủ nhật của tờ báo vào tháng 4 năm 1961 đã nêu rõ vai trò thiết kế này như sau: “Cùng nhau, họ đã tạo nên một thế giới thời trang mới cho những người phụ nữ Việt Nam chú trọng tới phong cách”.

Vào thời điểm đó bức ảnh Kiều Chinh trong chiếc áo dài do hai vợ chồng Uyemura thiết kế cũng xuất hiện trên một số tờ báo ở Mỹ và thậm chí là trang nhất, đi kèm theo kô tả: “Vẻ kiều diễm phương Đông”.

Kiều Chinh trong chiếc áo dài do hai vợ chồng Uyemura thiết kế

Đến năm 1964, bức ảnh ấy lại lần nữa lên báo làm ảnh minh họa cho một bài viết về trào lưu phụ nữ Mỹ mặc áo dài Việt Nam. Thiết kế áo dài cổ thuyền tiếp tục được bà Ngô Đình Nhu chọn mặc trong nhiều sự kiện trong nước và quốc tế, và trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng này trong ký ức của công chúng, cũng như gợi cảm hứng thời trang cho nhiều thế hệ sau đó.

Có lẽ  Ông Ken và bà Michiko cũng không thể hình dung được ảnh hưởng của ông bà đối với sự phát triển của áo dài Việt Nam từ những thiết kế ra mắt gần 60 năm trước.

Dù thiết kế áo dài cổ thuyền đã có hơn nửa thập kỷ, nhưng thiết kế này vẫn được mọi người yêu áo dài chọn vì khi lựa chọn áo dài, phụ nữ hiện đại luôn ưa chuộng những thiết kế thoải mái, tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo được nét dịu dàng, duyên dáng vốn có của loại trang phục truyền thống này. Và áo dài cổ Thuyền hầu như đáp ứng được mọi yêu cầu mà phái đẹp đã đề ra về sự thoải mái, thanh lịch, lại không làm mất nét cổ truyền của một tà áo dân tộc.

Ngày nay, áo dài cổ thuyền được thiết kế với nhiều kiểu dáng hơn như:

Áo dài cổ thuyền cạn: Mẫu áo này có phần cổ không quá sâu mà chỉ vừa đủ để ôm lấy cổ sẽ mang lại cho người mặc vẻ đẹp vừa hiện đại mà cũng vô cùng thanh lịch. Khi diện chiếc áo dài này, người mặc sẽ không cảm thấy bức bối, khó chịu do phần cổ cao gây ra, đồng thời cũng không phải lo sợ phần cổ áo quá thấp có thể gây phản cảm.

Áo dài cổ thuyền bẹt: So với áo dài cổ thuyền cạn thì mẫu áo này có phần cổ rộng và sâu hơn, rất thích hợp với những người mặc khi muốn mang lại vẻ quyến rũ và tự tin. Thiết kế này để lộ toàn bộ phần cổ và một chút phần vai nên sẽ tạo cảm giác cao ráo, tươi sáng hơn cho người mặc thêm quý phái.

Áo dài cổ thuyền cách điệu: Đây là thiết kế cổ thuyền và ở phần cổ áo để thêm phần mới lạ với phần cổ đính hạt, đính cườm hoặc xếp ly.

Áo dài cổ thuyền cách tân: Là một thiết kế với phần cổ tròn đơn giản, kiểu thiết kế này được ưu chọn cho những đối tượng trẻ trung, hiện đại nhưng không cầu kỳ, phức tạp với các kiểu áo cách điệu rườm rà.

Viết một bình luận