Chuyện về công tử Hai Miên – Tay giang hồ được thờ tự ở đất Sài Gòn

Chuyện về công tử Hai Miên – Tay giang hồ được thờ tự ở đất Sài Gòn

Trong khoảng 300 ngôi đình hiện tồn của khu vực TP.HCM hiện nay, số đình làng nằm lọt trong khu vực nội thành còn lại những nét cổ xưa rất hiếm hoi. Trong đó có đình Nhơn Hòa.

Đình Nhơn Hòa hiện tọa lạc tại số 27 Cô Giang, thuộc phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM. Đình Nhơn Hòa nằm đối diện với chợ Cầu Muối cũ nên còn được gọi là đình Cầu Muối.

Đình Nhơn Hòa hiện tọa lạc tại số 27 Cô Giang, thuộc phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM.

Kiến trúc của đình Nhơn Hòa hiện nay bao gồm bốn đơn nguyên chính: một là chánh điện thờ thần Thành Hoàng và một số vị thần, thánh khác; hai là miếu Bà thờ năm vị nữ thần là Ngũ Hành Thánh Nương; ba là nhà túc hay hậu sở thờ các vị: Tiên Sư, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tiền Vãng, Hậu Vãng; bốn là võ ca – một ngôi nhà dựng trước chánh điện dùng để tổ chức các suất hát cúng thần Thành Hoàng hằng năm.

Từ năm 1937, võ ca của đình Nhơn Hòa đã được trùng tu để trở thành rạp hát nghệ thuật cải lương hồ quảng trong một thời gian khá dài. Do vậy, trong nhà túc của đình Nhơn Hòa còn có thêm nơi thờ Tổ Sư của nghệ thuật sân khấu nằm ngang hàng với nơi thờ Tiên Sư.

Đến viếng nhà túc của đình Nhơn Hòa ngày nay, mọi người không thể không ngạc nhiên khi thấy duy nhất một bài vị được thờ trang trọng cùng với di ảnh của các vị Tiền Vãng, Hậu Vãng ở ngay chính giữa nhà túc, bên dưới trang thờ các bậc: Tiên Sư, Tổ Sư, Tiền Hiền, Hậu Hiền.

Bài vị bằng gỗ, cao khoảng 30cm, hiện đang được phủ lớp sơn đỏ, trên đầu và hai bên trái phải bài vị là phần chạm trổ hình ảnh ba con rồng (một linh vật trong tứ linh: long, lân, quy, phụng) nói lên sự linh thiêng, tôn kính của đối tượng được thờ. 

Trên mặt đứng của bài vị duy nhất hiện còn được lưu giữ tại nhà túc đình Nhơn Hòa chạm nổi ba dòng chữ Nho.

Dòng chữ ở giữa, to hơn hai dòng chữ hai bên trái phải, ghi: “Huỳnh Công Miên tam thập bát tuế đệ nhị hạng chi vị”, tạm dịch là: “Bài vị của cậu hai Huỳnh Công Miên mất năm ba mươi tám tuổi”.

“Bài vị của cậu hai Huỳnh Công Miên mất năm ba mươi tám tuổi”.

Dòng chữ Nho bên trái trên bài vị ghi: “Kỷ Hợi niên, thập nhị nguyệt, sơ lục nhật”, tạm dịch là: “Ngày sáu, tháng mười hai, năm Kỷ Hợi”.

Dòng chữ Nho bên phải trên bài vị ghi: “Nguyên cư tại Gò Công xứ, tử ký tại Tân Hòa xã”, tạm dịch là: “Trước sống tại xứ Gò Công, chết gửi thân tại xã Tân Hòa”.

Như vậy, nội dung của bài vị đang lưu giữ tại đình Nhơn Hòa chính là bài vị của Cậu Hai Huỳnh Công Miên (thường gọi tắt là Cậu Hai Miên), đã qua đời năm 38 tuổi; ngày mất là 6 tháng 12 năm Kỷ Hợi âm lịch (tức năm 1899).

Cậu Hai nguyên sống tại xứ Gò Công, nhưng đã mất tại xã Tân Hòa, tức khu vực phường Cầu Kho, phường Nguyễn Cư Trinh, thuộc quận 1 (TP.HCM) ngày nay.

Trên đường Nguyễn Văn Cừ, thuộc địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh vẫn còn một cơ sở thờ phụng mang tên đình Tân Hòa, nghĩa là đây vốn là ngôi đình của xã Tân Hòa ngày trước.

Qua những dữ liệu ghi trên bài vị ở nhà túc đình Nhơn Hòa có thể xác định đây chính là bài vị của Cậu Hai Miên, một nhân vật nổi tiếng của Nam Kỳ lục tỉnh những năm cuối thế kỷ XIX.

Hai Miên là ai?

Hai Miên tên thật là Huỳnh Công Miên, ông sinh năm 1862 tại tỉnh Gò Công (nay thuộc vùng Gò Công Đông, Tiền Giang). Ông là con của Huỳnh Công Tấn một lãnh binh tay sai đắc lực của thực dân Pháp chuyên đàn áp người dân. Vì là gia đình có thế lực và giàu có nên năm 17 tuổi, Hai Miên được cha đưa sang Pháp học trường La Seyne gần Toulouse. Ông học ở đó 4 năm nhưng không đạt được bất cứ bằng cấp gì, may thay cũng do thời gian đi học mà ông Hai Miên nói được rất trôi chảy tiếng Pháp. Vì vậy khi về lại Việt Nam, ông được chọn làm thông ngôn, sau đó thăng dần lên các chức phán và Tri huyện. Quan Tri huyện Hai Miên làm việc cho Pháp dưới trướng Tổng đốc Trần Bá Lộc. Thời đó, mọi người đều nghĩ Huỳnh Công Miên sẽ giống tính cách của cha ông, chuyên đàn áp những người Việt chống đối sự cai trị của thực dân. Thế nhưng với trường hợp của Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn và Cậu Hai Huỳnh Công Miên được người đời cho là trường hợp khác thường “cây đắng sanh trái ngọt” khi ông hoàn toàn không giống bản tính của cha mình.

Cậu Hai Miên thuở nhỏ cùng cha mẹ và người hầu (phía sau)

Khi Tổng đốc Bá Lộc đem quân ra Khánh Hòa để dẹp cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng, Hai Miên cũng được cho theo. Thế nhưng khi chứng kiến tổng đốc bắt mẹ Mai Xuân Thưởng để buộc người này ra hàng và sự đàn áp của quân lính với dân thường, Hai Miên đã xin từ chức. Ông chọn cho mình một cuộc sống giang hồ, ngồi ghe để chu du khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Giàu có và quyền lực do thừa hưởng gia tài đồ sộ của cha để lại, Hai Miên càng có đủ điều kiện để phá phách. Ông coi tiền như rác, mỗi ngày đều đi đá gà, rượu chè, bài bạc… Công tử Hai Miên được giới giang hồ thời đó gọi là “miễn tử lưu linh” do ông được miễn sưu thuế, có thể đi khắp nơi mà không sợ bị “hỏi giấy”. Ông nổi danh khắp nơi, từ dân đến quan đều tỏ ra e ngại thiếu gia chịu chơi này

Tương truyền, danh Cậu Hai Miên là một công tử ăn chơi khét tiếng Nam Kỳ Lục tỉnh với lối sống theo kiểu giang hồ hảo hán, hoang đàng. Nhưng lại làm những việc nghĩa hiệp “giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Hai Miên đã từng tống tiền quan tham biện tỉnh Mỹ Tho Do nể uy quyền của quan lớn Tấn, cha của Hai Miên, nên ông quan Tây đành bảo “Hết tiền, cậu cứ xuống kho lấy xài“. Cậu Hai Miên từng đánh cặp rằn Tây do ức hiếp dân phu đào ao tại Trường Đua ở Gò Công, ông coi thường quan Tây, trừng trị quan người Việt như hương quản, do cầm roi cá đuối đánh đập dân làng.

Tại Bạc Liêu có gia đình ông chủ Thời rất thế lực và nổi tiếng hách dịch. Ông Thời có cô con gái tên là Hai Sáng. Dân chúng trong vùng sợ cha con họ đến nỗi không dám nói đến chữ Sáng như “buổi sáng”, “sáng mai”, mà phải nói lại “buổi sớm”; “sớm mơi”. Một lần đoàn ghe của cậu Hai Miên ngao du tới đây. Nghe kể về ông chủ Thời và cô Hai Sáng, Hai Miên rất tức giận. Ông đã cho ghe ghé lại, ra lệnh bắt trói cô Hai Sáng và kéo lên cột buồm. Ông chủ Thời thấy vậy vội vã xuống năn nỉ, thương lượng với Cậu Hai Miên xin chuộc cô Hai Sáng bằng một bao lớn tiền giấy bạc. Ông Hai Miên bằng lòng, mở trói cho cô Hai Sáng, rồi cùng gia nhân ôm bao giấy bạc xuống ghe, chèo đi. Từ đó, ông chủ Thời và con gái đã bớt hống hách với dân làng. Nhưng riêng Bà Hai Sáng thì vẫn còn căm lắm, bà nghĩ cách để trả thù cho bằng được ông Hai Miên để rửa hận. 

Ngày mùng 6 tháng 12 năm Kỷ Hợi, 1899, sau khi đi ngao du nhiều nơi, ông Hai Miên về nhà ở vùng Cầu Kho. Ông bị cô Hai Sáng bày mưu trả thù. Cô Hai Sáng lúc đó đã thuê hơn 40 tay giang hồ “đâm thuê chém mướn” bao vây Cậu Hai Miên. Mặc dù giỏi võ, nhưng ông Hai đã không đương cự lại nổi số quá đông nên qua đời, hưởng dương 38 tuổi. Trước năm 1975, mộ của Cậu Hai Miên nằm trong vuông đất ở đường Phát Diệm, Sài Gòn.

Bến Cầu Kho xưa

Để ghi nhận những đóng góp và tri ân ông Hai Miên, người dân Sài Gòn xưa đã xây dựng nên Đình Nhơn Hòa để thờ ông, đình rộng hơn 1.500 m2, còn có tên gọi là Đình Cậu Hai Miên hay Đình Cầu Muối. Ngôi đình này đã được công nhận là “Di sản kiến trúc dân tộc cổ truyền”, hiện toạ lạc tại số 27 Cô Giang, thuộc phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM

Trong dân gian cũng lưu truyền bài vè ca ngợi khi phách của cậu Hai Miên. Bài “Vè cậu Hai Miên” cùng với vè Sáu Trọng và vè Thông Chánh đã bị thực dân Pháp thời đó cấm. Trong bài vè, cậu Hai Miên được nhắc với danh xưng ngộ nghĩnh là “lưu linh miễn tử” .

 

Viết một bình luận