“Xin cho tôi giấc mộng bình yên” – Nhạc khúc như con thuyền chở mộng yên bình vượt qua những cay đắng, u buồn trong thời chiến chinh

Nhạc sĩ Văn Giảng (1924 – 2013) là một nhạc sĩ nổi tiếng khi viết về Nhạc tiền chiến, nhạc vàng và đặc biệt là nhạc Phật giáo. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu có truyền thống âm nhạc ở Huế. Ngay từ nhỏ, Văn Giảng đã tỏ ra những năng khiếu về âm nhạc.Ông bắt đầu tập chơi mandoline rồi sau đó đến guitare. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, Văn Giảng sang tu nghiệp âm nhạc tại Hawaii và Bloomington (Hoa Kỳ). Tốt nghiệp xuất sắc, ông được học bổng để tiếp tục nghiên cứu bậc cao học âm nhạc, để rồi sau đó trở về nước và được đề cử làm giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Huế.Nhạc sĩ Văn Giảng vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1969. Ông dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, tham gia sinh hoạt ca nhạc ở đài phát thanh, đài truyền hình và soạn hòa âm cho hãng đĩa Asia, Sóng Nhạc. Đồng thời, Văn Giảng còn được Bộ Văn hóa Giáo dục đề cử làm Trưởng phòng Học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách học vấn của các trường Âm nhạc Sài Gòn, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật. Sau năm 1975, ông qua Indonesia rồi định cư tại Úc đến những năm cuối đời.

Nhạc sĩ Văn Giảng

Suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Văn GIảng đã cống hiến cho âm nhạc, với các sáng tác về hùng ca như Thúc quân (1949), Lục quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân hành ca (1951), Qua đèo (1952), Nhảy lửa (1953)…, ông đã sáng tác khoảng vài chục ca khúc về Phật giáo, đóng góp không nhỏ cho nền Phật nhạc của Việt Nam. Các bài của ông được thường xuyên hát lên trong các buổi tụng niệm tại các chùa từ Huế vào đến Sài Gòn. Bài Mừng ngày Đản Sanh của ông được dùng làm ca khúc chính thức cho lễ Phật Đản đến tận bây giờ.nhạc sĩ Văn Giảng có sáng tác và ấn hành một tập nhạc dành cho thiếu nhi mang tên Hát mà học gồm có 10 ca khúc: Đến trường, Chơi ná, Chê trò xấu nết, Mèo chuột, Tham mồi, Gương sáng Lê Lai, Quang Trung hùng ca, Trăng Trung thu, Chúc xuân và Tạm biệt.

Bên cạnh đó, Văn Giảng cũng sáng tác một số bài tình ca như Ai về sông Tương hay Xin cho tôi giấc mộng bình yên, ký tên Thông Đạt. Bút danh này chính là tên ghép pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của người vợ.

“Xin cho tôi giấc mộng bình yên” là một trong số ít bản tình ca mà nhạc sĩ Văn Giảng đã sáng tác. Ca khúc là bức tranh quê ngát hương thanh bình trong khói đạn, với lời ru của mẹ và lời thề nguyền mình trao nhau “nguyện ước thương nhau thật nhiều”

Đôi mắt hiền mẹ già âu yếm, 
tiếng ru con chưa vơi muộn phiền
Hoà bình ơi sao chưa thấy đến,
xin cho tôi giấc mộng bình yên

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Hương Lan trình bày.

“Giấc mộng bình yên” là ở giấc mộng đó ta được nghe lại lời ru của mẹ già với đôi mắt hiền cùng “tiếng ru con chưa vơi muộn phiền”. Mẹ già muộn phiền điều chi? là trông ngóng tin cha chưa về, hay chờ mong đứa lớn trở lại? Không biết nữa, có lẽ mẹ muộn phiền vì cơm áo gạo tiền cho đàn con thơ. Vì hòa bình chưa thấy, quê hương còn trong khói đạn nên lời mẹ ru vẫn còn hoài những muộn phiền. Nên phải chăng giữa đạn pháo của chiến chinh “xin cho tôi giấc mộng bình yêu”, để lòng được chút bình yên giữa đời bão nổi.

Trên con đường chiều về thôn vắng, 
tôi đưa em đi qua cầu làng
Đèn thành đô xa xa lóe sáng, 
xin cho tôi, cho người bình yên.

Cho tôi xin chút bình yên, để trên con đường chiều về nơi thôn vắng “tôi đưa em đi qua cầu làng”. Tô không mông cuộc sống phồn hoa của đô thành “đèn đô thành xa xa lóe sáng”, chỉ cầu mong chút yêu bình nơi vùng quê nghèo được cùng em đi chung một con đường làng. Ta bước cùng nhau, mình chung nguyện ước “thương nhau thật nhiều”.

Mình nguyện ước, 
thương nhau thật
thương nhau thật nhiều.
Nghèo mà vui,thương non nhớ nước
Nghèo mà vui, xin em chớ ước
Một tình yêu, một tình yêu nơi chốn đào hoa.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Thanh Tuyền trình bày.

Ta nguyện sống những tháng ngày “nghèo mà vui, thương non nhớ nước”. Ta sống bên nhau tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng lại có nhau những khi vui buồn. “Xin em chớ ước” về một tình yêu nơi chốn đào hoa, vì có anh đây, ta yêu nhau và chuyện tình mình rồi sẽ đẹp tựa câu chuyện thần tiên, nên em ơi, cần chi phải ước xa xôi.

Xin trao người một cành hoa thắm, 
biết không em hôm nay ngày lành
Ngày mùa hoa thương yêu đã tới, 
tôi đưa em đi vào tình yêu.

Anh có cả rừng đào nguyên để cho em câu chuyện thần tiên, nhưng lại có “một cành hoa thắm” trao em, hôm nay ngày lành, anh mượn cành hoa thắm để tỏ bày yêu thương. Em ơi, mùa xuân của đất trời đang cận kề, mùa hoa yêu thương đã tới. Em còn chờ chi mà không nhận cành hoa thắm anh trao “tôi đưa em đi vào tình yêu”.

“Xin cho tôi giấc mộng bình yên” mang lại một chút thanh bình trong lời ca mộc mạc giữa cuộc đời “quê hương chưa hòa bình”. Bài hát như cảnh mộng về quê hương êm đềm, ta gối đầu nghe lời mẹ ru, là mộng được gặp lại mẹ già ánh mắt trìu mến yêu thương.Xin cho tôi giấc mộng yên bình, để đưa về trên con đường làng, để có thể tặng nàng nhành hoa thắm và nói rõ tình mình… Một chút ngân nga, một chút da diết lại mang đâu đó một nỗi u buồn để mê về giấc mộng bình yên, tất cả đã tạo nên thành công của nhạc khúc “Xin cho tôi giấc mộng yên bình”, ca khúc con thuyền chở mộng ước thanh bình vượt ngoài khuôn nhạc và vượt qua những cay đắng, u buồn của một thời lửa đạn chiến chinh.

Lời bài hát Xin Cho Tôi Giấc Mộng Bình Yên – Văn Giảng

Đôi mắt hiền mẹ già âu yếm, tiếng ru con chưa vơi mưộn phiền
Hoà bình ơi sao chưa thấy đến, xin cho tôi giấc mộng bình yên
Trên con đường chiều về thôn vắng, tôi đưa em đi qua cầu làng
Đèn thành đô xa xa loé sáng, xin cho tôi, cho người bình yên.
Mình nguyện ước, thương nhau thật nhiềụ.
Mình nguyện ước, thương nhau thật nhiều.
Nghèo mà vui,thương non nhớ nước
Nghèo mà vui, xin em chớ ước
Một tình yêu, một tình yêu nơi chốn đào hoa.
Xin trao người một cành hoa thắm, biết không em hôm nay ngày lành
Ngày mùa hoa thương yêu đã tới, tôi đưa em đi vào tình yêu.

Viết một bình luận