Nhớ về “Kiều Nữ” Bích Sơn – Nữ nghệ sĩ Miền Bắc trưởng thành trên sân khấu Miền Nam

Trong các thập niên 50, 60, 70 là thời kỳ vàng son của các nghệ sĩ cải lương, rất nhiều nam, nữ nghệ sĩ cải lương trẻ đẹp, được khán giả ái mộ. Nhưng chỉ duy nhất một nữ nghệ sĩ được gọi với mỹ danh độc nhất vô nhị “Kiều nữ” – nghệ sĩ Bích Sơn.

Chân dung Bích Sơn

Bích Sơn sinh năm 1939 tại Hà Nội với tên đầy đủ là Trần Bích Sơn, ấu danh là Dung, tự Vĩnh San. Năm 1952, cô bé 13 tuổi Bích Sơn theo dì là nữ danh ca Bích Thuận vào Sài Gòn và theo gánh Kim Chung. Khi ấy, Bích Sơn được dì chỉ dạy và theo học tại trường Saint Marie Tân Định. Năm 1955, Bích Sơn tiến vào con đường nghệ thuật, khởi đầu với dòng tân nhạc trong ban Xuân Thu của nhạc sĩ Lê Thương. Cùng năm ấy, khi dì của cô là danh ca Bích Thuận lập gánh hát Bích Thuận thì mời cô về Vào thời điểm ấy, Bích Sơn chưa thật sự gây được dấu ấn sâu đậm trong long khán giả. Lúc bấy giờ Bích Sơn được mọi người biết đến khi lối ngây thơ trong  trẻo và ngoại sắc xinh đẹp và rất đặc trưng. Nét đặc trưng ở Bích Sơn đó là cô có một nốt ruồi duyên bên má phải, gương mặt trái xoan cùng đôi mắt mộng mơ và nụ cười khẽ vương nét buồn, Bích Sơn luôn xuất hiện với mái tóc dài phủ bờ vai, dáng đi khoan thai, nói năng dịu dàng. Vẻ đẹp của cô khiến nhiều người say đắm, trong đó có thi sĩ Kiên giang – người thầm thương trộm nhớ cô rất nhiều năm về sau.

Kiều nữ Bích Sơn

Thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà lúc đó là người được mời để viết kịch bản cho gánh hát Bích Thuận của dì cô. Kiên Giang mang lòng mến mộ Bích Sơn, ông không tiếc dùng những mỹ từ đẹp nhất để dành tặng cô, những bài báo ca ngợi tài hoa của cô sau này, và cả mỹ danh “kiều nữ” cũng là danh xưng mà Kiên Giang gọi Bích Sơn. Bích Sơn trở thành “nữ chính” trong rất nhiều ý thơ và sáng tác của Kiên Giang như: Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Trăng tròn.

Năm 1957, với vẻ ngoài xinh đẹp được đánh giá như búp bê Nhật Bản, cô vào vai công chúa người Nhật trong vở “Khi hoa anh đào nở”. Đây cũng là vai diễn đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của cô. Với vai công chúa Phù tang trong vở “Khi hoa anh đào nở” do Hà Triều- Hoa Phượng biên soạn riêng cho đoàn Thúy Nga, Bích Sơn nhận được vô vàng những lời khen. Mà theo ký giả Huỳnh Công Minh đã nhận xét “Thời đó, vẻ đẹp của nghệ sĩ Bích Sơn thích hợp vào vai mỹ nhân xứ Nhật, cộng thêm bà có giọng hát trầm bổng, nhịp nhàng với tiếng đàn shamisen đã thấm vào lòng khán giả. Nên vở ‘Khi hoa anh đào nở’ ra đời đã đưa bà lên đỉnh cao vinh quang, bà được trao giải Thanh Tâm năm 1960.”

Tiếp nối thành công sau “Khi hoa anh đào nở”, năm 1958 cô đứng ra lập gánh hát Bích Sơn -Thúy An, và thành công với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Bao giờ mùa sim chín (về sau được đổi tên thành Người vợ không bao giờ cưới) của Kiên giang – Phúc Uyên. Sau vai diễn thành công đó, báo chí lúc bấy giờ gọi Bích Sơn với tên “Sơn nữ Phà Ca”.  Và một lần nữa tên tuổi của Bích Sơn được khẳng định và mọi người biết đến nhiều hơn khi cô dự đại hội Giao Duyên để ngâm giới thiệu bài “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của thi sĩ Kiên Giang. Bích Sơn không chỉ là “nữ chính” của Hoa trắng thôi cài trên áo tím, mà đây còn bài thơ giúp tên tuổi của cô vương xa khi nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ lại nhạc “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của Kiên Giang. Một lần nữa với sự xuất hiện trong áo dài tím thang, trên ngực cài một đóa hoa trắng, tóc xõa ngang vai, và giọng ca man mác buồn. Cô đứng hát trên sân khấu của Đại Nhạc Hội Chúa Nhựt tổ chức tại rạp Nguyễn Văn Hào, khi ấy toàn khán trường lắng nghe tiếng hát của cô và như cảm nhận được nỗi đau của thi nhân.

Đến năm 1960, với thành công qua vai Phương Thành  trong vở Áo cưới trước cổng chùa, Bích Sơn vinh dự nhận giải Thanh Tâm. Khi ấy, ký giả Ngành Mai đã đăng trên RFA những nhận xét như:

“Năm 1959, khán giả thủ đô được dịp thưởng thức tài nghệ Bích Sơn qua vai Phương Thành trong soạn phẩm cổ tích Áo Cưới Trước Cổng Chùa. Nghệ thuật diễn xuất của Bích Sơn được khơi dậy đến cao độ từ vai trò ấy.”

“Tài nghệ được kết tạo qua nhiều sân khấu để rồi nở chín trên sân khấu Thanh Minh, Bích Sơn nghiễm nhiên trở thành một nữ diễn viên gần như một kịch sĩ gần đủ hai yếu tố cần thiết: diễn và ca ngâm.”

“Với suối tóc dài cốt cách cân đối, gương mặt sáng, đôi mắt mơ huyền, giọng ngâm thơ thánh thót đi sâu vào tâm cảm người nghe, Bích Sơn có đủ điều kiều mang mỹ danh kiều nữ. Nhất là với chiếc áo cài hoa trắng và suối tóc huyền, Bích Sơn được xem là kiều nữ áo tím trên sân khấu cũng như ngoài đời.”

“ Với phong thái của một kiều nữ, Bích Sơn đủ điều kiện đóng các vai chánh trong loại tuồng đường rừng, hương xa cũng như xã hội. Ðặc biệt trong loại tuồng hương xa (Nhật) Bích Sơn thể hiện trung thực nhứt hình ảnh cô gái Phù Tang, Bích Sơn càng trở nên huyền ảo, trong các vai sơn nữ.”

“Người ta có thể nhận thấy Bích Sơn yếu kém về phương diện ca vọng cổ, nhược điểm ấy có thể được đền bù khỏa lấp chăng?”

“ Bích Sơn là người sinh ở đất Bắc, tất nhiên giọng nói cũng ảnh hưởng ở âm điệu của thổ ngữ miền Bắc. Như thế, Bích Sơn làm sao ca vọng cổ bằng Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thanh Hương… Nhưng với quyết tâm học nói giọng Nam, rèn luyện kỹ thuật ca vọng cổ, Bích Sơn đã tiến bộ đến cao độ trên phương diện ca. Trong vở “Bếp Lửa Chiều Ly Biệt” của Yến Lang và “Bốn Cánh Hoa Ðào” của Lê Khanh, Bích Sơn vẫn được báo chí và khán giả khích lệ và khen ngợi ở kỹ thuật ca vọng cổ. Như thế nhược điểm ấy có thể được đền bù bằng giọng ngâm thơ, khả năng ca nhạc mới, và nghệ thuật diễn xuất sống động và trung thực. Bích Sơn là một nữ nghệ sĩ Bắc duy nhứt sống gần gũi và tha thiết với các sân khấu ca kịch miền Nam. Trước kia sự dung hợp nghệ sĩ Bắc Nam trên một sân khấu là cả việc khó khăn. Lần đầu tiên Bích Sơn vào sân khấu Thúy Nga với tất cả sự ngỡ ngàng mặc dù chủ nhân, soạn giả và nghệ sĩ miền Nam mở rộng cửa để sẵn đón. Dần dần Bích Sơn từ bóng tối hậu trường xuất hiện giữa tiền trường, tiếp nhận được sự tán thưởng của khán giả miền Nam, ở Lục Tỉnh ở miền Ðông, tự nhiên mặc cảm ấy tiêu tan, Bích Sơn càng bước sâu vào sân khấu miền Nam càng tìm thấy hơi ấm và không khí kịch nghệ để trở thành đứa con ruột của sân khấu ca kịch miền Nam. Bích Sơn là gạch nối liền giữa nghệ sĩ Bắc Nam.”

“ Bích Sơn hãy cảm tạ nghệ thuật, trước khi nhận lãnh ‘huy chương vàng 60’ của giải Thanh Tâm…”

Hay như NSƯT Huỳnh Minh khi nói về Bích Sơn như sau:

“Khán giả nhớ nhất là mái tóc dài như suối phủ bờ vai, cặp mắt mơ mộng với nụ cười ẩn chứa nỗi buồn man mác của Bích Sơn và còn một nét đặc biệt đó là cô gái đất Bắc có giọng ca truyền cảm, ngâm thơ rất hay.”

Sau giải  thưởng Thanh Tâm 1960 những tưởng sự nghiệp của kiều nữ Bích Sơn sẽ lại thăng hoa hơn, nhưng mãi đến năm 1962, khi bà bầu Thơ soạn hợp đồng mời Bích Sơn về Thanh Minh – Thanh Nga, từ giai đoạn này, sự nghiệp của Bích Sơn chững lại và ít nổi bậc hơn. Có một thời gian dài cô không lên sân khấu, hình ảnh cũng chỉ xuất hiện thoáng qua trên báo chí và phim ảnh. Mãi đến năm 1975, Bích Sơn vẫn là một trong những đào chính của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. trên tuổi của bà gắn liều với các vai diễn Thánh Thiên trong Tiếng trống Mê Linh, vai Cô mẫu trong Thái hậu Dương Văn Nga, vai Nhũ mẫu trong Truyền thuyết tình yêu,… Sau đó Bích Sơn cũng từ giã sân khấu và di cư sang Pháp theo diện đoàn tụ cùng chồng, và định cư tại Los Angeles. Tại Mỹ bà ít xuất hiện trên truyền thông và cũng không còn tham gia bất cứ sinh hoạt văn nghệ nào nữa. Khi được phỏng vấn, kiều nữ Bích Sơn ngày nào đã có chia sẻ như sau: “Tôi cảm ơn tấm lòng của khán giả yêu mến tôi, dù có nhiều lời mời từ khán giả kiều bào tại Mỹ mong muốn Bích Sơn xuất hiện trong các chương trình văn nghệ cộng đồng nhưng tôi đã từ chối. Vì năm nay tôi đã 82 tuổi rồi, quay lại sàn diễn không còn như xưa sẽ làm khán giả thất vọng.”

Kiều nữ Bích Sơn và những huyền thoại một thời trên ánh đèn sân khấu của bà cũng bị khép lại sau năm 1975. Để giờ đây, tuy chúng ta không thể nhìn bà trên sân khấu trực tiếp nhưng những đóng góp của nghệ Sĩ Bích Sơn cho nền nghệ thuật nước nhà là minh chứng không bao giờ phai về người kiều nữ tài hoa ấy. Vfa chúng ta có thể nhìn lại thời kì đỉnh cao trong sự nghiệp của kiều nữ Bích Sơn qua bài viết về bà năm 18 tuổi, được đăng trên báo Kịch Ảnh, năm 1957. Sau đây xin được trích nguyên văn bài báo đã hơn “60 năm tuổi” ấy:

Bài của Giang Tân trên Kịch Ảnh số 1 ngày 12/6/1957

“Trong số diễn viên nam và nữ hiện nay của sân khấu cải lương, ngoài Kim Cương ra có thể nói rằng Bích Sơn là nữ diễn viên trẻ và được nổi danh nhất trong đám diễn viên trẻ tuổi.

Bích Sơn mới 18 xuân tròn. Là một thiếu nữ sinh trưởng giữa Hà Nội, sống với Hà Nội từ nhỏ đến lớn, từng là cô nữ sinh của trường Hùng Vương, nhưng ngoài đời người ta vẫn thấy Bích Sơn vẫn là một cô gái e lệ, hiền lành khác hẳn với một Bích Sơn trên sân khấu nhí nhảnh, vui tươi, lắm khi thâm ác.

Năm 1952, Bích Sơn theo dì là Bích Thuận di cư vào Nam. Trong một buổi đại nhạc hội do Bích Thuận tổ chức, Bích Sơn được chọn đóng vai Điêu Thuyền. Trong buổi trình diễn, Bích Sơn đã làm trọn nhiệm vụ của mình, Bích Thuận nở một nụ cười nghĩ đến ước vọng rồi đây dì cháu sẽ ở gần bên nhau dìu nhau để phục vụ trọn vẹn cho sân khấu.

Nhưng ngoài nhiệm vụ kẻ dìu dắt nghệ thuật cho một mầm non sân khấu, Bích Thuận còn có bổn phận thiêng liêng cao quý hơn, bổn phận một người dì đối với đứa cháu gái gặp hoàn cảnh phải sống xa gia đình ở nơi quê xa đất lạ. Cũng vì vậy mà cô bé được đóng vai Điêu Thuyền để cùng Lữ Bố nghênh ngang trên sân khấu lại phải trở về ghế nhà trường để đóng vai cô nữ sinh trường Nhà Trắng Tân Định suốt 3 năm dài.

Sống ở ký túc xá, Trần Bích Sơn được chị em bạn bè mến thân vì tính tình dịu hiền, và nhất là cô nữ sinh ất có một giọng ca ấm áp, thêm cái “tài vặt” ngâm thơ rất quyến rũ. Được bạn bè khuyến khích và nhất là được Bích Thuận tận tâm dìu dắt, chỉ bảo. Sau khi rời trường Nhà Trắng, Bích Sơn gia nhập ban Xuân Thu, một ban ca kịch do nhạc sĩ Lê Thương đứng thành lập.

Quen với ánh đèn sân khấu, thì bắt đầu cái tên Bích Sơn cũng được quen dần với khán giả tân nhạc kịch trong khi Bích Sơn đơn thanh những bản Ôi Quê Xưa của Dương Thiệu Tước và Chiến Sĩ Của Lòng Em của Trịnh Văn Ngân, nhưng người ta nhắc nhở nhiều đến Bích Sơn ở ở vai cô Tú trong vở hài kịch Cô Tú của Lê Thương mà đoàn đã trình diễn nhiều lần ở thủ đô và hầu khắp miền lục tỉnh. Bên cạnh những Kim Bảng, Xuân Phát, Minh Đăng Khánh, Bích Huyền nhiều tâm sự, thì Bích Sơn lúc bước chân xuống sàn gỗ vẫn là một thiếu nữ thơ ngây, bẽn lẽn nhiều, ít ham thích trò chuyện.

Năm 1955, Bích Thuận lặp lại gánh lấy tên đoàn Ca Kịch Bích Thuận, cô đào 16 tuổi ấy bước lên sân khấu cải lương, vừa là đào hát, vừa tham gia trong ban vũ của đoàn. Bích Sơn được nổi tiếng từ đó, không nổi tiếng ở tài nghệ diễn xuất mà được nổi là nhờ ở giọng ngâm thơ trong vai Tiên nữ Thùy Vân ở Chức Nữ Ngưu Lang, soạn phẩm của Cửu Long Giang, một tuồng mở đầu kỷ nguyên loại tuồng Thi ca vũ nhạc trên sân khấu cải lương.

Từ lúc gia nhập đoàn nhà, không đêm nào thấy vắng bóng dì cháu đã chia nhau đảm nhiệm những vai chánh trong hầu hết các vở mà đoàn trình diễn. Bích Sơn từng thay Bích Thuận trong vai Chức Nữ trong Chức Nữ Ngưu Lang, từng thủ vai Điêu Thuyền trong Phụng Nghi Đình, Lệ Thắm trong Ngày Lịch Sử, Ở Thương Khó đóng vai Maria trinh nữ, đến Kim Vân Kiều, đóng Kiều và cũng là lần đầu tiên cô đào 17 tuổi ấy biết rơi nước mắt trên sân khấu.

Nhưng rồi đoàn ca kịch Bích Thuận tạm nghỉ vì bà bầu đã… mang “bầu”. Một thay đổi lớn trong cuộc sống của Bích Sơn. Và cũng từ đó, Bích Sơn sang cuộc đời nghệ sĩ công nhân cho đoàn Thi ca nhạc kịch Thúy Nga. Trong lúc ở đoàn nhà, cô gái ấy tha hồ đi trễ về sớm dầu có bị người dì rầy la quở trách, nhưng ở đoàn người tuy không bị những hình phạt về tinh thần ấy, vì cuộc sống, vì kỷ luật đoàn, Bích Sơn lại là đoàn viên biết sống trong khuôn nếp sinh hoạt của đoàn. Lần lượt trên sân khấu Thi ca nhạc kịch Thúy Nga, khán giả mộ điệu lại thấy xuất hiện một Bích Sơn khi lộng lẫy trong vai một Công chúa Phù Tang (Trong Khi Hoa Anh Đào Nở), một cô sơn nữ hiền lành, huyền diệu trong Son Phấn Giữ Trường Thành, và một cô gái miền Nam chất phác, vui tươi trong Con Đò Thủ Thiêm.

Mãi đến nay, khán giả cũng chỉ biết đến khả năng diễn đạt thi ca của Bích Sơn ở giọng ngâm thơ dài và ấm ấy, và kết quả cũng đã đưa lại cho những ai muốn tìm hiểu sân khấu đều nhận rằng tiếng góp ở hậu trường có khi cũng quan trọng như tiếng nói ở ngay ngoài sân khấu vậy. Và Bích Sơn đã làm được công việc ấy.

Rồi khán giả thấy Bích Sơn có mặt khắp mọi địa hạt. Ở sân khấu tân nhạc kịch, ở sàn gỗ cải lương và ở luôn cả trên màn bạc trong Phụng Nghi Đình, Kim Vân Kiều, những tuồng cải lương hóa điện ảnh của hãng Mỹ Phương, và ở những phim ấy Bích Sơn vẫn là cô đào ở sân khấu cải lương, chỉ còn đợi chờ Bích Sơn trong Bụi Đời, một phim xã hội của hãng Trường Sơn, Bích Sơn vẫn mong cũng như mọi người mến Bích Sơn vẫn mong Bích Sơn sẽ là một cô nữ sinh nghèo, diễn tả đúng tâm trạng của cô nữ sinh trong Bụi Đời trên màn ảnh.

Và hiện nay, ai đã thấy Bích Sơn ngoài đời một lần rồi thì có ngay một hình ảnh trước mắt: một cô thiếu nữ có đôi mắt u buồn, trên một khuôn mặt vừa vặn, với nốt ruồi bên má mà quan niệm Tây Phương cho đó là “một hạt đẹp”. Thêm nữa là một mái tóc dài trùm kín đôi bờ vai, mái tóc của các nữ sinh xứ Huế. Nhưng ai đã thấy Bích Sơn trên sân khấu thì người ta chỉ còn nhớ ở cái miệng duyên dáng lúc cười và bên tai như còn văng vẳng giọng ngâm thơ của một Tiên nữ Thùy Vân trong khúc hát Sen thơ mộng.

Kiều Nữ Bích Sơn hiện tại

Cô đào trẻ tuổi ấy lúc về nhà quen gọi dì Bích Thuận bằng “má”, lúc tiếp chuyện với người lạ thì cười nhiều mà ít nói, gặp lúng túng lại gọi “má” ra “đỡ đầu”, và hàng ngày lại mê đạo, thảng hoặc có lúc liếc mắt qua vài tờ báo có trang kịch trường, sân khấu, màn ảnh, xa lạ với loại phim ái tình xã hội, trinh thám, kiếm hiệp, mà lại mê tuồng cổ loại Quo Vadis, Samson et Dalila, phim nói chuyện ma mà bản tính lại nhát hơn thỏ…

Cái vui nhất của Bích Sơn là được tin gia đình với song thân và 14 đứa em mạnh khỏe, nỗi buồn nhất của Bích Sơn là những buổi sáng phải thập tuồng đến phải bỏ xem lễ… nên thiếu nữ ấy đến tuổi yêu nhưng chưa hề nghĩ đến việc yêu đương. Cùng với giọng ca, cùng chịu một sự giáo huấn của nhà thờ, của gia đình, được sống với sự dìu dắt của người dì nhiều tận tâm, nên chúng ta đã thấy rõ rồi một Bích Thuận đang lớn dần trong một Bích Sơn còn trẻ và nhiều tương lai.”

Viết một bình luận