Số phận trái ngược của bốn công trình nổi tiếng dưới thời vua Khải Định

Vua Khải Định (1885-1925) là vị hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ 1916 đến 1925. Ông nổi tiếng là một vị vua ăn chơi xa xỉ nên không quá ngạc nhiên khi trong giai đoạn ngồi trên ngai vàng, vua Khải Định đã cho xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo ở Huế. Nhưng trải qua những thăng trầm của lịch sử và sự vô tình của thời gian mà các công trình này đều có số phận trái ngược nhau. Mời các bạn đọc cùng nhìn lại bốn công trình nổi tiếng khi xưa được xây dưới thời vua Khải Định.

1. Ứng Lăng – lăng mộ của vua Khải Định

Ứng Lăng là lăng mộ của vua Khải Định, toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thành phố Huế. Công trình này còn khá nguyên vẹn, là một trong những địa điểm hút khách nhất của Di sản thế giới quần thể di tích Cố đô Huế.

Lăng Khải Định ngày nay

Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng… Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt

Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Các công trình từ dưới lên gồm cổng chào, sân chầu Bái Đình, Bi Đình và cung Thiên Định. Khu lăng mang kiến trúc pha trộn từ nhiều phong cách khác nhau như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman…

Lăng Khải Định khi xưa

Cung Thiên Định là công trình kiến trúc chính, nằm ở vị trí cao nhất của lăng Khải Định. Đây là một tòa nhà được xây dựng công phu và tinh xảo bằng các vật liệu hiện đại, gồm 3 gian chính và 2 gian chái.

Phần phía trước cung Thiên Định là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định. Sau điện Khải Thành là chính tẩm, nơi đặt mộ vua. Ngôi mộ được trang hoàng lộng lẫy bằng nhiều loại đá quý, trên mộ có pho tượng đồng của vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920.

2. Cung An Định – cung điện riêng của vua Khải Định 

Cung An Định tọa lạc bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát – Thị xã Huế, nay tại số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua, sau này được Bảo Đại thừa kế và từng sống ở đây sau khi thoái vị.

Cung An Định tọa lạc bên bờ sông An Cựu

Nguyên tại vị trí này từ năm Thành Thái 14 (1902), Phụng Hóa Công Nguyễn Phúc Bửu Đảo (tức vua Khải Định sau này) đã lập phủ riêng, đặt tên là phủ An Định. Đến sau khi lên ngôi, vào năm 1917 Khải Định đã dùng tiền riêng để cải tạo lại theo lối kiến trúc hiện đại. Đầu năm 1919, công việc xây dựng hoàn tất, cung vẫn giữ nguyên tên gọi. Từ ngày 28/2/1922, cung An Định trở thành tiềm để của Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại về sau). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã chuyển từ Hoàng cung qua sống tại cung An Định. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu cung An Định. Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Cung An Định được sử dụng như một khu nhà tập thể cho gia đình các giáo sư Đại học Huế và bị xuống cấp nghiêm trọng cho đến năm 2001 mới được phục hồi, trùng tu. Đến nay sáu bức bích họa ở Khải Tường Lâu dưới sự giúp đỡ của CHLB Đức đã được phục hồi theo phương pháp phục hồi hoàn nguyên và sử dụng các chất bảo quản nhằm ngăn chặn những tác hại của môi trường, trả lại diện mạo vốn có của nó trong nội điện di tích cung An Định. Sau khi điện Long An (nơi đặt Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế) đóng cửa để thực hiện dự án trùng tu, toàn bộ hiện vật của bảo tàng đã được đưa đến cung An Định để trưng bày

An Định Cung của vua Khải Định

Khi xưa, cung có khoảng 10 công trình, từ trước ra sau là bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước… Do những biến động của thời cuộc, nhà hát Cửu Tư Đài và khu chuồng thú không còn nữa.

Cung An Định của vua Khải Định

Các nhà nghiên cứu đánh giá, cung An Định đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây. Các công trình kiến trúc ở đây mang kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt với các đề tài châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.

Đặc biệt, cung An Định còn lưu giữ được bộ 6 bức tranh được vẽ trực tiếp lên tường mô tả các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định. Đây là những tác phẩm độc đáo của giai đoạn chuyển tiếp mỹ thuật Việt truyền thống với mỹ thuật mới đầu thế kỷ 20.

3. Thái Bình Lâu – nơi nghỉ ngơi, đọc sách của vua Khải Định

Tọa lạc tại phía đông bắc Tử Cấm Thành trong Hoàng thành Huế, Thái Bình Lâu là một công trình kiến trúc đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vua Khải Định. Thái Bình lâu là một tòa nhà hai tầng bằng gỗ nằm giữa một khuôn viên hình chữ nhật rộng 32m, dài 58m. Công trình được vua Khải Định ra lệnh xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành, để nhà vua làm chỗ nghỉ ngơi, đọc sách…

Thái Bình Lâu

Về tổng thể, Thái Bình Lâu là một công trình kiến trúc có thiết kế độc đáo gồm hai tòa nhà Tiền doanh và Hậu doanh nối kết với nhau. Tiền doanh là một tòa nhà hai tầng được lợp bằng ngói âm dương tráng men hoàng lưu ly. Hậu doanh là một tòa nhà một tầng được lợp bằng ngói liệt tráng men.

Không chỉ đặc sắc về kết cấu kiến trúc, Thái Bình Lâu còn được coi là một kiệt tác của nghệ thuật khảm sành sứ. Hầu hết các mô típ trang trí ở đây đều là những tác phẩm hết sức có giá trị của nền mỹ thuật Việt Nam.

Phong cảnh tại Thái Bình lâu

Thái Bình Lâu từng bị bỏ hoang trong nhiều thập niên và xuống cấp trầm trọng do tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Từ năm 2010-2015, công trình đã được trùng tu lớn và trở về với vẻ lộng lẫy vốn có của mình.

4. Điện Kiến Trung – nơi sinh hoạt của vua Khải Định trong hoàng cung

 Trái với ba công trình đã đề cập ở trên, điện Kiến Trung có một số phận khá hẩm hiu. Điện Kiến Trung là một cung điện trong Tử Cấm thành (Huế) được vua Khải Định cho xây vào năm 1921-1923 cùng thời gian với việc xây lăng để làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung.

Điện Kiến Trung

Đúng ra theo ngữ nghĩa thì “cung” là nơi vua ở, có tính cách riêng tư, kín đáo; còn “điện” là nơi vua làm việc có tính cách mở để các quan vào chầu. Điện Kiến Trung theo đó thoạt tiên là nơi vua làm việc, sau được tân trang để làm nơi vua sinh hoạt với gia đình.

Mặt tiền Điện Kiến Trung

Khi còn nguyên vẹn, điện Kiến Trung là một tòa nhà hai tầng mang phong cách Âu châu gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục hưng của Italia pha trộn kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Mặt tiền điện có trang trí những mảnh gốm sứ nhiều màu. Trước điện là vườn cảnh, có ba cầu thang đắp rồng dẫn lên thềm điện. Tầng chính trổ 13 cửa hiên: gian giữa 5 cửa, hai gian bên mỗi gian 3 cửa, hai góc điện mỗi bên hai cửa nữa làm nhô ra hẳn. Tầng trên là gác, làm cùng một thể thức như tầng chính. Trên cùng là mái ngói có hàng lan can trang trí theo phong cách Việt Nam.

Ngày 6 tháng 11 năm 1925, vua Khải Định băng hà tại Điện Kiến Trung.

Sang triều vua kế vị là Bảo Đại thì triều đình cho tu sửa lại tòa điện, tân trang các tiện nghi theo thể cách Tây phương, trong đó có xây buồng tắm. Vua và hoàng hậu Nam Phương sau đó dọn về sống trong điện Kiến Trung. Tại điện này, Hoàng hậu Nam Phương hạ sanh Thái tử Bảo Long (4-1-1936).

Nhưng đáng tiếc rằng cung điện tráng lệ này đã bị phá hủy trong chiến sự tháng 12.1946, ngày nay chỉ còn sót lại nền điện, các bậc cấp, hàng lan can cùng hai tòa nhà bát giác ở phía trước.

Viết một bình luận